Sáng 11/11, Đại học Tài chính - Marketing (UFM) và Tập đoàn Imperial ký hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Du lịch - Khách sạn đạt chuẩn quốc tế.
Đại diện UFM ký kết hợp tác với Tập đoàn Imperial
Theo nội dung hợp tác, các bên sẽ cùng xây dựng một chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học ngành Quản trị Khách sạn - Nhà hàng theo chuẩn quốc tế (dưới sự hỗ trợ và đánh giá của đối tác quốc tế do hai bên cùng lựa chọn) theo hướng liên thông từ chứng chỉ nghề, trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học.
Đồng thời, hai bên cũng thống nhất liên thông trong đào tạo chứng chỉ nghề lĩnh vực nhà hàng - khách sạn. Cụ thể, UFM sẽ xem xét chấp nhận tích hợp chương trình chứng chỉ nghề do Trường Cao đẳng nghề Khách sạn Du lịch quốc tế Imperial (gọi tắt là IIHS - thuộc Tập đoàn Imperial) cấp cho người học vào chương trình đào tạo bậc Đại học các ngành thuộc lĩnh vực du lịch - khách sạn của UFM. Theo đó, sinh viên của UFM đăng ký học và được cấp chứng chỉ nghề lĩnh vực quản trị khách sạn của IIHS sẽ được xét miễn học và thi một số học phần chuyên ngành trong chương trình đào tạo.
Đặc biệt, hai bên thống nhất chọn hệ thống khách sạn 5 sao thuộc tập đoàn Imperial là cơ sở để sinh viên UFM thực hiện các hoạt động trải nghiệm chuyên môn, thực hành, thực tập nghề nghiệp. Tập đoàn Imperial tạo điều kiện để giảng viên UFM tham gia trải nghiệm thực tế tại đơn vị để nâng cao trình độ chuyên môn, ưu tiên tuyển dụng sinh viên UFM sau khi tốt nghiệp cùng nhiều điều khoản khác.
Hai bên cam kết cùng nhau thực hiện thật tốt các thỏa thuận ký kết hợp tác
Tại lễ ký, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hy vọng sự hợp tác sẽ mang đến chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch - khách sạn. Ông cho biết trong 5 tới, ngành du lịch - khách sạn cần tới 1 triệu lao động, trong đó ít nhất mỗi năm cần khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp. Ông Thọ cho biết ngành nghề nào cũng cần đam mê, thái độ nhưng với lĩnh vực du lịch, khách sạn lại càng quan trọng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định ngoại ngữ là yếu tố quyết định của người làm ở lĩnh vực này. Không có ngoại ngữ thì coi như vừa câm vừa điếc. Ông cũng cho biết so với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, châu Á thì trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam ở lĩnh vực này là rất yếu.
> Gần 50% SV làm việc trái ngành đào tạo, nguyên nhân do đâu?
> Đề xuất đào tạo sinh viên Sư phạm thực hành như trường Y
Theo Giáo dục Thời đại