Bộ GD-ĐT cho biết, tùy vào diễn biến dịch Covid-19 mà các địa phương sẽ tự quyết định thời gian kết thúc năm học. Mỗi nơi có 1,5 - 2 tháng dự phòng cho năm học.
Bộ GD-ĐT ban hành hướng dẫn giảm tải chương trình để học sinh được học tập phù hợp trước ảnh hưởng của dịch bệnh
Các địa phương có từ 1,5 - 2 tháng dự phòng để kéo dài năm học
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây đã có báo cáo gửi Quốc hội về một số nội dung liên quan đến chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến việc giảm tải nội dung và kế hoạch thời gian năm học trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi chưa thể quay lại trường, phải học trực tuyến, học qua truyền hình, Bộ GD-ĐT cho biết đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học.
Nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo hướng giảm tải chương trình đảm bảo học sinh được học tập kiến thức cốt lõi phù hợp với quỹ thời gian học tập trực tiếp tại các địa bàn chịu tác động của dịch bệnh; hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch nhà trường linh hoạt, tạo sự chủ động, thuận lợi khi tổ chức học tập theo các hình thức dạy học phù hợp khác.
Bộ GD-ĐT khẳng định: "Đến nay, các cơ sở giáo dục đã triển khai 100% việc tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi (cả những cơ sở dạy trực tiếp hoặc trực tuyến)".
Ngoài ra, thời gian kết thúc năm học do các địa phương quyết định bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục. Thời lượng giảm tải và 2 tuần dự phòng đảm bảo cho các địa phương có được từ 1,5 tháng đến 2 tháng (tùy theo kế hoạch của nhà trường) dự phòng để tổ chức kế hoạch năm học.
Giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy
Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận khi đã bắt đầu vào năm học, Bộ mới ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, khiến các cơ sở giáo dục và giáo viên phải xây dựng lại kế hoạch dạy học và giáo án, gây ra những khó khăn nhất định trong thời gian đầu năm học.
Một số nội dung sẽ không được tổ chức dạy cho học sinh mà yêu cầu học sinh tự học, tự nghiên cứu; học sinh không được làm thí nghiệm, thực hành ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
"Còn một bộ phận giáo viên chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, còn ngại đổi mới, dạy theo nếp cũ (nhồi nhét kiến thức), chưa thực sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học để phù hợp, vừa sức với học sinh", báo cáo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu.
Giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra trong thời gian tới là sẽ tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cùng thống nhất và triển khai; tổ chức linh hoạt kế hoạch dạy học nhằm hoàn thành sớm năm học để có thời gian bổ sung, ôn tập cho học sinh.
Tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh vì sự tiến bộ của học sinh, chú trọng kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm các yêu cầu ghi nhớ máy móc, thuộc lòng các nội dung học tập nhằm phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh.
Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên; đổi mới công tác quản lý, tăng quyền tự chủ cho giáo viên trong việc sắp xếp lại nội dung, cấu trúc bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng vùng miền.
> Đà Nẵng chuẩn bị điều kiện tổ chức dạy học trực tiếp
> Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến ngành Giáo Dục
Theo Thanh Niên