Vậy là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đã kết thúc, hơn 946.000 học sinh (HS), 142.000 cán bộ coi thi và hàng triệu phụ huynh trong cả nước đã thở phào nhẹ nhõm.

Điều đáng ghi nhận ở kỳ thi năm nay là ở khâu ra đề. Cho đến khi môn ngoại ngữ - môn thi thứ sáu và cũng là môn cuối cùng của kỳ thi - kết thúc, dư luận vẫn chưa có ý kiến nào chê bai đề thi. Hầu hết đều khen đề thi hay, mang hơi thở cuộc sống, ở mức độ trung bình, HS trung bình có thể làm được điểm 6-7. Đặc biệt, cách ra đề vừa nêu sẽ mang lại sự thay đổi trong cách dạy và học ở giáo viên và HS.

Tỉ lệ đậu cao ngất ngưỡng

Từ những ưu điểm của đề thi năm nay, người ta tiên đoán: tỷ lệ đậu tốt nghiệp có thể sẽ… kịch trần (tỷ lệ đậu tốt nghiệp của kỳ thi năm 2012 đã là 97,63%)! Nhưng, một khi “cả làng cùng đậu tốt nghiệp” thì tổ chức kỳ thi để làm gì?

Thi tốt nghiệp THPT có cần thiết khi tỉ lệ đậu quá cao | Điểm thi

 

Thí sinh Nghệ An kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: Xế Ngự


Lâu nay, Bộ GD-ĐT lý giải: thi tốt nghiệp THPT là để kiểm tra và công nhận kết quả sau cấp học cho HS. Nhưng để kiểm tra kiến thức, theo các nhà giáo dục, có nhiều cách, trong đó có việc kiểm tra đánh giá suốt quá trình học tập của HS, chứ không chỉ dựa vào kỳ thi cuối cấp. Đó là chưa kể, việc bỏ kỳ thi này còn tạo điều kiện để giáo viên và nhà trường mạnh dạn đổi mới dạy học, chứ không như hiện nay, việc đổi mới dạy học chỉ đến hết lớp 11, lớp 12 thầy và trò lại quay về lối dạy - học truyền thống để đối phó với kỳ thi.

Có ý kiến muốn giữ kỳ thi tốt nghiệp để giữ chất lượng giáo dục toàn diện, nhưng lối nghĩ này không thực tế và cũng chẳng hợp thời, vì trong giáo dục hiện đại, người ta khuyến khích HS học tập và phát triển theo những phẩm chất cá nhân.

>> Xem bài: Đề Toán dễ, nhiều thí sinh tự tin đạt 9, 10 điểm

 

Kết quả hữu hình mà kỳ thi tốt nghiệp mang lại cho HS là tấm bằng tốt nghiệp THPT. Nhưng từ lâu, tấm bằng này đã còn quá ít giá trị sử dụng. Vô lý hơn là cùng chung một đối tượng dự thi (HS đã học hết lớp 12), cùng nội dung kiến thức thi (kiến thức bậc THPT, chủ yếu là lớp 12), đề thi cũng do Bộ GD-ĐT ra, nhưng HS lại phải trải qua hai kỳ thi khác nhau, chỉ cách nhau một tháng, là thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Về phía xã hội, kỳ thi có tính “quốc gia” này đang gây nhiều áp lực nặng nề không đáng có. Bản thân ngành giáo dục từ trung ương đến các địa phương, hàng năm cũng phải “đánh vật” với việc tổ chức thi và rất nhiều hao tổn vật chất khác.

Chính vì thế, từ lâu, dư luận đã đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp (thay bằng xét tốt nghiệp giống như ở bậc THCS) và có lộ trình cải tiến thi cử phù hợp cũng là hướng đề xuất từ lâu của Viện Nghiên cứu giáo dục (Đại học Sư phạm TP.HCM). Tiếc thay, cho đến nay, những đề xuất này không hề được Bộ GD-ĐT lắng nghe.


Tin bài gốc: phunu

 

Thông tin cần biết:

 

Kenhtuyensinh

Theo: phunu