Dự kiến trong kỳ tuyển sinh 2022, trường ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% phí thi đánh giá năng lực cho khoảng 70.000 thí sinh tham gia.

hoạt động tuyển sinh

GS Lê Quân (giữa) thông báo trường ĐHQG Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% phí dự thi cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực 2022

Sáng 17.12, ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội nghị trực tuyến về chủ đề khai thác sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT phục vụ tuyển sinh ĐH.

Tham gia hội thảo có nhiều trường ĐH phía bắc, đại diện đơn vị quản lý đào tạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, ĐH Quốc gia TP.HCM, các ĐH vùng (Đà Nẵng, Thái Nguyên, Huế).

Tổ chức thi nhiều đợt tại nhiều nơi

Tại hội nghị, GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết năm 2022 trung tâm dự kiến tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực học sinh THPT từ tháng 2 đến tháng 8 tại Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM. Dự kiến kỳ thi sẽ phục vụ khoảng 70.000 lượt thí sinh (tối đa là 90.000 thí sinh).

Tại Hà Nội, dự kiến tổ chức thi cho 45.000 lượt thí sinh. Cụ thể, mỗi tháng tại trung tâm sẽ tổ chức khoảng 2 đợt thi, mỗi đợt khoảng 6.000 thí sinh. Mỗi thí sinh có thể dự thi nhiều hơn 1 đợt, với điều kiện đợt thi sau phải cách đợt thi trước (của mỗi thí sinh) tối thiểu 28 ngày.

Ở các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở tra, trung tâm dự kiến tổ chức thi cho 35.000 lượt thí sinh, từ tháng 4 đến tháng 7 với ước tính 2.000 - 5.000 lượt thí sinh/đợt, mỗi tháng tổ chức khoảng 2 đợt.

Ngoài ra, trung tâm sẽ tổ chức tại 1 hoặc 2 điểm, với khoảng 2 đợt thi trong tháng 6 tại TP.HCM cho khoảng 10.000 thí sinh (mỗi đợt thi tại mỗi điểm từ 2.000 đến 5.000 thí sinh).

Hình thức hợp tác, phối hợp giữa trung tâm với các trường ĐH khác sẽ có nhiều mức độ. Mức độ đơn giản nhất là cho phép các trường sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH, cao hơn nữa là phối hợp tổ chức kỳ thi.

Với mục tiêu là phục vụ cộng đồng

Theo GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu càng có nhiều trường ĐH tham gia sử dụng kết quả kỳ thi thì tính cộng hưởng càng cao, hiệu ứng xã hội càng cao, các trường càng tuyển được nhiều thí sinh có năng lực phù hợp tốt nhất với yêu cầu của từng trường, từng chương trình đào tạo.

GS Lê Quân cũng đặt vấn đề về việc triển khai xây dựng phần mềm xét tuyển chung cho khối trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Nếu việc xây dựng phần mềm được triển khai, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ mở cổng thông tin để thí sinh đăng nhập, đăng ký xét tuyển ĐH dựa trên kết quả thi.

“Hướng tiếp cận của chúng tôi là để cho thí sinh có nhiều lựa chọn mà không buộc các em phải điền thứ tự ưu tiên kiểu NV1, NV2, NV3… Đến phút cuối, nghĩa là khi các trường yêu cầu xác nhận nhập học, các em mới cần phải đưa ra quyết định. Chúng tôi quan niệm đây chỉ là một trong nhiều phương pháp xét tuyển để thí sinh có thêm lựa chọn, không buộc các em chỉ được chọn cái này hoặc chọn cái kia”, GS Lê Quân chia sẻ và khẳng định, việc tổ chức kỳ thi là một hoạt động phi lợi nhuận, với mục tiêu phục vụ cộng đồng.

Để đảm bảo tất cả thí sinh có nhu cầu dự thi đều có thể tham gia, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cho thí sinh dự thi. Thí sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo, thí sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn được miễn lệ phí.

Được biết, năm 2021 ĐH Quốc gia Hà Nội thu lệ phí kỳ thi đánh giá năng lực là 200.000 đồng/lượt thí sinh. Trao đổi với Thanh Niên, GS Lê Quân nói: "Căn cứ định mức chi Trung tâm Khảo thí trình lên, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ quyết định mức lệ phí năm theo tinh thần tôi đã chia sẻ trong hội nghị".

Nhiều trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc Gia Hà Nội

Tuyển sinh 2022: Nhiều trường có chỉ tiêu xét tuyển mới, thí sinh cần chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu?

Theo Thanh Niên