Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, phương án tuyển sinh dự kiến năm học 2020, một số trường đại học sẽ có thêm nhiều ngành học mới hiện đại hứa hẹn đáp ứng những thay đổi trong thị trường lao động.
Nhiều ngành mới ra đời đảm bảo nhu cầu nguồn nhân lực tương lai
>ĐH KHTN TP.HCM tuyển sinh 2020 có 6 ngành mới và 5 phương thức
>Đề án tuyển sinh kỳ thi THPT quốc gia năm 2020
Nhiều ngành liên quan đến công nghệ
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết dự kiến trường sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới gồm: IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng là ngành được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động. Ngoài ra, trường cũng dự kiến mở thêm chuyên ngành năng lượng tái tạo thuộc ngành kỹ thuật điện - điện tử.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng dự kiến mở thêm một số ngành mới. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường đang xúc tiến các thủ tục cần thiết để mở một số ngành mới. Tại phân hiệu của trường ở Ninh Thuận, địa phương đang đặt hàng một số ngành về du lịch, kỹ thuật năng lượng tái tạo, kinh tế biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao...
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng thông tin trường sẽ chính thức tuyển sinh ngành du lịch (từ một chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh trước đó). Chương trình đại trà còn có thêm ngành quản trị chuỗi cung ứng và logistics. Ngoài ra, trường còn tuyển sinh nhiều ngành thuộc chương trình chất lượng cao (như khoa học máy tính, kinh tế, Đông Nam Á); chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng và kế toán).
Ở các trường ngoài công lập, nhiều ngành mới cũng dự kiến được tuyển sinh trong năm tới. Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở thêm ngành tiếp thị kỹ thuật số, quản lý công nghiệp, kỹ thuật y sinh... Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dự kiến sẽ có 5 ngành mới gồm: kinh doanh thương mại, thương mại điện tử, luật, kỹ thuật xét nghiệm y học, điều dưỡng.
Trong số 22 ngành với tổng chỉ tiêu dự kiến 2.400 chỉ tiêu năm 2020, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến có thêm 2 ngành mới gồm: kinh doanh thương mại (xét tổ hợp A00, A01, D01, C00) và ngôn ngữ Trung Quốc (xét tổ hợp A01, D01, D14, D15).
Đổi tên hàng loạt ngành
Ngoài ra, các trường cũng có những điều chỉnh về ngành nghề trong năm tới.
Trường ĐH Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM vừa có quyết định đổi tên 7 ngành học thuộc khối ngành ngoại ngữ. Cụ thể, tên ngành ngữ văn Anh đổi thành ngôn ngữ Anh. Tương tự là ngành ngôn ngữ Đức, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, ngôn ngữ Tây Ban Nha, ngôn ngữ Ý.
“Điều chỉnh này chỉ thay đổi tên ngành, chương trình đào tạo các ngành vẫn giữ nguyên, đảm bảo chất lượng đào tạo và sự phù hợp với thực tế. Việc thay đổi tên các ngành đào tạo ngoại ngữ từ “ngữ văn” sang “ngôn ngữ” sẽ không thay đổi thế mạnh chuẩn đầu ra của người học về ngôn ngữ và văn chương nước ngoài”, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng dự kiến mở thêm ngành mới cho chương trình chất lượng cao tiếng Anh. Với chương trình đại trà, theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, dự kiến sẽ thực hiện tuyển sinh chung một số ngành như: hóa - sinh - công nghệ thực phẩm, điện - điện tử, xây dựng... Các ngành tuyển sinh chung này sinh viên sẽ được học chung một năm đầu trước khi tách ra các ngành cụ thể. Cũng tại trường này, năm tới có thể có xu hướng ngược lại là tách cơ khí thành 1 - 2 ngành để tuyển sinh riêng, tăng thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp cho thí sinh.
Song song với việc mở ngành mới, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng dự kiến dừng tuyển sinh một vài ngành do khó tuyển sinh các năm trước như: ngôn ngữ Pháp, xây dựng cầu đường...
Trong khi đó, một số trường ĐH tại địa phương thực hiện ghép các khoa chuyên môn trong năm tới. Chẳng hạn, Trường ĐH Đà Lạt có chủ trương ghép 2 khoa vật lý và kỹ thuật hạt nhân, khoa hóa và khoa môi trường, khoa văn và khoa sử. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết việc sắp xếp các khoa chuyên môn nhằm tinh gọn bộ máy, tận dụng nguồn lực để phát triển chuyên môn. Tuy nhiên việc này chỉ ghép khoa, các ngành tuyển sinh vẫn được giữ ổn định.
Các bạn học sinh nên xem kĩ trước khi đưa ra quyết định cho việc theo đuổi đam mê.
Theo Thanh Niên