Để biết bản thân phù hợp với ngành nào, thí sinh phải phân tích điểm mạnh của chính mình dựa trên điểm thi của từng phần trong bài thi đánh giá năng lực. Nếu điểm thi đánh giá năng lực ở phần 1 và phần 2 cao, thí sinh có thể tham khảo ngành kiến trúc, kỹ thuật, nông - lâm nghiệp...Nếu điểm thi phần 1 và phần 3 cao, thí sinh có thể tham khảo ngành sư phạm, tư vấn - hướng nghiệp, sức khỏe cộng đồng, cảnh sát, chuyên gia dinh dưỡng...
> Danh sách các trường Đại học, Cao đẳng công bố phương án tuyển sinh 2019
> Đăng ký nguyện vọng bằng kết quả thi năng lực, thí sinh cần lưu ý gì?
Ngày 10-4, ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2019. Ngoài các đơn vị thành viên và trực thuộc còn có nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.
Trải nghiệm, soi chiếu chính mình
Về nguyên tắc, thí sinh cần xác định việc học tiếp để làm gì? Rồi xác định nghề nghiệp muốn theo đuổi. Nghề nào cũng phải qua trường lớp nên bước tiếp theo là xác định học ngành gì, ở trường nào và điều kiện tuyển sinh ra sao? Cuối cùng là bản thân mình (sở thích, đam mê và năng lực) đáp ứng được điều kiện tuyển sinh nào nhất để chọn nơi học phù hợp.
Đó là các bước cơ bản nhất mà thí sinh không nên bỏ qua, bởi các bước này sẽ giúp thí sinh xác định được phạm vi các ngành học đáp ứng đủ điều kiện về việc làm và năng lực. Hãy dành thời gian để trải nghiệm, để lắng đọng. Thí sinh có thể làm trắc nghiệm tại địa chỉ sau: http://huongnghiep.uit.edu.vn.
Riêng về điểm chuẩn, do sử dụng phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực nên thí sinh phải so sánh với điểm chuẩn năm 2018 của cùng phương thức tuyển sinh này, và cũng lưu ý số lượng dự thi năm nay cao hơn nhiều nên khả năng điểm chuẩn có thể cao hơn mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này có tăng lên gần gấp đôi.
Điểm chuẩn năm 2018 theo phương thức này như sau (thấp nhất/cao nhất): Trường ĐH Bách khoa 700/852 điểm; Trường ĐH Công nghệ thông tin: 690/850; Trường ĐH Khoa học tự nhiên: 603/781; Trường ĐH Kinh tế - luật: 692/910; Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: 615/775; Trường ĐH Quốc tế: 600/751.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào tổng điểm đạt được để chọn ngành mà quên đi bản chất của kết quả thi đánh giá năng lực thì một lần nữa thí sinh bỏ qua tham chiếu năng lực thật sự của mình được thể hiện qua kỳ thi.
Điểm mạnh nào? Phù hợp với ngành nào?
Mục tiêu quan trọng nhất của phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực là tuyển chọn được những thí sinh có đủ năng lực và phù hợp với đặc thù của các chương trình đào tạo.
Chọn ngành nào phù hợp với bản thân là thắc mắc của nhiều thí sinh hiện nay
Trên cơ sở đó, bài thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh, gồm 3 phần: Phần 1 - Sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, 40 câu); Phần 2 - Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu (30 câu); Phần 3 - Giải quyết vấn đề thuộc 5 lĩnh vực hóa học, vật lý, sinh học, địa lý, lịch sử - chính trị - xã hội (50 câu). Tổng điểm là 1.200. Vậy chọn ngành như thế nào?
Với điểm số cao ở phần 1 và phần 2, thí sinh có khả năng về tính toán, kỹ thuật, công nghệ, hệ thống. Nếu thích làm việc với đồ vật, máy móc, động - thực vật, thích làm các công việc ngoài trời thì nhóm ngành nghề thí sinh có thể tham khảo là kiến trúc, an toàn lao động, nghề mộc, kỹ thuật, lái xe, huấn luyện viên, nông - lâm nghiệp (quản lý trang trại, nhân giống cá, lâm nghiệp...).
Với điểm số cao ở phần 2, phần 3, thí sinh có khả năng về quan sát, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề. Nếu thích nghiên cứu, đưa ra và tìm kiếm những ý tưởng mới trong cuộc sống thì các nhóm ngành nghề thí sinh có thể tham khảo là: khoa học tự nhiên, khoa học sự sống, khoa học xã hội (nhân học, tâm lý, địa lý...); y - dược (bác sĩ gây mê, hồi sức, phẫu thuật, nha sĩ...); công nghệ kỹ thuật (CNTT, môi trường, điện, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật hạt nhân, xây dựng...), nông - lâm (nông học, thú y...); kỹ thuật tài chính & quản trị rủi ro...
Nếu thích kinh doanh, giao tiếp, thương thuyết, thích làm việc nhóm thì các nhóm ngành nghề thí sinh nên tham khảo là: quản trị kinh doanh, thương mại, marketing, kế toán - tài chính, kỹ thuật tài chính & quản trị rủi ro, luật sư, dịch vụ khách hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, pha chế rượu, kỹ sư công nghiệp (ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp trưởng (nấu ăn), báo chí...
Với điểm số cao ở phần 1, phần 3, thí sinh có khả năng về ngôn ngữ, giảng giải, giải quyết vấn đề. Nếu thích làm những việc như giảng dạy, cung cấp thông tin, chăm sóc, giúp đỡ, hoặc huấn luyện cho những người khác thì nhóm ngành nghề thí sinh có thể tham khảo là: sư phạm, giảng viên, huấn luyện viên điền kinh, tư vấn - hướng nghiệp, công tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sĩ chuyên khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, bà đỡ, chuyên gia về X-quang, chuyên gia dinh dưỡng...
Thủ tục đăng ký xét tuyển từ kết quả thi năng lực
Năm 2019, thi đánh giá năng lực được tổ chức 2 đợt, đợt 1 đã thi xong, đợt 2 vào ngày 7-7. Việc xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực chỉ xét một đợt duy nhất sau khi thí sinh có điểm thi của cả 2 đợt thi. Thí sinh có thể tham dự cả 2 đợt thi và được sử dụng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển.
Từ ngày 15-4 đến 15-6, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở đăng ký xét tuyển vào các đơn vị thành viên, qua cổng thông tin: http://thinangluc.vnuhcm.edu.vn (thí sinh thực hiện theo hướng dẫn) hoặc các trường ngoài hệ thống (theo thông báo của các trường ngoài). Đối với ĐH Quốc gia TP.HCM, thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các đơn vị thành viên, khoa trực thuộc và có thể thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trước đó nhưng không được thêm bớt số nguyện vọng.
Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý: nếu trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh không phải là kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp bản chính phiếu báo kết quả thi THPT quốc gia (đối với thí sinh thi THPT quốc gia năm 2019) trước ngày 23-7-2019. Vì vậy, nếu tham dự thi đánh giá năng lực ở đợt 2, thí sinh phải chuẩn bị kỹ ngành dự định đăng ký là gì.
Theo Tuổi trẻ