Khó tuyển sinh

Theo quy định mới, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thống nhất tên gọi, tiêu chí đầu vào, đầu ra, chương trình đào tạo. Như vậy, từ ngày 1-7-2015, các trường CĐ chính quy, các trường CĐ cộng đồng, trường CĐ nghề và hệ CĐ trong các trường ĐH sẽ quy về một mối do Bộ LĐTB-XH quản lý và có chung tên gọi là CĐ. Người học tốt nghiệp khối ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ được cấp bằng kỹ sư thực hành và người tốt nghiệp các ngành sư phạm, kinh tế, xã hội… sẽ được cấp bằng cử nhân thực hành.

Thay đổi Luật giáo dục nghề nghiêp, cao đẳng khó tuyển sinh

Năm 2015, nhiều trường lo lắng hệ CĐ sẽ rất khó tuyển sinh.

Thực tế cho thấy, thời điểm mà Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực rơi vào đúng trọng tâm của mùa tuyển sinh trong năm 2015 đối với hệ CĐ. Do đó, điều các trường đang lo lắng là sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và chắc chắn hệ CĐ chuyên nghiệp sẽ rất khó tuyển sinh.

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Thực tế hiện nay hệ CĐ của trường đã cắt giảm nhiều và chỉ còn đào tạo một số ngành. Tuy nhiên, thông tin quyết định chuyển hệ CĐ từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐTB-XH quản lý sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của thí sinh và chắc chắn sẽ khó tuyển sinh”.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường CĐ ngoài công lập tại TPHCM ngao ngán: “Chủ trương thì các trường sẽ phải thực hiện. Nhưng cách phối hợp và triển khai như thế nào để không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, đào tạo của các trường mới là điều quan trọng. Nếu đổi cơ quan chủ quản mà không thay đổi cách quản lý, luật có hiệu lực rồi không áp dụng được thì các trường CĐ sẽ chết chắc”.

Như vậy, với cách duyệt chỉ tiêu, cho mở ngành đào tạo cùng với “thả cửa” vào ĐH, những hệ đào tạo thấp hơn sẽ không thể nào cạnh tranh nổi trong tuyển sinh.

Cao đẳng bị chê?

Thống kê hiện nay cho thấy, hệ thống trường CĐ chuyên nghiệp do Bộ GD-ĐT quản lý khoảng 300 trường (chưa tính hệ CĐ ở các trường ĐH) và trường CĐ nghề, trung cấp nghề do Bộ LĐTB-XH quản lý gần 600 trường. Dự kiến giáo dục nghề nghiệp chỉ còn 3 tên gọi: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường CĐ. Do đó, điều mà các trường CĐ và trường ĐH có hệ CĐ đang lo lắng không biết tương lai sẽ như thế nào nhưng trước mắt nhiều khả năng người học sẽ chê hệ CĐ.

Theo GS-TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: “Trong mùa tuyển sinh năm 2015, các trường CĐ chính quy và hệ CĐ trong các trường ĐH vẫn tuyển sinh bình thường theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2015. Do đó, thí sinh cũng như các trường đừng quá lo lắng. Khi luật có hiệu lực, các cơ quan quản lý sẽ cùng phối hợp soạn thảo các thông tư hướng dẫn thi hành luật, đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, sinh viên”.

TS Mỵ Giang Sơn băn khoăn: “Thực tế hệ CĐ trong các trường ĐH đã được thẩm định mở ngành và đào tạo trước khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực. Tuy nhiên, luật này lại quy định cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, khi chuyển qua Bộ LĐTB-XH quản lý thực chất là “bình mới rượu cũ” nhưng lại yêu cầu các trường ĐH muốn đào tạo và cấp bằng CĐ phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Quy định này làm không khéo sẽ gây phiền hà cho các trường và thậm chí còn hành các trường”.

Trong khi đó, với cái nhìn thận trọng của một trường CĐ, TS Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, cho rằng: “Việc thống nhất lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp là một sự thay đổi có quy mô lớn mang tầm quốc gia. Do đó, điều đầu tiên mà các cấp quản lý cần tính tới là lộ trình thực hiện, các giải pháp phải có tính hệ thống và khoa học”.

Theo Sài gòn giải phóng, tin gốc: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/tuyensinhdhoccdang/2015/1/372520/