Giáo viên bộ môn Vật Lý trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), Thạc sĩ Lê Thịnh chia sẻ phương pháp ôn thi bộ môn này cho thí sinh thi khối Khoa học Tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Vật lý nằm trong tổ hợp Khoa học tự nhiên, đòi hỏi học sinh phải hiểu và nắm vững quy luật hiện tượng tự nhiên đồng thời phải biết cách vận dụng kiến thức, công thức để thực hiện giải quyết vấn đề cho phù hợp. Nhiều học sinh lo lắng, thậm chí có em bị ám ảnh khi làm bài tập môn học này bởi chưa có phương pháp ôn tập đúng.
Để có hướng ôn tập trọng tâm và tự tin trước ngày thi, các em cần hiểu rõ mức độ khó và nội dung đề của môn này trong những năm gần đây. Theo đó, các câu hỏi lý thuyết và bài tập trắc nghiệm Vật lý thường được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó ứng với bốn mức độ đánh giá năng lực: Mức 1 là nhận biết, mức 2 là thông hiểu, mức 3 là vận dụng và mức 4 là vận dụng cao.
Phân tích đề thi Vật lý hai năm gần nhất, có thể thấy cấu trúc sau:
Cấu trúc đề thi Vật Lý trong 2 năm gần đây
Như vậy, phân bố câu hỏi xét theo mức độ như sau: Nhận biết chiếm 12 câu, thông hiểu 12 câu, vận dụng 8 câu và vận dụng cao 8 câu. Về nội dung kiến thức: Lớp 11 có 4 câu, lớp 12 có 36 câu; tập trung nhiều ở các chương Dao động cơ, Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều, Dao động và Sóng điện từ (21 câu).
Học sinh làm bài thi để đạt được 8 điểm không khó vì nội dung kiến thức cơ bản tập trung nhiều từ câu 1 đến câu 32 theo các mức từ mức 1 đến mức 3 là chủ yếu. Để có thể làm được các câu ở mức 4, học sinh cần luyện thêm các chuyên đề sâu hơn và khó hơn thường tập trung ở chương Dòng điện xoay chiều, Dao động cơ và Sóng cơ.
Như vậy, học sinh chỉ cần ôn tập kiến thức trong chương trình sách giáo khoa là đủ có thể đạt số điểm tốt.
Về kiến thức cơ bản cần tập trung, học sinh chú ý chương Dao động cơ phải được ôn đầu tiên bởi nội dung kiến thức cơ bản phần này liên quan đến các chương sau đó, gồm: Sóng cơ, Dòng điện xoay chiều, Dao động và Sóng điện từ. Nếu mất căn bản chương này coi như học sinh mất hết một nửa kiến thức lớp 12.
Ngoài ra, các em cần chú ý đến kiến thức nền như:
- Phương trình dao động điều hòa của vật dao động điều hòa (con lắc lò xo, con lắc đơn...).
- Chu kỳ, tần số, pha, ly độ, vận tốc và gia tốc của vật dao động điều hòa theo từng thời điểm.
- Mối liên hệ giữa dao động điều hòa với chuyển động tròn đều.
- Năng lượng dao động điều hòa (động năng và thế năng tại từng vị trí).
- Tổng hợp hai dao động điều hòa cùng phương cùng tần số.
Nắm vững kiến thức về Dao động cơ, học sinh dễ dàng học và giải các bài tập các chương tiếp theo bằng cách tương tự hay tương ứng.
Dòng điện xoay chiều có nội dung đa dạng và khó nhất vì nhiều chủ đề, kiến thức liên quan đến các phương pháp toán học trong đó có khảo sát hàm số, đạo hàm, tích phân, tìm giá trị min - max, giảng đồ véctơ và đồ thị dao động.
Để ôn tập hiệu quả được phần lớn bài điện, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản như: Tổng hợp dao động điều hòa, độ lệch pha giữa hai dao động, hàm phức và giảng đồ véctơ quay ngay từ ban đầu. Việc giải các bài toán điện xoay chiều sẽ trở nên đơn giản hơn nếu học sinh nắm và biết sử dụng thành thạo các công cụ toán học cho từng dạng bài cụ thể.
Thời điểm này, học sinh cần lập thời gian biểu ôn tập hợp lý. Thông thường khi khó khăn về môn học nào đó, chúng ta cần tập trung nhiều hơn để có thể học tốt và an tâm trước kỳ thi. Các em nên dành khung thời gian ôn tập tối thiểu ba buổi một tuần, mỗi buổi 2 tiếng là hợp lý cho môn này.
Học sinh cần ôn tập đều các chương trong chương trình Vật lý 12, mỗi buổi ứng với một trong các chương: Dao động cơ/Sóng cơ; Dòng điện xoay chiều/Dao động và sóng điện từ; Sóng ánh sáng/Lượng tử ánh sáng/Hạt nhân nguyên tử. Các em nên ôn theo từng phần nội dung của chương hoặc chia nhỏ kiến thức theo từng chủ đề bao gồm lý thuyết và bài tập.
Khi ôn lý thuyết trọng tâm trong sách giáo khoa Vật lý, cần nắm rõ hiện tượng, đặc điểm và tính chất vật lý của từng chủ đề bài học; xác định nội dung liên quan và so sánh kiến thức giữa các chủ đề bài học, công thức liên hệ giữa các đại lượng và vận dụng công thức phù hợp.
Học sinh không nên nóng lòng, vội vàng thực hiện giải bài toán trắc nghiệm ngay, dẫn đến việc ôn tập kiến thức trọng tâm không đủ. Các em nên tập luyện giải các bài tập tự luận từ đơn giản đến nâng cao ở các chủ đề, hình thành các bước giải mẫu với bài toán tương tự kết hợp với phương pháp bấm máy tính nhanh.
Trong tháng cuối trước kỳ thi, các em thử đề thi THPT quốc gia trước đây và thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Học sinh nên tập giải đề như đang tham gia kỳ thi thật, làm 40 câu trong 50 phút, sau đó tự đánh giá lại năng lực. Việc này giúp các em làm quen với dạng đề trắc nghiệm, kiểm tra kiến thức tổng quát, thành thạo phương pháp tính nhanh và luyện tốc độ bấm máy tính.
> Bộ GD&ĐT: Có thể tổ chức thêm đợt thi THPT 2021 nếu cần thiết
> Tìm hiểu về kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Sư Phạm TP.HCM năm 2021
Theo VnExpress