Nhiều quy định tổ hợp môn xét tuyển 2015 chỉ theo cảm tính

Cùng với các khối thi truyền thống, việc các trường ĐH-CĐ đưa ra nhiều tổ hợp xét tuyển mới trong kỳ tuyển sinh năm 2015 tuy giúp tạo thêm cơ hội cho thí sinh nhưng kèm theo đó cũng là nhiều băn khoăn, lo lắng.

Phóng viên NTNN ghi nhận có những tổ hợp môn thi “lạ” như ngữ văn - lịch sử - ngoại ngữ (khối O, O1); toán - ngữ văn - vật lý (khối A2); toán - tiếng Anh - hóa học (khối B1)… Về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục tại TP.HCM, nhận định: “Tôi đã đọc qua nhiều đề án mà các trường đưa ra, chỉ riêng phần xác định tổ hợp môn xét tuyển thôi cũng cảm thấy hoa mắt. Khách quan mà nói thì có nhiều trường có vẻ đưa ra phương án các môn tổ hợp chỉ theo… cảm tính”.

Cụ thể, chuyên gia này dẫn chứng: “Trước kia, các trường đào tạo khối ngành kỹ thuật, kinh tế chọn toán - lý - hóa, KHXHNV chọn văn - sử - địa, y học chọn toán - hóa - sinh. Tuy nhiên, năm nay một số trường lại tuyển ngành kinh tế bằng tổ hợp văn, sinh, thậm chí bằng các môn khối C thì tôi không hiểu nổi”.

Nói về việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT), cho hay: “Khi đồng ý để các trường mở rộng khối thi, chúng tôi đã quán triệt tinh thần các trường không được mở rộng quá dẫn đến tình trạng lộn xộn. Cụ thể, các trường phải lưu ý các tổ hợp đó phải có 1 trong 2 môn toán hoặc văn, thậm chí được cả toán và văn thì tốt. Tuy nhiên, một vài trường chưa hiểu đúng tinh thần công văn nên xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển hoàn toàn mới”.

Quy định tổ hợp môn xét tuyển theo cảm tính

Thực tế, sự xuất hiện của quá nhiều nhóm môn đang khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng vì chắc chắn hệ quả của việc này sẽ khiến cho công tác xét tuyển thêm rối nếu không có biện pháp kỹ thuật khả thi, nhất là ở năm đầu tiên thực hiện. Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Các trường phải lưu ý mỗi ngành không được xét tuyển quá 4 tổ hợp, nếu quá 4 tổ hợp là Bộ không đồng ý bởi nếu thay đổi quá nhiều ngoài các khối thi truyền thống sẽ không có lợi cho chính các trường cũng như các em học sinh”.

Trong khi đó, ở góc độ giá trị giữa các tổ hợp môn xét tuyển có thể sẽ khác nhau gây ra tình trạng thiếu công bằng cho các thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng: “Khi các trường chọn nhiều tổ hợp nhưng lại lệch nhau về giá trị thì làm sao biết được năng lực của thí sinh bằng nhau. Các trường cần xác định chỉ nên chọn thêm một tổ hợp mới để xét, để vừa đảm bảo đặc trưng ngành đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào”.

Xét  khối B ngành kế toán, tài chính ngân hàng

Có trường hợp cùng một ngành học nhưng các trường có lựa chọn đối nghịch nhau về môn xét tuyển. Trường ĐH dân lập Hải Phòng dù ghi rõ từng chuyên ngành cụ thể (quản trị doanh nghiệp, kế toán kiểm toán, tài chính ngân hàng, marketing) nhưng vẫn bổ sung thêm môn địa lý vào tổ hợp xét tuyển.

Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế miền Đông và Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Thọ lại bổ sung tổ hợp toán, hóa, sinh (khối B cũ). Trường ĐH Quốc tế miền Đông vừa xét thêm khối B cho ngành kế toán và tài chính ngân hàng, vừa bổ sung khối C cho ngành quản trị kinh doanh. Theo lý giải của nhà trường ngay trong đề án, việc này chỉ đơn thuần nhằm tạo thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh!

Ngược lại, cũng trong đề án Trường ĐH dân lập Hải Phòng, tổ hợp toán, lý, hóa (khối A cũ) lại được sử dụng để xét tuyển ngành VN học, trái ngược hoàn toàn với một ngành khoa học xã hội xưa nay chỉ tuyển thí sinh có kiến thức khối C hoặc D

Trích theo Báo Thanh niên, http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141102/mon-xet-tuyen-khong-hieu-noi.aspx.

Theo Dân Việt, http://danviet.vn/thoi-su/tuyen-sinh-dhcd-2015-nhieu-to-hop-xet-tuyen-la-499067.html