>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường.

Với hàng loạt động thái cứng rắn trước kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, cho thấy Bộ GD-ĐT hạ quyết tâm siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng để hướng đến thực hiện cam kết “không chạy theo số lượng”. Thông điệp này đã tạo nên hiệu ứng tích cực khi các cơ sở đào tạo đã rà soát và tính toán lại chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với thực tế.

Mở ngành mới, giảm chỉ tiêu tuyển sinh

Đến thời điểm này, các trường ĐH đã hoàn tất báo cáo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2014 gửi về Bộ GD-ĐT. Điểm đáng chú ý, nhiều trường mở thêm một số ngành mới nhưng chỉ tiêu vẫn không tăng, thậm chí chủ động cắt giảm chỉ tiêu so với mọi năm. Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, năm 2014 trường mở thêm 3 ngành mới: Kỹ thuật tài nguyên nước (80 chỉ tiêu), Vật lý kỹ thuật (60 chỉ tiêu), Triết học (80 chỉ tiêu) với tổng chỉ tiêu dự kiến 8.200. Như vậy, dù mở thêm 3 ngành mới nhưng tổng chỉ tiêu của trường vẫn không tăng và trường cũng không tuyển sinh hệ CĐ ngành công nghệ thông tin.

Tương tự, một số trường thuộc ĐH Quốc gia TPHCM mở thêm một số ngành mới nhưng tổng chỉ tiêu năm 2014 lại giảm so với năm 2013. Theo đó, tổng chỉ tiêu năm nay của ĐH Quốc gia TPHCM là 13.400 (ĐH: 12.650 chỉ tiêu, CĐ: 750 chỉ tiêu), giảm 300 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa TPHCM bổ sung thêm ngành Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, và 4 chuyên ngành gồm: Cấp thoát nước, Kỹ thuật công trình thủy, Thủy lợi - Thủy điện và Công nghệ may nhưng tổng chỉ tiêu năm nay của trường vẫn giữ nguyên như năm 2013, hệ ĐH 3.800 chỉ tiêu, hệ CĐ 150 chỉ tiêu. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên 3.400 chỉ tiêu (ĐH: 2.800, CĐ: 600); Trường ĐH CNTT 800 chỉ tiêu; Trường ĐH Quốc tế 1.000 chỉ tiêu; Trường ĐH Kinh tế - Luật 1.300 chỉ tiêu; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn 2.850 chỉ tiêu...

Chỉ tiêu tuyển sinh 2014 có nhiều xáo trộn

Chỉ tiêu tuyển sinh 2014 có nhiều xáo trộn

Trường ĐH Sài Gòn năm nay tổng chỉ tiêu dự kiến khoảng 3.000 chỉ tiêu, giảm 900 chỉ tiêu so với năm 2013. Trong đó, hệ ĐH từ 2.800 giảm còn 2.500 chỉ tiêu, hệ cao đẳng từ 1.100 chỉ tiêu giảm còn 500 chỉ tiêu. Th.S Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường giải thích: “Trường giảm chỉ tiêu để đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Trong đó, hệ ĐH tập trung giảm ở một số ngành sư phạm và nhóm ngành kinh tế. Riêng hệ CĐ trường giảm đều ở tất cả các ngành”. Cùng chủ trương này, sau khi ra soát đội ngũ, năng lực đào tạo và nhu cầu thực tế, hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng dự kiến giảm 5% chỉ tiêu ở các ngành sư phạm. Riêng ngành Sư phạm mầm non và Sư phạm tiểu học tăng nhẹ (từ 170 lên 200 chỉ tiêu).

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM dự kiến mở thêm 3 ngành mới gồm: Công nghệ may, Ngôn ngữ Anh và Khoa học dinh dưỡng - Nghệ thuật ẩm thực. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu năm nay của trường vẫn giữ nguyên như năm 2013 (ĐH: 2.700 chỉ tiêu; CĐ: 1.300 chỉ tiêu).

Chấm dứt đua theo số lượng?

Có thể nói những khuyến cáo và chủ trương của Bộ GD-ĐT (giảm chỉ tiêu ngành sư phạm, nhóm ngành tài chính ngân hàng) từ năm 2013 đã có hiệu ứng tích cực. Những điều chỉnh chỉ tiêu từ các trường cho thấy, nếu có những quy định kiểm soát cứng rắn thì vấn đề nâng chất lượng, tránh lãng phí nguồn nhân lực hoàn toàn có thể khắc phục được.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Việc các trường rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu dự báo nguồn nhân lực của xã hội là lẽ đương nhiên. Song, những khuyến cáo của Bộ GD-ĐT tuy dựa trên tình hình chung nhưng thực tế nếu cơ sở nào thấy cần thiết và đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng, cơ sở khoa học vẫn có thể giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh để tránh thiếu hụt nguồn nhân lực cho tương lai”.

Có thể nói, quyết định dừng tuyển sinh hơn 200 ngành đào tạo ĐH không đủ chuẩn của 71 cơ sở ĐH của Bộ GD-ĐT là thông điệp mạnh mẽ nhất trước mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Dù những cơ sở không có tên trong quyết định này cũng chủ động nói không với “khai khống, chạy theo số lượng”. Do đó, chỉ tiêu ở hàng loạt cơ sở đào tạo có sự xáo trộn và điều chỉnh.

Theo Th.S Lê Ngọc Tứ, Quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TPHCM: “Từ chủ trương của Bộ GD-ĐT, hội đồng tuyển sinh của trường đã rà soát lại tất cả các ngành đào tạo ở hệ sư phạm lẫn hệ cử nhân để điều chỉnh chỉ tiêu. Việc điều chỉnh này xuất phát từ khảo sát và dự báo nhu cầu nhân lực thực tế từ các địa phương, trong mối tương quan năng lực đào tạo của nhà trường”.

Dù không đào tạo nhóm ngành sư phạm nhưng nhiều cơ sở đào tạo nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ trong năm 2014 dự kiến mở thêm một số ngành mới nhưng vẫn cam kết không tăng chỉ tiêu mà chỉ điều chỉnh san qua sớt lại giữa các ngành dựa trên các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Theo Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo đăng ký chỉ tiêu phải đảm bảo cân đối chỉ tiêu đào tạo với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy theo chuyên ngành. Đối với chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học chính quy và cao đẳng chính quy, các cơ sở đào tạo phải giải trình rõ năng lực đào tạo nếu các chỉ tiêu đó trong năm 2014 tăng từ 5% trở lên so với chỉ tiêu xác định năm 2013.

Theo tác giả Hùng Thoại, SGGP