Tính đến năm 2021, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường đại học là hơn 31%, tăng 6% so với ba năm trước.
1. Thực trạng về tỷ lệ giảng viên ở nước ta
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 141/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục đại học. Từ thời điểm được tự chủ, các trường đại học đẩy mạnh phát triển đội ngũ có trình độ, chuyên môn cao, đặc biệt ưu tiên tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ, đào tạo bồi dưỡng giảng viên theo học các chương trình tại những trường uy tín trên thế giới.
Thời điểm năm 2018, khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) chưa có hiệu lực, chỉ 23 trường được thí điểm tự chủ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong cả nước là 25%. Đến năm 2021, khi số lượng trường tự chủ tăng hơn hơn 140, tỷ lệ này tăng lên trên 31%.
Cùng với đó, tỷ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm mạnh, từ khoảng 20% vào năm học 2015-2016 xuống còn dưới 10% trong giai đoạn 2018-2020 và vẫn tiếp tục giảm.
Tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ tăng
Kết quả khảo sát hơn 130 trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy thời điểm năm 2018, số lượng trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ dưới 25% là 81. Đến năm 2021, con số này còn 62 và không trường nào có dưới 5% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
Ở chiều ngược lại, số lượng trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trên 50% tăng từ 12 lên thành 16.
Tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng đều trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, trong đó giáo sư tăng thêm 0,5%/năm; phó giáo sư 5-6%/năm).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các con số trên là minh chứng cho thấy các trường đã ý thức việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Thực tế, các trường cũng có nhiều chính sách để cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn, có trình độ cao (có chức danh giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, ưu tiên tốt nghiệp ở trường đại học uy tín ở nước ngoài) và khả năng nghiên cứu khoa học.
Cùng với nâng cao trình độ giảng viên, các trường đại học cũng đang từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp với số lượng giảng viên tăng lên trong khi đội ngũ chuyên viên, nhân viên giảm. Thống kê đến hết năm 2021, tỷ lệ giảng viên trên tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của trường chiếm 71%, lớn nhất trong cơ cấu nhân lực của nhà trường, hơn gấp đôi số cán bộ quản lý và chuyên viên hành chính.
2. Khó khăn của các trường đại học
Tuy nhiên, vấn đề phát triển đội ngũ, cơ cấu nhân lực trong các trường đại học hiện vẫn gặp một số khó khăn.
Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học là luật chuyên ngành về giáo dục và đào tạo nên không có nhiều quy định về thẩm quyền đối với lĩnh vực quản lý công chức, viên chức và người lao động. Việc phát triển đội ngũ và nhân sự chịu ảnh hưởng bởi quy định tại Bộ Luật Lao động; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và một số luật chuyên ngành khác.
Cụ thể, về công tác tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, chuyển ngạch, kỷ luật, các trường phải tuân thủ theo các quy định của Luật Viên chức. Việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội lại tuân thủ theo Luật Lao động, Luật Việc làm và Luật Bảo hiểm xã hội; ngoài ra còn tham chiếu nhiều bộ luật chuyên ngành khác để quản lý, sử dụng và thực hiện chính sách đối với các loại hình lao động có trong nhà trường.
Bài toán tăng lệ tiến sĩ/giảng viên vốn không dễ với các trường ĐH công lập. Theo các chuyên gia giáo dục, nguồn đội ngũ cán bộ về hưu và sức hút từ các trường ĐH dân lập là một trong những khó khăn, cạnh tranh trong quá trình tăng lệ tiến sĩ/giảng viên.
Theo PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, kinh phí để giảng viên học tiến sĩ rất lớn, trong khi đó nguồn lực tài chính của ĐH Huế và các trường ĐH thành viên, trường, khoa trực thuộc hỗ trợ để giảng viên đi học tiến sĩ hằng năm không thể nhiều. Nguồn học bổng tài trợ gửi về ĐH Huế để giảng viên đi học tiến sĩ và nguồn học bổng cá nhân giảng viên tự tìm kiếm hằng năm từ các tổ chức nước hiện nay rất ít.
“Đối với các trường ĐH công lập nói chung và ĐH Huế nói riêng, rất khó khăn cả thể chế và nguồn lực để thu hút đội ngũ có học hàm, học vị cao về công tác cũng như giữ chân giảng viên có trình độ cao, hiệu quả làm việc tốt ở tuổi ngoài 60 tiếp tục ở lại công tác như các trường dân lập, vì vậy, quan tâm nâng cao trình độ của đội ngũ trẻ rất quan trọng và mang tính lâu dài”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương khẳng định.
Ông Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Quyền Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nghệ thuật cho rằng, khó khăn dẫn đến tỷ lệ tiến sĩ giảng dạy tại trường còn ít là tâm lý chung của cán bộ, giảng viên khối ngành nghệ thuật xem trọng tiêu chí làm nghề hơn học hàm, học vị. Đời sống giảng viên các ngành đặc thù gặp khó khăn nên cũng ít người học lên tiến sĩ. Còn theo PGS.TS. Đoàn Đức Lương, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, khó khăn trong xuất bản quốc tế cũng là rào cản.
Những năm qua, nguồn hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, nhất là Đề án 322 (theo Quyết định số 322/2000/QĐ-TTG ngày 19/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước) và Đề án 911 (theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020) đã giải quyết nguồn đội ngũ khá lớn của ĐH Huế đáp ứng trình độ tiến sĩ.
Lãnh đạo một số trường thừa nhận, để nhiều cá nhân giảng viên tự bỏ tiền học tiến sĩ rất khó khả thi. Với yêu cầu theo luật giáo dục, chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn thạc sĩ, nhiều giảng viên có thể không chọn phương án học lên tiến sĩ.
Chủ động giải pháp, bám sát Đề án 89
Tháng 5/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Hướng dẫn số 1943 BGDĐT-GDĐH hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách Nhà nước theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ năm 2021 và 2022 (Đề án 89). Theo lãnh đạo ĐH Huế, Đề án 89 có tính kế thừa Đề án 322 và 911 trong việc giải quyết vấn đề tăng tỷ lệ tiến sĩ/giảng viên, đặc biệt là ĐH Huế đang tập trung cho chiến lược phát triển đội ngũ cả về số lượng và chất lượng.
Tuy nhiên, để thực hiện Đề án 89, cần chú trọng giải pháp đảm bảo chất lượng thực sự và tránh “rơi rớt”, người học không thể hoàn thành tiến sĩ hoặc ở lại nước ngoài, không trở về cống hiến tại các trường ĐH.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương cho rằng, quan trọng là cần có giải pháp chọn lọc người đi học kỹ, có khả năng ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng nước sở tại để nhanh hội nhập văn hóa. Quá trình áp dụng, ĐH Huế sẽ tập trung các ngành mũi nhọn và những ngành có nhiều tiềm năng duy trì phát triển trong tương lai trước, tiếp đến là ngành có tính tiên phong, đón đầu, mang tính dẫn dắt với nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam và tại ĐH Huế.
Bên cạnh hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước, ĐH Huế và tỉnh nhà cần có chính sách thu hút và giữ chân đội ngũ có trình độ, học hàm, học vị cao thông qua những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể và có chính sách khen thưởng kịp thời, tạo động lực cho giảng viên ở mọi miền đất nước về công tác tại ĐH Huế và sống lâu dài trên mảnh đất Cố đô, góp phần thực hiện khả thi và thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những Trung tâm lớn của cả nước về GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
> Học phí các trường đại học tăng mạnh
> Học phí Đại học Y Hà Nội tăng hơn 70% so với năm trước
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp