Trong kỳ thi tuyển sinh 2021, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các địa phương cần tạo thuận lợi cho thí sinh ở các điểm thi, không để trường hợp thí sinh bỏ thi vì khó khăn.
Ngày 16/4, Thủ tướng ban hành chỉ thị 11 về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2021. Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo, quy chế, kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh đại học; xây dựng đề thi; cung cấp thông tin cần thiết về kỳ thi và tuyển sinh; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm an toàn.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi trên địa bàn, gồm các khâu: Đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Địa phương chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí ngân sách để tổ chức kỳ thi; đảm bảo an toàn phòng chống Covid-19...
Thủ tướng yêu cầu các địa phương hỗ trợ con em hộ nghèo, vùng xa, nơi thiên tai, thí sinh khuyết tật
Bộ Công an triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh cho kỳ thi; thanh tra Chính phủ cử người tham gia các đoàn kiểm tra thi. Ngoài ra các đơn vị, doanh nghiệp đảm bảo điều kiện về cấp điện, vận chuyển, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh...
Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp công bố đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi THPT; chuẩn bị các điều kiện để tuyển sinh bảo đảm công bằng, minh bạch...
Trước đó ngày 9/4, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tân Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ dành sự quan tâm, trực tiếp làm việc với các đơn vị, rà soát tất cả khâu để tránh sai sót,bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển... "Không chỉ giới hạn trong quy chế, Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh", Bộ trưởng Sơn nói.
Ngày 7-8/7, hơn 800.000 thí sinh cả nước sẽ thi tốt nghiệp THPT. Để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh THPT phải dự thi đầy đủ 3 bài độc lập và một bài tổ hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi hai bài độc lập là Toán và Ngữ văn cùng một bài tổ hợp. Nhóm này có thể đăng ký dự thi thêm Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển đại học.
Các trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh, hầu hết dành chỉ tiêu để tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
> Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2021
> Những điểm cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021
Theo VnExpress