TS Đàm Quang Minh cho biết việc căn cứ vào điểm số của kỳ thi tuyển sinh tạo ra nhiều vấn đề bất cập mỗi năm. Dù chỉ là một đầu số nhưng lại quyết định phân công công việc trong xã hội.
TS Đàm Quang Minh cho rằng tuyển sinh chỉ dựa vào điểm số sẽ phiến diện
Vào đại học dù đã dễ dàng hơn nhưng vẫn là mối quan tâm lớn của xã hội. Mỗi năm đến kỳ nhập học, nhiều chuyện vui buồn xung quanh điểm thi và con đường chông gai bước vào giảng đường của bao nhiêu sĩ tử. Vì đâu nên nỗi và liệu có cách nào phá vỡ vòng luẩn quẩn điểm cao - điểm thấp của các kỳ thi gần đây?
Bắt nguồn từ cuộc đua điểm số
Tôi trao đổi với giảng viên tại một số đại học y dược, thấy tỷ lệ sinh viên gặp vấn đề tâm lý của các trường này khá lớn. Nhiều em đăng ký học ngành trên với lý do khá đơn giản, đây là trường uy tín, toàn học sinh giỏi, điểm cao mới vào được, nếu mình thi điểm cao thì không nên chọn ngành điểm chuẩn thấp. Tâm lý điểm cao là tốt đã khiến nhiều em không chọn theo đam mê hay năng lực của mình.
Nhưng thực tế sau 5-6 năm học tập, bạn bè bắt đầu ra trường và có việc làm. Trong khi đó, con đường của một số sinh viên y dược phía trước vẫn rất mông lung. Nhiều bạn không chịu được áp lực của việc thực tập tại bệnh viện. Trong khi gia đình khó khăn, các bạn có cảm giác tội lỗi và vô dụng vì thời gian học tập quá dài, từ đó dẫn tới các vấn đề về tâm lý.
Mức độ ảnh hưởng tâm lý nặng nhẹ khác nhau nhưng là khá phổ biến. Bởi vì các em nhận ra việc chọn trường dựa theo danh tiếng, điểm đầu vào cao không phải lúc nào cũng phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi lựa chọn đã là quá muộn và việc trả giá cho thay đổi nghề nghiệp lúc đó là quá lớn.
Trong diễn đàn về nguồn nhân lực, lãnh đạo một tỉnh lớn đã lên tiếng về thực trạng này. Vị chủ tịch ước một phần các em học sinh giỏi đang đăng ký y dược hãy đăng ký những ngành quan trọng khác mà xã hội đang rất thiếu nguồn nhân lực như Công nghệ, Logistic… Khi đó, sự phát triển nhân lực và kinh tế của địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung sẽ tốt hơn rất nhiều.
Việc một bác sĩ có điểm thi 28 mà không đam mê với ngành thì còn thua bác sĩ đạt 26 điểm. Vì thực chất điểm thi đầu vào dù sao cũng chỉ là một chỉ số phiến diện mà lại quyết định việc phân công công việc xã hội quá lớn. Trong khi đó, nhiều ngành khoa học, công nghệ lại thiếu vắng những sinh viên giỏi.
Tuyển sinh theo sự phù hợp
Công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT đã được đề cập từ lâu nhưng thực tế triển khai còn rất hạn chế. Học sinh trước khi bước vào cổng trường đại học thường có khá ít thông tin về môi trường học tập hay thực tế nghề nghiệp sau này.
Công tác hướng nghiệp ở phổ thông chưa cung cấp được đầy đủ bức tranh đại học và nghề nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, hệ thống thống kê xã hội học về nghề nghiệp, mức lương trung bình của Việt Nam chưa phát triển. Do đó, lựa chọn của các thí sinh và phụ huynh mang cảm tính là chủ yếu.
Các trường đại học mặc dù đã được quyền chủ động trong tuyển sinh, nhiều nơi vẫn có tư duy dựa vào điểm tốt nghiệp THPT. Điểm sáng là không phải trường nào cũng có tư duy này. Điển hình như ĐH Bách Khoa Hà Nội từ lâu đã đa dạng hóa việc tuyển sinh của mình. Từ đó, trường là lựa chọn của nhiều thí sinh giỏi và có định hướng rõ ràng.
Mặc dù có những ngành rất hot, số lượng tuyển sinh và điểm đầu vào vẫn cho thấy sự chọn lọc. Để giúp cho thí sinh chủ động việc đăng ký nhập học, ĐH Bách Khoa Hà Nội đã triển khai tuyển sinh khá sớm giúp thí sinh chủ động hơn. 50% số chỉ tiêu đã được cấp cho những sinh viên thuộc diện tài năng hoặc qua kỳ thi năng lực riêng của trường.
Với những trường có lựa chọn cao như an ninh, quân đội, y tế rõ ràng là bên cạnh việc xét tuyển bằng điểm, cần có chính sách tuyển sinh phù hợp để tuyển được những sinh viên có tố chất phù hợp trong phát triển tương lai, chứ không phải cuộc chạy đua điểm số. Với số lượng tuyển không nhiều, trường hoàn toàn có thể sơ tuyển rồi tổ chức phỏng vấn để đánh giá mức độ phù hợp với ngành nghề của thí sinh.
Một trường quân sự danh tiếng trên thế giới là Học viện Quân sự West Point (Mỹ), nơi nổi tiếng tuyển chọn khắt khe và cạnh tranh cao. Cách tuyển chọn của trường này đưa ra những yêu cầu rất cao về cả ba mảng học thuật, sức khỏe và năng lực lãnh đạo.
Để vào được West Point, thí sinh cần có được sự ghi nhận và giới thiệu của đại diện bang trong Quốc hội Mỹ viết thư giới thiệu. Hay về thể lực, ứng viên phải thể hiện sức khỏe qua các chỉ số về điền kinh, kéo xà, chống đẩy… Nam giới không kéo xà đủ 12 cái, chống đẩy 62 cái, nữ giới không kéo xà 2 cái và chống đẩy 41 cái, thì không đủ sức khỏe để trúng tuyển. Từ đó, họ tuyển chọn được những ứng viên vừa mạnh, vừa giỏi phù hợp.
Thay vì chỉ sơ tuyển cân nặng, chiều cao hay tật khúc xạ, các trường quân sự, công an hoàn toàn có thể có những bài thi thể lực khắt khe hơn để đảm bảo sức khỏe vượt trội cho ứng viên.
Với những trường cạnh tranh cao thì nên đưa những tiêu chí phù hợp hơn với ngành để lựa chọn ứng viên chứ không chỉ dựa trên điểm số như trường hợp điểm chuẩn 30,5 như vừa qua.
Tương tự, những ngành nghề như y dược cũng đòi hỏi thể lực, sự tập trung cao, do đó các thí sinh cuối cùng nên trải qua một bài phỏng vấn sâu về tâm lý và thử nghiệm bệnh viện. Thực tế là nhiều sinh viên đã bỏ học hoặc bị stress rất nặng sau khi chuyển sang giai đoạn thực tập bệnh viện.
Cách lấy điểm chuẩn hiện nay thuần túy qua điểm số đã khiến nhiều tài năng tương lai có đam mê mà không thể tiếp cận được với ngành nghề mình yêu thích.
Đáp án cho vấn đề tuyển sinh lâu dài
Không thể phủ nhận việc bỏ bớt các kỳ thi áp lực đã bớt chi phí xã hội và không còn cảnh căng thẳng trong thi cử.
Để giải quyết một số vấn đề trong tuyển sinh năm nay, các trường nên chủ động thay đổi phương án tuyển sinh của mình. Bên cạnh đó, để đảm bảo công bằng cho thí sinh và loại bỏ hiện tượng điểm chuẩn trên 30, chính sách cộng điểm theo vùng miền cần được thay thế bằng những chính sách phù hợp hơn.
Nhà nước hoàn toàn có thể yêu cầu các trường nhận một số lượng chỉ tiêu đặt hàng nhất định dành cho học sinh thuộc đối tượng ưu tiên để đảm bảo công bằng xã hội và phát triển bền vững.
Ví dụ, các trường an ninh phải tuyển ít nhất 20% thí sinh thuộc khu vực khó khăn. Ngoài số 20% đó, các thí sinh cạnh tranh công bằng với nhau. Như vậy, thí sinh khu vực khó khăn vẫn có cơ hội bình đẳng hơn nhưng không có hiện tượng điểm chuẩn ảo như thời gian vừa qua.
Về lâu dài, việc tốt nghiệp THPT cần được tiếp tục theo lộ trình cải cách toàn diện hệ thống giáo dục theo hướng cấp THPT học theo tín chỉ, phân luồng, có nhiều đợt tốt nghiệp và do các sở giáo dục chủ trì.
Các trường đại học cần nghiêm túc hơn với việc tuyển sinh, tránh dư luận xấu cho ngành giáo dục và thiếu thiện cảm với chính các trường. Việc có vài nghìn học sinh đạt điểm trên 27, chiếm tầm 0,2% số thí sinh dự thi, là con số không nhiều và xã hội nên quen với điều này.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội nên có những dự án về định hướng nghề nghiệp một cách hiệu quả và hữu ích, công khai minh bạch thông tin giúp phụ huynh và thí sinh quyết định lựa chọn tương lai một cách chuẩn xác. Từ đó, việc thi cử mới không còn là nỗi lo lắng của thí sinh và toàn xã hội nữa.
> TS Phạm Hiệp cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT hai trong một không còn phù hợp
> TS Lê Viết Khuyến nhận xét về những thay đổi trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Theo Zingnews