Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyển sinh 2014

Chỉ rõ hạn chế của phương pháp thi “3 chung” trong khi nhu cầu đào tạo các trường khác nhau, PGS  Văn Như Cương khẳng định thi “3 chung” nên bỏ từ lâu. Tuy nhiên, điều mà các nhà tuyển sinh cũng như Bộ GD-ĐT lo ngại là khi các trường tự chủ tuyển sinh, sẽ tái hiện cảnh “lò luyện” như trước khi áp dụng “3 chung”.

Vẫn thi  “3 chung”

Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 đang được các trường lên phương án. Trên nguyên tắc thì các trường đều muốn được tự chủ tuyển sinh để chọn đầu vào theo kiểu “cắt may” cho phù hợp nhu cầu đào tạo của trường mình. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trường vẫn lo ngại thí sinh sẽ không tham gia tuyển sinh vào trường nếu không hòa nhập vào kỳ thi “3 chung” của Bộ GD-ĐT tổ chức.

Điều này thể hiện rõ khi đến thời điểm này mới chỉ có ĐHQG Hà Nội đưa ra thí điểm cách tuyển sinh riêng nhưng cũng ở quy mô rất nhỏ. Mùa tuyển sinh 2014, trường này vẫn thực hiện theo phương thức thi “3 chung” nhưng sẽ thí điểm tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực ở chương trình tài năng và chương trình tiên tiến. Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Khi đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi đại học sẽ được tham gia bài thi đánh giá năng lực thường xuyên tại trường. Mỗi năm trường tổ chức 2 lần nhập học. Còn năm 2014 này, để thí sinh yên tâm với hình thức thi mới này, các thí sinh thi thí điểm vẫn có thể tham gia thi “3 chung”.

Những lo ngại tuyển sinh riêng đại học 2014

Tuyển sinh 2014: Lo ngại tiêu cực trường đại học tuyển sinh riêng

Còn PGS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho biết: Qua thực tiễn tuyển sinh của trường, chúng tôi thấy rằng kỳ thi ĐH “3 chung” rất hiệu quả khi đảm bảo an toàn trong khâu ra đề, đảm bảo tính ổn định của cả hệ thống, được xã hội đồng tình. Với những ưu điểm này của kỳ thi “3 chung”, chúng tôi không có nhu cầu thay đổi...”. Tuy nhiên, theo ông Đinh Xuân Khoa, ngay sau khi Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT được ban hành, trường đã thành lập Ban đổi mới căn bản và toàn diện trường ĐH Vinh để nghiên cứu, từ đó sẽ có những đổi mới kỳ thi tuyển sinh của nhà trường.

Băn khoăn tái diễn luyện thi

Theo Bộ GD-ĐT, hiện đã có gần 20 trường báo cáo về phương án thi riêng như các trường ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Phan Châu Trinh, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH CNTT Gia Định, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM… Trước nhu cầu thực tế về tự chủ tuyển sinh, PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đánh giá, thi “3 chung” đáng lý phải bỏ từ lâu bởi “đầu vào” chung đề nhưng “đầu ra” của mỗi trường có những yêu cầu khác nhau. “Giải thích về mặt khoa học, hàng năm có rất nhiều thí sinh thi khối A. Nếu thi vào trường sư phạm thì ra làm thầy dạy toán, lý, hoá, thi vào Bách khoa thì ra làm kỹ sư, thi vào luật cũng khối A lại ra  làm thẩm phán, luật sư… tính chất đào tạo và yêu cầu công việc là hoàn toàn khác nhau, vậy tại sao lại phải cùng làm chung 1 đề thi. Điều đó rất bất hợp lý”. Tuy nhiên, điều mà PGS Văn Như Cương băn khoăn khi bỏ thi đại học “3 chung” là việc cần phải có một bộ “lọc” chuẩn để tuyển sinh riêng không tái diễn những tiêu cực trong thi cử đã có từ nhiều năm trước như: chạy điểm, các lò luyện thi cạnh trường mọc lên vô tội vạ hay việc mỗi thí sinh có thể thi nhiều trường gây tốn kém…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ đã chủ trương cho các trường tự chủ nếu các trường có yêu cầu. Những trường có đủ điều kiện chủ động đề xuất phương án tuyển sinh theo cách thức phù hợp với mục tiêu, đặc thù của mỗi trường. Trả lời câu hỏi về việc liệu có xảy ra tiêu cực không khi giao kỳ thi tuyển sinh cho các trường, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Việc này không làm giảm mà tăng trách nhiệm của các trường về chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, các trường vẫn phải chịu sự giám sát của nhiều kênh, trong đó có giám sát của xã hội, của người học”. Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ điều chỉnh quy chế, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ theo hướng đưa ra quy định cụ thể về các tiêu chí, điều kiện nhất định trong tuyển sinh và những điều cấm thực hiện để áp dụng cho tất cả các trường nhằm bảo đảm sự công bằng, đồng thời tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt, không bảo đảm chất lượng, mang tính thương mại.

Theo Duy Anh, ANTĐ