Rối ren trong tuyển sinh vì điều luật cũ vừa được áp dụng
Ngay sau khi quyết định trên của Bộ GD-ĐT được ban hành, trong ngày hôm qua 23-10, thí sinh thuộc 3 khu vực trên đã trúng tuyển vào nhiều trường ĐH tại TPHCM đã liên hệ với các trường xin rút giấy chứng nhận kết quả điểm thi để về những trường thuộc khu vực trên...
Bất cập từ ban đầu
Trong lúc các trường đang xét tuyển nguyện vọng bổ sung, Bộ GD-ĐT ra quyết định khôi phục lại điểm b Điều 33 Quy chế tuyển sinh mà trước đó đã được hủy bỏ, đồng thời cho phép xét tuyển dưới điểm sàn vào các trường ĐH-CĐ đóng trên địa bàn thuộc 3 khu vực Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam bộ.
Quyết định này đã làm cho tình hình tuyển sinh thêm rối ren và thậm chí thiếu sự công bằng đối với thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012.
Có thể nói, mùa tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 Bộ GD-ĐT có nhiều điều chỉnh hướng đến tăng nhiều quyền lợi hơn cho thí sinh như khôi phục lại việc tuyển thẳng đối với thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, bổ sung thêm khối thi A1, bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng, kéo dài thời hạn xét tuyển đến 30-11, thí sinh có thể dùng phiếu điểm photocopy, tuyển thẳng học sinh thuộc 62 huyện nghèo...
Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi vì một số thay đổi trong Quy chế tuyển sinh dường như chưa được khảo sát, nghiên cứu kỹ trước khi ban hành.
Trong những điểm mới trên, việc Bộ GD-ĐT hủy bỏ điểm b Điều 33 thay bằng việc tuyển thẳng thí sinh thuộc 62 huyện nghèo có nhiều điểm chưa hợp lý.
Từ điểm thi đại học đến thực tế tuyển sinh
Thực tế cho thấy, việc hủy bỏ áp dụng điểm b Điều 33 là do nhiều năm liền rất nhiều trường, ngay cả trường mang tên quốc tế, các trường thuộc khu vực Đông Nam bộ cũng thi nhau xin vận dụng điểm này và tất thảy đều được duyệt. Tuy nhiên, khi thay thế bằng tuyển thẳng học sinh thuộc 62 huyện nghèo, dường như bộ chưa có số liệu thống kê chính xác về số lượng thí sinh trúng tuyển qua các năm, số lượng học sinh lớp 12… nên dẫn đến các trường ở khu vực khó khăn mất hẳn nguồn tuyển.
Hệ quả này đã dẫn đến hàng loạt trường thuộc những khu vực khó khăn chỉ tuyển được tối đa 50% chỉ tiêu đặt ra, thậm chí có trường chỉ tuyển được 24% chỉ tiêu.
Trước thực tế này, ngày 22-10, Bộ GD-ĐT đã công bố quyết định thực hiện một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học cao đẳng hệ chính quy từ năm 2012 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Theo đó, các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong 3 khu vực trên được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH (hoặc CĐ) hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm. Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ.
Cùng với quyết định này, Bộ GD-ĐT cho phép áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ trong khu vực.
Ngay sau khi quyết định trên của Bộ GD-ĐT được ban hành, trong ngày hôm qua 23-10, thí sinh thuộc 3 khu vực trên đã trúng tuyển vào nhiều trường ĐH tại TPHCM đã liên hệ với các trường xin rút giấy chứng nhận kết quả điểm thi để về những trường thuộc khu vực trên để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Có trường, trong ngày hôm qua đã có gần 200 thí sinh trúng tuyển xin rút hồ sơ.
Việc thực hiện các chính sách ưu tiên đối với thí sinh ở các vùng khó khăn là điều được dư luận và xã hội đồng tình. Song cách làm “tiền hậu bất nhất” như hiện nay không chỉ thiếu công bằng với các thí sinh ở những khu vực khó khăn khác trên cả nước mà còn làm cho tình hình tuyển sinh ở các trường bỗng dưng xào xáo vì thì sinh ồ ạt rút hồ sơ dù đã trúng tuyển, nhập học. ( Xem điểm thi đại học 2013 tại đây )