Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực có được cộng điểm ưu tiên hay không còn tùy theo quy định của từng trường. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của trường dự định đăng ký xét tuyển để có lựa chọn phù hợp và tăng cơ hội trúng tuyển.
> Xét tuyển dựa vào bài thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra như thế nào?
> 20 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM
Trường cộng, trường không
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, thông tin điểm trúng tuyển của trường này sẽ gồm 10% điểm học bạ, 60% điểm thi THPT quốc gia và 30% điểm bài kiểm tra năng lực do trường tổ chức. Sau khi tính ra tổng điểm xét tuyển dựa vào 3 điểm thành phần trên, thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng (nếu có) theo quy chế của Bộ GD-ĐT.
Theo quy chế tuyển sinh của bộ, mức chênh lệch giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm và mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm. Trong đó, khu vực 1 hưởng 0,75 điểm; khu vực 2-nông thôn là 0,5 điểm và khu vực 2 là 0,25 điểm. Như vậy, thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Luật TP.HCM có thể được cộng tối đa 2,75 điểm (nếu ở khu vực 1 và thuộc nhóm ưu tiên 1).
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt-Đức thì cho biết thí sinh không được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển từ kết quả kỳ thi riêng do trường ĐH này tổ chức vào tháng 5 tới.
Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của trường dự định đăng ký xét tuyển để nắm rõ các quy định về điểm ưu tiên.
Xét tuyển bằng bài thi đánh giá năng lực có cộng điểm ưu tiên hay không tùy thuộc vào đề án tuyển sinh của từng trường
Thí sinh được cộng tối đa 110 điểm
Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức để xét tuyển sẽ được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Quy định về điểm ưu tiên này được ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng dựa trên quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và TC nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2019 của Bộ GD-ĐT.
Theo đó, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 40 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 10 điểm theo thang điểm 1.200.
Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 được cộng 80 điểm, nhóm ưu tiên 2 được cộng 40 điểm. Thí sinh ở khu vực 1 được cộng 30 điểm, khu vực 2 - nông thôn được cộng 20 điểm và khu vực 2 được cộng 10 điểm.
Như vậy, mức điểm ưu tiên tối đa (cả khu vực và đối tượng) mà thí sinh được hưởng có thể lên tới 110 điểm (nhóm ưu tiên 1 và khu vực 1) cho bài thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Theo Thanh niên