>>Giáo dục, điểm thi đại học 2013, điểm chuẩn đại học

Thu học phí cao, thừa định tính nhưng thiếu định lượng là những lý do chính khiến loại hình trường chất lượng cao luôn bị phản đối
Thành phố Hà Nội đang thí điểm 18 trường chất lượng cao (CLC) trên toàn thành phố. Chủ trương này sẽ gây ra sự phân hóa lớn trong xã hội, bị dư luận phản ứng.

Nhìn từ TP HCM

Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) là trường có bề dày truyền thống dạy và học. Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm đều thuộc nhóm trường có điểm cao nhất. Như vậy không phải đợi đến khi được chọn làm thí điểm cho mô hình CLC, Trường THPT Lê Quý Đôn mới tạo được “thương hiệu”.

Từ năm học 2006-2007, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM đã chọn Trường THPT Lê Quý Đôn làm thí điểm cho mô hình trường CLC để thử nghiệm một mô hình mới. Để tạo điều kiện cho mô hình thí điểm, Trường THPT Lê Quý Đôn được thu học phí từ 850.000- 890.000 đồng/học sinh (HS)/tháng (các trường công lập bình thường khác thu học phí 30.000 đồng/HS/tháng), đồng thời vẫn được nhận khoản ngân sách đầu tư của nhà nước như bao trường công lập khác.

Thu học phí cao nhưng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm của Trường THPT Lê Quý Đôn vẫn cao ngất. Những HS học giỏi, con nhà khá giả vẫn luôn tìm cách vào học trường này vì phụ huynh tin tưởng có sự đổi mới rõ rệt ở mô hình này.

Khi thí điểm mô hình trường tiên tiến (sau này gọi là trường CLC) Sở GD-ĐT TP HCM đã cam kết với phụ huynh là trường không dạy thêm, học thêm, không thu khoản tiền khác ngoài học phí; bảo đảm dạy tốt chương trình của Bộ GD-ĐT; thực hiện phương pháp dạy học tiên tiến và phát huy năng khiếu của từng HS. Ngoài ra, theo khẳng định của lãnh đạo sở, mô hình này phải tiên tiến, khả thi, tiếp cận được với phương pháp giáo dục trong khu vực và quốc tế.

Khác biệt giữa nói và làm

Những cam kết trên của Sở GD-ĐT lại không thực hiện được. Cụ thể là phụ huynh vẫn phải đóng thêm những khoản ngoài học phí như tiền nước, tiền giấy thi, tiền photocopy đề thi… Đó là chưa kể mỗi học kỳ, phụ huynh phải có “nghĩa vụ” đóng tiền quỹ trường và quỹ lớp. Còn HS vẫn phải chạy đi học thêm ở những nơi khác.

trường chất lượng cao

Trong giờ học của học sinh Trường THPT chất lượng cao Nguyễn Hiền, quận 11, TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD-ĐT, tác giả của mô hình trường CLC -  cho rằng nét khác biệt của trường CLC ở chỗ sĩ số lớp chỉ 30 HS, học ngày 2 buổi, trang thiết bị được ưu tiên trang bị loại tốt nhất. Mỗi phòng học có 1 máy vi tính nối mạng ADSL, 1 máy chiếu projector, 1 màn hình, 1 máy in, 2 máy lạnh.

Khi còn làm hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, ông Phạm Văn Phiệt cho biết nếu chỉ thi tốt nghiệp THPT thì HS không phải đi học thêm nhưng vì các em muốn vào ĐH nên phải đi học thêm.

Do vậy, xét cho cùng, hiệu quả rõ ràng nhất của mô hình CLC ở Trường THPT Lê Quý Đôn có lẽ chỉ là sĩ số lý tưởng 30 HS/lớp cùng với việc tổ chức học nhóm, thuyết trình...

Chưa có một đánh giá, tổng kết khách quan, toàn diện nào về mô hình trường CLC đã thực hiện ở Trường THPT Lê Quý Đôn nhưng năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT lại đưa thêm 2 trường: THPT Nguyễn Du (quận 10) và Nguyễn Hiền (quận 11) vào mô hình này.

Thiếu định lượng

Các chuyên gia giáo dục, hiệu trưởng các trường THPT cho rằng mô hình trường CLC đang thừa định tính nhưng thiếu định lượng. Chủ trương có thể đúng nhưng thiếu những tiêu chí cụ thể khiến mô hình này gặp phải sự phản đối.
Hiệu trưởng một trường THPT quốc tế ở

TP HCM cho rằng nền giáo dục Việt Nam không thể đi lên từ sự đầu tư cào bằng và eo hẹp như hiện nay. Muốn hội nhập quốc tế, giáo dục Việt Nam cần có những đơn vị đi tiên phong. Hà Nội, TP HCM hay một số thành phố lớn khác là nơi có điều kiện đi tiên phong bởi ngoài đầu tư từ ngân sách, ở đây có nguồn lực đầu tư rất lớn từ xã hội. Tuy nhiên, để tạo ra được những mũi nhọn tiên phong cần có cách làm bài bản, cụ thể.
Một chuyên gia giáo dục khác cho rằng mô hình trường CLC hiện nay không thể hiểu được vì rất chung chung. Vị này cho rằng cần phải cụ thể hóa các tiêu chí như trình độ ngoại ngữ của HS sau khi tốt nghiệp THPT là cỡ nào, điểm bình quân thi ĐH..., cùng hàng loạt tiêu chí cụ thể khác. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên ở những trường CLC phải thật sự có chất lượng và có thu nhập tương xứng với công sức của họ. Khi trường CLC đã khẳng định được mình thì xã hội sẽ có cái nhìn khác. Khi đó trường dễ dàng lấy thu bù chi để chuyển phần đâu tư từ ngân sách cho những trường ở khu vực khó khăn.

PGS-TS PHẠM XUÂN HẬU, NGUYÊN VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC - TRƯỜNG ĐH SƯ PHẠM TP HCM:

Không thể có chất lượng cao kiểu đại trà

Trong điều kiện hiện nay, mô hình CLC mà Hà Nội sẽ thí điểm ở 18 trường với mức học phí rất cao là chưa phù hợp bởi có 2 yếu tố cơ bản hiện chưa đáp ứng: Thứ nhất, điều kiện học tập bao gồm phương tiện giảng dạy, phòng học, trang thiết bị, điều kiện phục vụ nội trú... đang bình thường không thể bỗng chốc trở thành CLC. Thứ hai, đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế. Với điều kiện hiện nay, theo tôi, mô hình này không thể thực hiện được trong vòng 5 năm tới.

Tâm lý phụ huynh là muốn con em được học trong môi trường tốt, có nhiều cơ hội phát huy khả năng, do đó học phí cao đến mấy cũng cố lo cho được. Tuy nhiên, không thể dựa vào nhu cầu này mà ồ ạt xây dựng mô hình trường CLC khi hiệu quả của nó ra sao lại không ai trả lời được.

Mô hình trường CLC là mô hình nên có, đó là mô hình trường trọng điểm, hạt nhân, được tập trung đầu tư cả về cơ sở vật chất, con người... với mục tiêu nâng cao chất lượng. Do đó, đây không thể là mô hình thực hiện theo kiểu đại trà. Theo tôi, mô hình CLC phải đặt mục tiêu đào tạo người học có trình độ, có tính sáng tạo, chủ động, tự học, phát triển kỹ năng toàn diện... Đặc biệt, đội ngũ giáo viên phải giỏi chuyên môn, ngoại ngữ, sáng tạo, thành thạo trong việc sử dụng các phương tiện thiết bị hiện đại...

Để làm được điều này cần phải thực hiện từng bước, có kế hoạch, quy trình. Mô hình CLC đã được thực hiện tại TP HCM, do đó cần phải có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để thấy chất lượng thực sự của mô hình này. Đừng để phụ huynh gồng mình đóng học phí cao mà không biết thực chất chất lượng đào tạo của mô hình này ra sao.

 

Theo Huy Lân, Giáo dục thời đại - Xem tin gốc