Theo lãnh đạo nhiều trường, tự chủ đại học phải đi liền với trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng quá trình đào tạo và đầu ra cho sinh viên.
> Đề xuất đào tạo sinh viên Sư phạm thực hành như trường Y
> Gần 50% SV làm việc trái ngành đào tạo, nguyên nhân do đâu?
Ngày 12/11, tại hội thảo bàn về tự chủ đại học ở TPHCM, TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT) cho rằng khái niệm "tự chủ đại học" rộng, có nhiều cách hiểu khác nhau theo góc nhìn xã hội, chính trị, pháp luật. Khi bàn vấn đề này phải quan tâm tới lợi ích từ ba nhóm: người học, trường đại học và cơ quan quản lý. Trong đó, lợi ích của người học cần phải được làm rõ bởi thời gian qua, vấn đề này ít được nhắc đến.
"Khi thực hiện tự chủ đại học, người học sẽ được gì, kể cả khi người ta phải đóng thêm tiền học. Nếu không làm rõ, về phía các trường, tự chủ nghĩa là tăng học phí còn ở phía người học, họ buộc lựa chọn học hoặc tìm trường khác có phí thấp hơn. Điều này là không ổn", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, tự chủ đại học không có nghĩa là tự túc, không dựa vào ngân sách nhà nước. Bởi bản chất giáo dục đại học là một lĩnh vực vừa mang tính dịch vụ, vừa mang tính công ích nên nguồn thu đều đến từ cả công và tư.
Ở Việt Nam, nguồn lực công cho giáo dục đại học ở các trường công là đầu tư xây dựng cơ bản, chi ngân sách hằng năm. Ở khối trường tư, nguồn lực công là chính sách thuế, ưu đãi thuê đất. Việc chi từ ngân sách cho giáo dục đại học không chỉ là thực hiện chính sách phúc lợi cho người học mà thực tế là nghĩa vụ của Nhà nước chi cho những gì quốc gia được thụ hưởng trong tương lai.
Ông Tùng cho rằng, tự chủ đại học không có nghĩa là tự túc, không dựa vào ngân sách nhà nước
Thạc sĩ Đoàn Xuân Quang (Phó phòng Hành chính – Tổng hợp, Đại học Luật TPHCM) đánh giá, Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 và các quy định liên quan đã tạo hành lang pháp lý cụ thể cho các trường thực hiện quyền tự chủ đại học.
Tự chủ đại học phải đảm bảo cơ chế để người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Cũng nói về lợi ích cho người học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, tự chủ đại học phải gắn liền với trách nhiệm của trường với sinh viên và xã hội.
Khác với các loại hình dịch vụ khác, giáo dục đại học là quá trình dài nhiều năm. Do đó, trách nhiệm của trường đại học với sinh viên không chỉ là đầu ra mà phải đảm bảo cả chất lượng trong quá trình đào tạo. "Chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng phục vụ, trách nhiệm giải trình và tăng khả năng tìm kiếm việc làm với người học", ông Sơn nói.
Thứ trưởng Sơn cho biết, sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư để hướng dẫn các trường thực hiện tự chủ đại học, giúp các trường hoàn thiện hội đồng trường và ban giám hiệu. Trong đó sẽ quy định rõ quyền hạn của các trường và các cơ quan chủ quản (bộ, ngành, UBND cấp tỉnh).
Tại toạ đàm, nhiều lãnh đạo các đại học chỉ ra nhiều vướng mắc thực hiện quyền tự chủ đại học, dù Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đã có hiệu lực.
PGS Nguyễn Đức Trung (Phó hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, hiện các trường được tự chủ mở ngành nhưng phải có một Phó giáo sư hoặc Tiến sĩ đúng chuyên ngành. Nhưng việc xác định "đúng chuyên ngành" đang lạc hậu, bởi xu thế đào tạo hiện là liên ngành.
Theo ông Trung, việc xác định "đúng chuyên ngành" hiện nay đang lạc hậu
Ông Trung lấy ví dụ, trường muốn mở một ngành mang tên Kinh tế - Tài chính quốc tế nhưng không có tiến sĩ chuyên ngành này, bởi thực tế chỉ có tiến sĩ Kinh tế học hoặc tiến sĩ Tài chính - Ngân hàng. "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn chi tiết hơn nữa về việc mở ngành, làm rõ khái niệm liên ngành, những ngành mới không có trong danh sách của bộ", ông Trung nói.
Về tài chính, ông Trung đề xuất việc xếp hạng các trường đại học tương tự như xếp hạng thương mại. Trường nào có thứ hạng tốt, đào tạo tốt thì có thể thu học phí cao. Điều này sẽ tăng tính cạnh tranh, bình đẳng trong học thuật và xoá khoảng cách giữa trường công và tư.
TS Đàm Quang Minh (Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Phú Xuân) đặt vấn đề thay "chiếc áo" quá chật cho tự chủ đại học từ phía cơ quan chủ quản. Luật giáo dục đại học 2012 đã nêu rõ mục tiêu của các cơ sở giáo dục đại học là đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, tức đào tạo nguồn nhân lực phải đưa lên hàng đầu.
Hiện, lực lượng lao động đã hình thành thị trường cạnh tranh nên tư duy quản lý theo mệnh lệnh hành chính, theo quy hoạch không còn phù hợp. Hiện nhiều bộ, ngành là đơn vị chủ quản của nhiều trường, như Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế.
Bên cạnh việc đào tạo các ngành thế mạnh theo quản lý của cơ quan chủ quản, các trường thuộc các bộ này cũng đào tạo nhiều chuyên ngành khác theo thị trường lao động. Việc phân bổ ngân sách cho các bộ rồi phân tiếp cho các trường trực thuộc là việc làm không phù hợp.
"Những trường đại học đào tạo các ngành mà các trường khác không thể đào tạo được thì mới quản lý ở cấp chuyên ngành. Nếu các trường đó đào tạo như bao trường khác, theo nhu cầu xã hội thì nên chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc một đơn vị thuộc bộ này", ông Minh đề xuất.
Hệ thống giáo dục đại học cả nước hiện có 240 trường đại học, học viện. Từ năm 2014, 23 cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tiến hành thí điểm thực hiện tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ.
Theo VnExpress