Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Thương mại, Vinh sẽ phối hợp tổ chức và đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Ngày 16/12, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết các trường, khoa trực thuộc Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức như một hình thức xét tuyển đại học năm 2022.
Nhiều trường khác cũng sẽ phối hợp tổ chức và đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này, gồm Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân, Thương mại, Vinh, Công nghệ Giao thông vận tải, Tài Nguyên Môi trường, Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, Tân Trào, Phenikaa, Hồng Đức, Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Lao động - Xã hội, Sư phạm Hà Nội 2, Thủ đô, Hùng Vương, Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Nông - Lâm Bắc Giang, Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Công nghiệp Việt Trì, Điện lực, Học viện Tòa án, Ngân hàng.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Phó ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có tới hơn 30 trường sẽ sử dụng kết quả kỳ thi, dự báo số lượng thí sinh sẽ tăng mạnh (so với 10.000 thí sinh năm 2021). Kết quả kỳ thi năm ngoái chủ yếu sử dụng cho các trường, khoa trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Ngoại thương.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021
Theo kế hoạch, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 7-8 đợt thi đánh giá năng lực, dự kiến từ tháng 2 đến 8/2022. Với việc tổ chức thành nhiều đợt ở nhiều địa điểm tại các tỉnh, thành khu vực miền Bắc và Trung, có thể ở cả TP HCM, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội để tham gia nếu đảm bảo yêu cầu dịch tễ.
GS Thảo cho biết các khâu chuẩn bị đang được tiến hành. Giống như năm 2021, Trung tâm khảo thí tiếp tục ứng dụng kỹ thuật kiểm tra đánh giá hiện đại và tối ưu hóa quá trình tổ chức thi trên máy tính, bổ sung vào ngân hàng câu hỏi khoảng 20% so với năm ngoái, đủ đa dạng để tạo thành các đề thi chất lượng cho nhiều đợt.
Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng nhiều kịch bản tổ chức kỳ thi cùng nhiều yêu cầu về phòng dịch như tùy theo cấp độ phân loại vùng dịch mà đặt địa điểm thi, thời gian thích hợp; bổ sung các yêu cầu về dịch tễ, duy trì 5K, giãn cách ca thi, số lượng thí sinh ở từng điểm.
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT sau 4 năm dừng hình thức này. Đề thi gồm 150 câu chia làm ba phần, gồm: Tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Năm nay, các bài thi cũng có cấu trúc, nội dung, mức độ khó dễ tương tự.
Ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. 8 đại học, chủ yếu khối kỹ thuật, đã công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh những phương thức truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế...
> Đại học Bách Khoa Hà Nội kết hợp dạy trực tiếp và dạy online
> GS.TS Nguyễn Hữu Tú được bổ nhiệm làm tân hiệu trưởng Đại Học Y Hà Nội
Theo VnExpress