Những hình ảnh đẹp này càng làm ấm lòng sĩ tử, giúp các em thêm động lực thi tốt trong kỳ vượt vũ môn khó khăn.

Làm thầy đâu chỉ dạy chữ

Trong buổi thi đầu tiên, chúng tôi bất ngờ khi gặp thầy Ngô Khắc Vũ - người thầy ở Trường THPT Mộ Đức 2, Quảng Ngãi chuyên giúp trò nghèo. Thầy Vũ chở cô bé “Ước mơ bên đường ray xe lửa” Nguyễn Thị Kiều Oanh đi thi. Thầy Vũ từng viết bài gửi Tuổi Trẻ, kêu gọi sự giúp đỡ cho Oanh khi em đứng trước nguy cơ nghỉ học vào năm 2014.

Vẫn nụ cười tươi thường trực, thầy Vũ cho biết để chuẩn bị cho kỳ thi này, Oanh đã phải cố gắng rất nhiều. Những bó củi Oanh đốn trên núi về phơi khô bán kiếm tiền đi thi khiến thầy Vũ xót xa. Thầy Vũ ray rứt: “Trước khi thi, tôi phải lên nhà bảo Oanh ngừng làm việc, lo ôn thi, vậy mà con bé cứ cố sức làm miết. Làm sao mà thoát nghèo nếu cứ bám vào mấy bó củi mãi được”.

Thầy Vũ kể: “Mấy hôm trước tôi có hỏi chuyện ai đưa đi thi thì Oanh nói đi một mình. Tôi mới bảo để thầy đưa đi thi, chủ yếu là tạo cho em động lực thi cử. Làm thầy đâu chỉ dạy chữ. Muốn học trò thành công thì phải theo các em đến cùng bằng cả tình cảm và trách nhiệm”.

Cả buổi đợi cô học trò thi môn toán, thầy Vũ như ngồi trên lửa. Mãi đến khi sân Trường ĐH Phạm Văn Đồng vắng tanh, Oanh mới xuất hiện. Thấy thầy Vũ, Oanh cười tươi rói đưa chín ngón tay lên ra hiệu. “Em làm mười câu nhưng chỉ chắc chín câu thôi. Câu cuối khó quá chẳng biết làm đúng không” - Oanh nói.

Nhìn cô học trò mừng rỡ, thầy Vũ lại lo lắng: “Mình dẫn trò đi thi, mong trò được điểm cao. Nhưng cũng lo đậu rồi tiền đâu đi học, đến cái ăn còn chạy từng bữa...”. Oanh bảo sẽ thi ít nhất được 21 điểm để có thể nộp đơn xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG TP.HCM. Đó cũng là định hướng của thầy Vũ cho Oanh.

“Thầy Vũ nói em thi vào đó sẽ có ký túc xá Cỏ May cho ăn ở miễn phí, không tốn chi phí sinh hoạt nhiều. Em sẽ đi làm thêm, rồi thầy kêu gọi mạnh thường quân giúp thêm, nên em an tâm thi” - Oanh cười hiền.

Vui buồn theo trò đi thi

Làm chân sai vặt cho trò

Hai ngày thi vừa qua có một người thầy luôn túc trực tại cổng Trường CĐ Cộng đồng Đồng Tháp để thăm hỏi, động viên học trò của mình. Thầy đứng đó còn để làm... xe ôm, chân sai vặt khi học trò cần.

Đó là thầy Phan Mạnh Thắng, giáo viên dạy môn giáo dục công dân Trường THPT Tháp Mười (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Dù không dạy môn chính và cũng chẳng chủ nhiệm lớp 12 nào, nhưng nhiều năm qua thầy Thắng luôn sát cánh cùng học trò trong những kỳ thi quan trọng.

Trong những ngày học trò đi thi, từ 5g sáng thầy Thắng chạy chiếc xe máy cà tàng vượt gần 40km từ nhà lên TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Đến cổng trường thi, thầy chọn vị trí dễ quan sát nhất rồi đứng “chốt” ở đó, chờ học trò của mình để thăm hỏi từng em. Gặp trường hợp cấp thiết như học trò quên giấy tờ, dụng cụ, hoặc gặp trục trặc trên đường đến điểm thi, thầy Thắng sẽ kiêm luôn nhiệm vụ xe ôm đưa rước lẫn chân sai vặt.

“Các em đều có số điện thoại của tôi. Mỗi khi gặp khó khăn là liên hệ ngay cho tôi. Có em trên đường đi thủng bánh xe, tôi phải tức tốc chạy xuống rước em ấy. Điểm thi này có cả thảy 127 em. Đây là điểm thi tập trung đông nhất học sinh của trường. Trong đó có 28 em đi thi một mình. Mình phải đặc biệt quan tâm, dặn dò các em này, là chỗ dựa tinh thần cho các em” - thầy Thắng chia sẻ.

Xem thêm:

 

Hơn 10 năm dậy sớm cùng trò vào trường thi

Đó là những thầy cô ở Trường THPT Phạm Phú Thứ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Đã hơn 10 năm nay, cứ vào dịp thi cuối cấp, các thầy cô và quản sinh ở đây dậy sớm cùng học trò để chuẩn bị tốt nhất cho “ngày ra trận”.

Đây là ngôi trường có một số con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học, nên ngay từ khi kết thúc năm học, nhà trường đã tập trung các em ở xa vào khu nội trú để tiện chăm lo việc ôn thi cho các em. Năm nay trường có 15 thí sinh người Cơ Tu ở nội trú ôn luyện tại trường cho tới ngày thi.

Vào “tuần nước rút”, cứ khoảng 4g sáng là thầy Trần Văn Nghĩa, quản giáo ở đây, lên gõ cửa từng phòng, gọi học trò dậy ôn bài. Tới ngày thi, các thầy dậy sớm, người vào bếp chuẩn bị bữa sáng, người lo xe cộ để đưa thí sinh đến điểm thi cách trường hơn 25km.

“Vì sợ các em quên thẻ dự thi nên tôi gom hết lại giữ. Cứ đầu ngày phát ra cho các em và cuối ngày thu lại. Riêng chuyện ăn uống thì sáng trưa gì mấy thầy cô cũng đưa trò về lại trường ăn cho chắc” - thầy Nghĩa nói.

Thầy Nguyễn Văn Lộc, phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, cho biết suốt năm ngày diễn ra kỳ thi, nhà trường thuê hẳn một ôtô để đưa đón học trò đến các điểm thi bốn lượt mỗi ngày.

“Để ổn định tinh thần cho các em thi cử, giáo viên và quản giáo của nhà trường trực tiếp đưa đón và túc trực ở nơi các em thi, động viên tinh thần từng em trước và sau giờ thi. Cứ sau mỗi buổi thi thì xe lại đón các em về trường ăn trưa, nghỉ ngơi để có thể lực tốt nhất cho kỳ thi” - thầy Lộc kể thêm.

Chạy xe 92km đi thăm học trò mỗi ngày

Trong những ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia, có một nhóm gồm ba giáo viên do thầy Trần Quang Trung dẫn đầu chạy xe máy từ Trường THPT Tân Lược, huyện Bình Tân lên TP Vĩnh Long, với lượt đi và về là 92km, để xem tình hình thi cử của học trò mình.

Cô Nguyễn Thị Thương bộc bạch: “Ở nhà không yên tâm nên phải chạy xe lên đây xem tụi nhỏ làm bài như thế nào, để còn động viên tinh thần, dặn dò môn tiếp theo”.

Khi học trò của mình vừa bước ra khỏi cổng trường thi, thấy các trò từ xa, nhóm thầy cô mừng rỡ kêu tên, vẫy tay... Cầm đề thi trong tay, thầy trò bàn luận về độ khó dễ của đề, rồi dặn dò, rút kinh nghiệm cho những môn thi sau.

Ngày thi nào cũng vậy, sáng gấp rút đến thăm trò, chiều từ từ quay về. Sáng nắng chiều mưa, đường sá xa xôi nhưng cả ba thầy cô đều cảm thấy yên tâm vì đã ít nhiều hỗ trợ được tinh thần cho học trò mình trong kỳ thi quan trọng của đời người...

Thay phụ huynh

Năm nay thầy Nguyễn Thanh Phương cùng hai giáo viên Trường THPT Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đưa 117 học sinh nghèo của trường lên thành phố dự thi. Các em được trường lo miễn phí hoàn toàn, từ thuê xe buýt đưa rước, đặt chỗ nghỉ trong khu ký túc xá trường đại học, cao đẳng, đến lo cho các em hai bữa ăn chính và phụ.

Thầy Phương chia sẻ: “Tụi nhỏ đi thi không có cha mẹ theo nên mình phải thay phụ huynh lo chu toàn mọi thứ. Đêm không để tụi nhỏ thức khuya hay ra ngoài ký túc xá nhằm phòng tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tới 5g sáng đánh thức tụi nhỏ dậy sớm, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, chuẩn bị sẵn giấy báo thi, chứng minh nhân dân, điện thoại phải tắt nguồn... Mình quản lý kỹ thì các em sẽ được hưởng lợi. Vì tương lai tụi nhỏ, tụi mình tránh không để xảy ra bất cứ sơ suất, sự cố gì...”.

 


Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160703/vui-buon-theo-tro-di-thi/1130239.html


Cập nhật điểm chuẩn đại học năm 2016 sớm nhất tại kenhtuyensinh.vn