Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính quy năm 2016 cho phép các trường thực hiện xét tuyển theo nhóm trường. Mỗi nhóm cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh đáp ứng các yêu cầu của quy chế.
Giảm tỉ lệ thí sinh ảo
Tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường là cơ sở để thực hiện một phương thức xét tuyển chung dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 với sự cam kết tham gia của một số trường ĐH. Đối với khu vực phía Nam, ngày 22-4, Bộ GD&ĐT đã khuyến khích và giao cho ĐH Quốc gia TP.HCM đảm nhiệm vai trò chủ trì xây dựng phương án.
TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay ĐH Quốc gia TP.HCM đã thảo luận với các trường ĐH thành viên để thống nhất phương án tuyển sinh theo nhóm.
Theo đó, sẽ có các đơn vị thành viên tham gia gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế-Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin và khoa Y. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2016 là hơn 13.000. Thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển tối đa vào hai trường, mỗi trường không quá hai ngành và thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký.
Theo ông Chính, ĐH Quốc gia TP.HCM và các đơn vị thành viên sẽ thiết lập cổng tuyển sinh chung để tiếp nhận hồ sơ xét tuyển. Tuy nhiên, các trường vẫn hoàn toàn độc lập trong việc xét tuyển. Việc này sẽ góp phần giảm được tỉ lệ thí sinh ảo. Chẳng hạn, đợt 1 thí sinh được đăng ký vào hai trường với bốn nguyện vọng, khi thí sinh này trúng tuyển vào một trường thành viên thì lập tức trong hệ thống sẽ phân loại. Ngoài ra, thí sinh quyết tâm vào một ngành nào đó khi không trúng tuyển vào trường A thì cơ hội trúng tuyển vào trường B, C, D… trong nhóm sẽ cao hơn.
“Hiện phần mềm tuyển sinh chung của các trường thành viên đã kết nối hoàn chỉnh, đủ sức đáp ứng việc tuyển sinh theo nhóm” - ông Chính chia sẻ.
Thí sinh nộp hồ sơ thi THPT quốc gia năm 2016. Ảnh: P.ĐIỀN
Nhiều cơ hội trúng tuyển hơn
Tuy nhiên, đại diện các trường ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên và một số lãnh đạo các trường khác xác nhận đến thời điểm này vẫn chưa đưa ra quyết định tham gia tuyển sinh theo nhóm.
“Trường đang phân tích việc tham gia xét tuyển nhóm có mặt thuận lợi và khó khăn như thế nào nên chưa đưa ra quyết định có tham gia hay không” - TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, nói.
Còn TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật, cho biết trường đã bàn bạc với ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng chưa chốt lại phương án cụ thể. Theo đó, trong tuần tới trường sẽ tiếp tục làm việc với ĐH Quốc gia để phân tích và tính toán kế hoạch. “Vấn đề do ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định, khi có phương án hoàn chỉnh, thống nhất giữa các đơn vị thành viên thì trường sẽ tham gia” - ông Dũng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc thành lập các nhóm trường tuyển sinh chung trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Bộ không ép tham gia nhóm nhưng vì lợi ích của trường, của thí sinh và làm giảm nhẹ công tác tuyển sinh 2016, thuận lợi cho nhà trường và xã hội thì các trường nên phối hợp với nhau.
“Việc có nhiều trường tham gia nhóm càng thuận tiện, giúp thí sinh càng dễ chọn nguyện vọng hơn. Đến tháng 6 các trường vẫn có thể lập nhóm, trước tháng 7 sẽ công bố cho thí sinh biết” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.
Bớt phức tạp và tốn kém Phương thức tuyển sinh theo nhóm được xây dựng trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016. Thứ nhất, phương thức xét tuyển chung theo nhóm trường là một giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng trúng tuyển ảo cho các trường tham gia. Thứ hai, phương thức này tạo thêm cơ hội lựa chọn, đồng thời không gây ra sự phức tạp và tốn kém cho thí sinh, không làm giảm quyền lợi của thí sinh. Thứ ba, phương thức tuyển sinh chung theo nhóm trường vẫn đảm bảo quyền tự chủ của các trường trong việc xác định chỉ tiêu dự kiến cho từng nhóm ngành, quy định các điều kiện được đăng ký xét tuyển vào trường (nếu có), các tổ hợp môn xét tuyển đối với từng nhóm ngành... Thứ trưởng Bộ GD&ĐT BÙI VĂN GA Hiện khu vực miền Bắc đã có 11 trường ĐH tham gia tuyển sinh chung (gọi là nhóm GX) gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng và ĐH Dân lập Thăng Long. Hạn để đăng ký tham gia nhóm tuyển sinh này là ngày 22-4. Theo phương thức tuyển sinh của nhóm GX, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới trong phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu được thiết kế riêng cho nhóm). Thí sinh có thể sử dụng số nguyện vọng tối đa được phép của từng đợt xét tuyển (bốn nguyện vọng trong đợt 1 và sáu nguyện vọng trong các đợt xét tuyển bổ sung) để đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm. |
Theo PLO, nguồn: http://plo.vn/giao-duc/tot-nghiep-tuyen-sinh/tuyen-sinh-theo-nhom-thi-sinh-nhieu-co-hoi-625640.html