Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT: Tuyển sinh riêng: Được và mất

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH,CĐ. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đổi mới tuyển sinh là bước đầu thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Các trường được gì và mất gì khi thực hiện đề án tuyển sinh riêng bắt đầu từ 2014?

Nghị quyết Trung ương 8 xác định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ GD&ĐT đã đồng ý cho "các trường có thể tuyển sinh bằng 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển và kết hợp vừa thi tuyển vừa xét tuyển”, nghĩa là tuyển sinh riêng theo đúng quy định của Luật Giáo dục   ĐH. Vấn đề là các trường phải có phương án tuyển sinh phù hợp với mục tiêu và đặc thù của trường mình để tuyển chọn người học có đủ năng lực theo học. Đây là điều không dễ…

Nguồn tuyển, chất lượng tuyển tăng

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc các trường tuyển sinh riêng là nghĩa vụ của các trường. ĐH Mỹ thuật Việt Nam - một trong 10 trường thực hiện thí điểm kỳ thi tuyển sinh ĐH theo đề án của Bộ VHTT&DL năm 2013 được chủ động về thời gian tổ chức tuyển sinh, không trùng với kỳ thi "ba chung” nên số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường so với năm 2012 tăng 75%. Chất lượng đầu vào cũng được đánh giá là tốt hơn. Tương tự ĐH Mỹ thuật TP HCM năm 2013 cũng tăng 67% so với mùa tuyển sinh 2012.

Trong 3 năm tới, khi vẫn còn kỳ thi "ba chung”, Bộ GD&ĐT cho biết: Mỗi trường có thể tùy chọn một trong các phương án tuyển sinh: hoặc thực hiện đề án tuyển sinh riêng được Bộ GD&ĐT xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định; hoặc tham gia kỳ thi "ba chung” do Bộ GD&ĐT tổ chức; và có thể thỏa thuận với trường có đề án tuyển sinh phù hợp đã được Bộ GD&ĐT xác nhận để tổ chức thi tuyển sinh theo đề án của trường đó.

Đây là những điểm mở đáng mừng để các trường có thể thực hiện tuyển sinh riêng, dựa trên hành lang pháp lý là văn bản quy phạm pháp luật do Bộ đã soạn thảo và sẽ ban hành tới đây. Trong đó có một số nguyên tắc cụ thể như các trường hạn chế các chương trình luyện thi, giáo viên tổ chức luyện thi không được chấm thi, công khai đề án tuyển sinh đã được Bộ GD&ĐT xác nhận trên trang web của trường để xã hội và thí sinh có thể giám sát.

Trong đề án, các trường phải nêu rõ các điều kiện đảm bảo quyền tuyển sinh riêng căn cứ quy định cứng về tỷ lệ giảng viên cơ hữu của các trường tham gia ra đề trong tổng số người của ban ra đề thi… để đảm bảo chất lượng và hiệu quả cao nhất, đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.  Tuy vậy các trường hoàn toàn có cơ hội chọn được những SV phù hợp nhất với sứ mạng, mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo và nguồn lực nhà trường, có quyền xác định số môn thi, tự chọn phương thức thi như xét tuyển, thi tuyển… Thời gian tuyển sinh theo dự thảo là tối đa 2 lần/năm và thời điểm tuyển sinh Bộ sẽ quy định và trường sẽ chọn.

Lo nhất khâu ra đề?

Cái khó nhất mà các trường công lập e ngại chính là ở bộ đề thi, vì lâu nay các trường đã quen "chung đề” do Bộ ra. Ra đề thi ĐH, CĐ để tuyển chọn người có năng lực phù hợp vào học từng ngành nghề có yêu cầu riêng là không dễ, nếu không muốn rơi vào thực tế chỉ là cuộc thi phổ thông nâng cao. Có lãnh đạo trường đã trao đổi trực tiếp với Bộ GD&ĐT là dù trường có tổ chức thi riêng thì cũng không thể ra đề thi mà phải lấy đề từ Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục.

ĐHQG Hà Nội năm 2014 vẫn tiếp tục tổ chức kỳ thi tuyển sinh theo kì thi ba chung của Bộ GD&ĐT và dự kiến chỉ thí điểm tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực ở một số chương trình đặc biệt. Điều đó cho thấy bước đi thận trọng trong lộ trình tuyển sinh riêng ở một cơ sở đào tạo lớn.

Còn các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì hầu hết các phương án tuyển sinh riêng đưa ra đều dựa trên quan điểm đa tiêu chí, là kết quả kỳ thi quốc gia (tuyển sinh và tốt nghiệp), học bạ phổ thông cùng một số tiêu chí đánh giá toàn diện về năng lực tư duy, kỹ năng mềm, tiếng Anh... Do đó đề thi chưa phải mối lo lớn khi bỏ thi "ba chung” không còn "kết quả chung”, sẽ mất đi một tiêu chí để xét tuyển không phải không quan trọng.

Cái khó với Bộ GD&ĐT khi giao cho các trường tự tuyển sinh lại chính là công tác thanh tra, giám sát sẽ nặng nề hơn. Mỗi trường có một đề án riêng và phải giám sát chất lượng theo đề án đó. Bộ sẽ phải phối hợp với các Bộ chủ quản cũng như địa phương để kiểm tra số lượng giáo viên ra đề, giáo viên coi thi… và xử lý nếu vi phạm.  Đối với thí sinh sẽ có mối lo về thay đổi chế độ ưu tiên. Bộ GD&ĐT sẽ rà soát lại và điều chỉnh để đảm bảo công bằng hơn cho các thí sinh ở các vùng miền khó khăn.

Xã hội lại có mối lo nhiều trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh sẽ hút hết nguồn nhân lực vào đó khiến lỗ hổng trống người học ở các trường trung cấp và trường nghề sẽ càng lớn. Những mối lo này không giải quyết rốt ráo sẽ dẫn tới những mất mát lớn về chất lượng và cơ cấu nhân lực. Những trường dự kiến tuyển sinh riêng năm 2014 gửi đề án cho Bộ GD&ĐT trước ngày 10-2-2014. Bộ sẽ thẩm định và trả lời chậm nhất là 1 tháng sau đó - ngày 10-3-2014 - thời điểm các thí sinh bắt đầu nộp hồ sợ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2014.

Theo tác giả Phương Anh, báo đại đoàn kết, link gốc: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=73557&menu=1423&style=1