Khó nhất ngữ âm. Phần ngữ âm luôn được đánh giá khó nhất trong quá trình ôn tập và làm bài. Ngay từ đầu, các em chưa rèn cho mình thói quen đọc đúng trọng âm, nên khi vào làm bài tập phần ngữ âm hầu hết các em bỏ qua hoặc lựa chọn theo cảm tính. Dạng bài tập này không hề phức tạp, hoàn toàn có thể đạt điểm nếu trong giờ học trên lớp hay tự học ở nhà, các em tạo cho mình thói quen đánh dấu trọng âm những từ mình được học theo cách phát âm của thầy cô giáo, băng đĩa hoặc theo phiên âm trong từ điển.
Phần từ vựng và ngữ pháp, nên ôn theo hệ thống các thời của động từ, giới từ kèm theo, các dạng câu điều kiện... Ôn đến dạng nào làm bài tập áp dụng ngay đến đó, rồi luyện tập những dạng bài tổng hợp để có so sánh phân biệt giữa các loại thời, các loại câu. Nên xóa khoảng trống kiến thức bằng việc đặt câu hỏi những vấn đề chưa nắm rõ với giáo viên trên lớp hoặc những bạn học khá hơn.
Nên ôn từ vựng theo chủ đề, từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Ôn như thế sẽ giúp nhớ lâu, nhớ theo hệ thống, cũng như có ích rất lớn khi làm bài đọc hiểu. Chú ý, học từ vựng theo cấu trúc câu, đặt từ vào văn cảnh, chứ không nên học thuộc riêng rẽ từng từ, vừa nhanh quên vừa khó áp dụng vào bài.
Mỗi ngày một bài đọc hiểu nhỏ
Phần đọc hiểu, nên ôn tập theo chủ đề trong sách giáo khoa (như: môi trường, thể thao, phụ nữ, bạn bè, nghề nghiệp...). Các em chỉ có thể hoàn thành phần thi này tốt nếu làm nhiều bài tập đọc hiểu. Lúc đó vốn từ của các em sẽ tăng rõ rệt, kỹ năng làm bài, đoán định câu trả lời cũng sẽ được cải thiện.
1.Nên tập thói quen mỗi ngày đọc một bài nhỏ, từ dễ đến khó dần, có thể một mẩu báo, truyện tiếng Anh hay đơn giản là những vấn đề mình quan tâm. Dần dần khả năng đoán nghĩa từ của các em sẽ khá lên và chính xác hơn. Đoán nghĩa từ qua ngữ cảnh là vô cùng quan trọng. Nhanh chóng phụ thuộc vào từ điển, sẽ làm giảm khả năng suy đoán khi vào phòng thi. Chỉ nên tra từ điển khi không thể đoán được nghĩa hoặc muốn chắc chắn lại suy đoán của mình.
2.Phần sửa lỗi sai, hãy đọc thật kỹ, đọc đi đọc lại, sẽ nhận ra đáp án của bài. Điều quan trọng vẫn là nắm chắc kiến thức về ngữ pháp, từ vựng. Khi ôn tập, không nên chỉ lựa chọn đúng đáp án, mà nên tự sửa lại phương án sai sao cho đúng. Tốt nhất với dạng bài này, các em nên học ôn theo nhóm, sẽ dễ dàng hơn trong việc bổ sung kiến thức cho nhau.
3. Phần điền từ trong đoạn văn, được đánh giá là dạng bài dễ gây nhầm lẫn. Các em nên quan tâm đến dạng bài điền từ bằng cách đọc kỹ ngữ cảnh mà đề bài đưa ra. Việc cân nhắc từng lựa chọn sẽ gây mất thời gian hơn. Tốt nhất, nên điền đáp án lựa chọn của các em vào đoạn văn để có thể ăn khớp với cả đoạn và phát hiện ra những lựa chọn của mình đã thực sự đúng chưa. Nếu luyện tập chắc về từ vựng và ngữ pháp, dạng bài này không còn là thách thức.
Đăng ký nhận thêm thông tin tuyển sinh 2011 qua email tại ô bên dưới.