Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh được áp dụng trong nhiều năm gần đây tại các trường Đại học, Cao đẳng. Vậy bạn sẽ cần biết những điều gì khi sử dụng phương thức xét tuyển này?
1. Xét tuyển đại học bằng học bạ là gì?
Xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Phương thức này mới, tạo điều kiện cho thí sinh giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử. Đây cũng là cơ hội lớn với các học sinh có kết quả học tập cấp 3 tốt rộng đường bước vào cánh cửa đại học.
Hiện nay, xét học bạ không còn là phương thức xa lạ với nhiều trường ĐH trên cả nước. Phương thức này có nhiều ưu điểm như:
- Giảm áp lực thi cử: Tiêu chí để xét học bạ chính là kết quả học tập bậc THPT, có thể là từ lớp 10 đến lớp 12 hoặc chỉ xét riêng lớp 12. Khi đối diện với kỳ thi THPT quốc gia, nhiều bạn sẽ cảm thấy áp lực và có thể không gặp may mắn trong thi cử nên điểm thi không như ý muốn. Lúc này, bạn còn có sử dụng phương thức xét học bạ. Với phương thức xét học bạ, các bạn sẽ dễ dàng nắm bắt cơ hội vào ĐH bằng những tổ hợp môn thế mạnh của mình.
- Tăng cơ hội trúng tuyển ĐH: Hiện nay, hầu hết các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, không chỉ đơn thuần là điểm thi THPT quốc gia. Vì vậy, bạn cũng có quyền sử dụng thêm các phương thức khác nhau để tăng cơ hội vào ĐH. Xét học bạ và xét điểm thi THPT quốc gia là 2 phương thức hoàn toàn độc lập, không ảnh hưởng lẫn nhau. Thí sinh có thể trượt phương thức xét điểm thi THPT quốc gia nhưng lại có thể đỗ bằng phương thức xét học bạ. Khi trúng tuyển sinh viên dù là xét học bạ hay điểm thi THPT quốc gia, hay tuyển thẳng… đều được thụ hưởng chương trình học và quyền lợi học tập giống nhau.
- Có cơ hội nhận được học bổng nếu học bạ “đẹp”: Ở nhiều trường, điểm học bạ “đẹp” còn giúp thí sinh có cơ hội nhận được nhiều suất học bổng đầu vào giá trị, điều này sẽ giảm phần nào gánh nặng kinh tế khi nhập học.
- Thủ tục, hồ sơ xét tuyển đơn giản với thời gian xét tuyển linh động theo các đợt tuyển sinh do trường quy định.
Phương thức xét tuyển bằng học bạ có nhiều ưu điểm như giảm áp lực thi cử, tăng khả năng trúng tuyển,...
2. Xét tuyển học bạ có điều kiện như thế nào?
Tùy vào hình thức và ngành nghề thí sinh xét tuyển, Nhà trường sẽ đưa ra điều kiện xét tuyển khác nhau. Theo đó thì nếu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì phải đảm bảo tổng điểm của các môn trong tổ hợp môn xét tuyển phải đạt ở mốc điểm nhất định. Điểm xét tuyển học bạ có thể của 6 kỳ, 5 kỳ… và phải có hạnh kiểm khá trở lên, tùy từng điều kiện của mỗi trường.
Tuy nhiên, điều kiện xét tuyển học bạ của bất kỳ ngôi trường nào cũng phải đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm giúp bảo đảm chất lượng đầu vào của các trường.
Chẳng hạn như chương trình xét tuyển học bạ của trường Cao đẳng Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2021. Nhà trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe với điều kiện đơn giản, chỉ cần thí sinh đã tốt nghiệp THPT đồng thời đảm bảo đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật hay nằm trong thời gian thi hành án. Ngoài ra, trường còn có chính sách học bổng, miễn giảm học phí với thí sinh đáp ứng được tiêu chí trường đưa ra.
3. Trong hồ sơ xét tuyển học bạ gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ khá đơn giản, dễ dàng không phức tạp như xét tuyển nguyện vọng. Các em đăng ký hồ sơ xét tuyển học bạ chỉ cần photo công chứng một số giấy tờ cơ bản sau:
- Đơn đăng ký xét tuyển (Có mẫu của từng trường)
- Bản photo học bạ công chứng
- Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (bản photo chứng thực)
- Chứng minh thư nhân dân (bản photo chứng thực)
- Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có)
- Phong bì dán sẵn tem và ghi đầy đủ địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển
- 04 ảnh 3×4
- Lệ phí xét tuyển (tùy từng trường)
4. Cần lưu ý gì để tăng tính thành công khi xét tuyển bằng học bạ?
4.1 Xác định mức điểm xét tuyển và điều kiện xét tuyển
Yêu cầu đầu tiên đối với thí sinh là nắm chính xác mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển và các yêu cầu khác đối với xét tuyển học bạ (điểm thi năng khiếu, điều kiện học lực ở lớp 12,...).
Như ở Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), điểm xét tuyển học bạ 3 học kỳ (tính bằng tổng điểm học kỳ 1 lớp 12 và học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11) yêu cầu đạt từ 18 điểm trở lên.
Mức điểm này áp dụng cho hầu hết các ngành đào tạo tại trường, gồm kinh doanh - quản lý, công nghệ - kỹ thuật, ngoại ngữ, truyền thông - quan hệ công chúng,...
Tuy nhiên riêng với các ngành nghệ thuật có tổ hợp xét tuyển có môn yêu cầu môn năng khiếu (gồm thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, nghệ thuật số, công nghệ điện ảnh - truyền hình, thanh nhạc), ngoài điểm học bạ, thí sinh còn cần điểm thi năng khiếu để tham gia xét tuyển.
Trong khi đó, với nhóm ngành khoa học sức khỏe, thí sinh cần đạt thêm điều kiện về học lực lớp 12 (như năm 2021 là đạt học lực giỏi nếu xét tuyển ngành dược, học lực khá trở lên nếu xét tuyển ngành điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học).
Việc nắm chắc mức điểm và các điều kiện đi kèm giúp thí sinh chủ động hơn khi nộp hồ sơ cũng như bổ sung điểm thi năng khiếu, học lực lớp 12 nếu cần thiết.
4.2 Đăng ký xét tuyển sớm, chuẩn bị hồ sơ đúng yêu cầu
Với tình hình "lạm phát" điểm trúng tuyển nguyện vọng những năm gần đây, xét tuyển học bạ đang dần trở thành lựa chọn an toàn cho nhiều thí sinh. Điều này làm tăng mức độ cạnh tranh khi xét tuyển học bạ.
Đặc biệt, với những ngành học được số đông thí sinh lựa chọn như quản trị kinh doanh, marketing, digital marketing, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng,... thì tình trạng điểm xét tuyển tăng vọt ở các đợt sau hoàn toàn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, thí sinh nên nhanh chóng chuẩn bị và nộp hồ sơ sớm nhất có thể để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển.
Trong đó, bản sao học bạ cần phải là bản photo cả quyển, có giáp lai từng trang và có xác nhận của chính quyền địa phương.
Thí sinh lớp 12 có thể nộp trước phiếu đăng ký và bản sao hợp lệ học bạ, sau đó mới bổ sung bản photo công chứng giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, nhưng cần lưu ý để bổ sung đúng thời gian thông báo của trường thì mới được công nhận trúng tuyển chính thức.
4.3 Chọn ngành xét tuyển theo sở thích
Đối với phương thức xét tuyển học bạ nói chung và xét tuyển học bạ 3 học kỳ nói riêng, hầu như các trường đều không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Một thí sinh có thể nộp nhiều hồ sơ, xét tuyển vào nhiều ngành học. Đây vừa là lợi thế, vừa là điều mà thí sinh cần lưu ý nhất.
Để tránh tình trạng "thả lưới" đại trà, lãng phí thời gian và công sức, thí sinh cần tập trung tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn ngành xét tuyển.
Cần khoanh vùng nhóm ngành yêu thích, chọn ra ngành yêu thích nhất và 4-6 ngành gần để đăng ký xét tuyển - bằng cách tìm hiểu chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp, yêu cầu về tố chất... của các ngành.
Điều này sẽ giúp các bạn dễ dàng định hướng được ngành và nghề phù hợp từ bước đầu, hạn chế tình trạng bối rối trước quá nhiều những lựa chọn do chính mình tạo ra.
> Đại học Việt Nam thăng bậc trên bảng xếp hạng nhóm ngành
> Hơn 50 trường đại học chấp nhận kết quả bài thi Đánh giá năng lực
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp