Càng học càng thất nghiệp
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý II năm 2015 do Viện Khoa học Lao động Xã hội vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm, tuy nhiên số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp vẫn tiếp tục tăng cao với hơn 199.400 người , chiếm 17,4% số người thất nghiệp (tăng 22.000 người so với quý I).
Theo số liệu thống kê lao động đã qua đào tạo cho thấy ngoại trừ nhóm trình độ cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý 1/2015 (từ 7,13% xuống còn 6,56%), thì tỷ lệ thất nghiệp của các nhóm trình độ chuyên môn kỹ thuật khác đều tăng.
Cụ thể: Nhóm có trình độ đại học trở lên tăng từ 3,92% lên 4,6%; trình độ trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và trình độ sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, tỷ lệ lao động trình độ đại học thất nghiệp tăng là do quy mô tuyển sinh đại học quá cao so với nhu cầu lao động.
Cử nhân thất nghiệp “đông như quân Nguyên” (Ảnh: dantri.com.vn)
Đây cũng là nguyên nhân chính khiến số lao động có chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là trình độ đại học gia tăng.
Phân tích cụ thể hơn về con số cử nhân thất nghiệp của quý II năm 2015, bà Hương cho biết: Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật (chứng chỉ sơ cấp trở lên) có 10,7 triệu người, chiếm hơn 20% lực lượng lao động.
Trong đó, riêng trình độ đại học trở lên có 4,47 triệu người. Điều này cho thấy, nước ta đang mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo nghề và giáo dục đại học, người có bằng đại học dư thừa, nhưng lao động tay nghề lại thiếu.
Thất nghiệp! Lỗi tại ai?
Trao đổi với báo chí về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều, TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng lỗi chủ yếu nằm ở 4 đối tượng sau:
Thứ nhất, người lao động (cử nhân ra trường) không căn cứ vào năng lực để chọn học ngành phù hợp. Hoặc trong quá trình học tập thì không chuyên tâm, chuyên sâu để khi ra trường có đủ năng lực, phẩm chất.
TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh, trong thời buổi cạnh tranh muốn có việc làm thì bắt buộc phải có năng lực chỉ có như vậy nhà tuyển dụng họ mới lựa chọn. Còn nếu cứ học theo kiểu phổ thông, học chỉ để lấy bằng thì thất nghiệp là điều dễ hiểu.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Tùng Lâm, TS. Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh từng chia sẻ trong buổi hội thảo cùng các bạn sinh viên rằng:
“Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất nghiệp là thuộc về mỗi cử nhân, thạc sĩ không chịu tự thân vận động, trau dồi đầy đủ năng lực bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ để phục vụ công việc sau khi ra trường.
Nhiều sinh viên mới ra trường nhưng có quan niệm làm quan chứ không chịu làm lính, không bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ. Ngược lại, họ đòi hỏi phải có công việc tốt, lương cao nhưng tất cả không biết mình đang ở đâu, đứng vị trí nào trong xã hội”
Chính vì vậy, ngay lúc này, người lao động cần phải rút kinh nghiệm, cần phải chấn chỉnh rằng học cho bản thân chứ không phải cho bố cho mẹ hay học theo phong trào.
Thứ hai, các cơ sở đào tạo không đến nơi đến chốn dẫn đến sinh viên ra trường không đáp ứng được nhu cầu của thị trường như không có năng lực, phẩm chất hay tay nghề nhất định khiến nhiều doanh nghiệp cần tuyển người nhưng không tuyển được.
Cần phải điều chỉnh để nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, ở các ngành nghề.
Thứ ba, do nền giáo dục của ta đi ngược so với thế giới vì hiện Bộ GD&ĐT kiểm soát đầu vào rất chặt chẽ nhưng đầu ra lại không kiểm soát thể hiện qua con số 100% đầu vào, qua 4 năm 100% sẽ ra. Vậy thì làm sao mà đảm bảo chất lượng.
Trong khi các nước trên thế giới họ không quan tâm việc học thế nào để vào trường nhưng khi muốn ra thì bắt buộc phải đảm bảo chất lượng thì mới cho ra.
Thứ tư, Nhà nước mới chỉ kiểm soát cơ sở giáo dục trên giấy tờ còn cụ thể làm thế nào, có người dạy được hay không thì chưa thực hiện được.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vai trò quan trọng nhất của Nhà nước là định hướng phát triển giáo dục nói chung, các trường đại học, cao đẳng nói riêng là quy hoạch nguồn nhân lực cho đúng, quản lý các trường thực hiện đúng theo quy hoạch.
Trong đó, Nhà nước phải quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên cơ sở dự báo đúng thị trường lao động.
Cần phải dự báo được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ sắp hội nhập mà vẫn giữ tâm thế của thời bao cấp, cái gì cũng phân phối thì còn chết.
Nhìn nhận xu thế hội nhập, trả lời trên báo điện tử Công an nhân dân, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Dường như, mục đích của giáo dục hiện nay chủ yếu là học sinh học xong tiểu học, lên trung học cơ sở, tiếp theo là trung học phổ thông và cuối cùng là vào đại học.
Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ toàn dân lên lớp, toàn dân học đại học mà không đảm bảo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều này sẽ gây ra những hậu quả về nguồn lực lao động khi chúng ta hội nhập ASEAN và TTP. Khi đó, chúng ta có thể thất bại vì phải nhập thợ chất lượng cao của nước ngoài, còn thợ của Việt Nam chỉ có thể làm thuê ở những ngành nghề đơn giản”.
Theo Giáo dục VN, nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/199400-cu-nhan-thac-si-that-nghiep--la-lung-cang-hoc-cang-dedung-duong-post163261.gd