Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / trường quốc tế / tiểu học quốc tế
Trước ngưỡng cửa khi con vào “đại học chữ to” nhiều ông bố, bà mẹ không ngần ngại chọn cho con mình một trường tiểu học quốc tế.
Học phí cao, vẫn chấp nhận
Đứa con lớn của chị Hằng (Chính Kinh, Hà Nội) học trường tiểu học gần nhà, nhưng đến đứa con thứ 2 chuẩn bị vào lớp 1, chị nhất quyết phải cho con học ở một trường dân lập quốc tế. Nhiều người băn khoăn tại sao chị không chọn phương án cho hai đứa học cùng trường để đưa đón cho tiện, dù sao cũng có nhiều thuận lợi hơn, nhưng chị kiên quyết: “cứ nhìn đứa lớn nhà mình thì biết. Không phải mình đã ưng ý hoàn toàn với mọi thứ ở trường quốc tế. Nhưng mình đã quá hãi hùng với lịch học dày đặc của đứa con lớn. Học ngày học đêm nhưng cháu vẫn không nhanh nhẹn, hoạt bát và tự chủ bằng mấy đứa em hàng xóm được học ở trường quốc tế.”
Đó là lí do khiến chị quyết định lựa chọn một trường tiểu học quốc tế cho cậu con trai thứ 2, dù biết mức học phí ở đó có thể cao gấp nhiều lần các trường công lập. Cùng chung tâm lý với chị Hằng, nhiều phụ huynh đều cho rằng: học trường quốc tế tuy “đắt nhưng... xắt ra miếng”.
Học phí ở các trường quốc tế thường cao hơn nhiều các trường công lập
Không quá lo lắng như các phụ huynh khác khi cho con bước vào lớp 1, chị Mai (Ba Đình, Hà Nội) chẳng mất thời gian phân vân giữa việc chọn trường đúng tuyến, hay trái tuyến cho con. Anh chị quyết định chọn trường tiểu học quốc tế ngay từ khi bé Mốc mới được 3 tuổi.
“Tôi có tham gia các chương trình “chào lớp 1” của một số trường tiểu học quốc tế và nhận thấy những trường này có nhiều ưu điểm như rèn luyện cho con sự tự tin, bạo dạn, vốn tiếng Anh tốt, chương trình học phù hợp, khiến bé không bị quá tải. Tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết định dù mất bao nhiêu tiền cũng cố gắng cho con học tại các trường dân lập quốc tế. Bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn con trở thành 1 người tự tin, có chính kiến, biết và dám nói lên suy nghĩ của chính mình.”
Dù chưa vào năm học mới, nhưng anh chị cũng liệt kê ra một danh sách các trường tiểu học dân lập quốc tế, và lựa chọn trường có phương pháp học cũng như điều kiện tốt nhất cho con.
Chia sẻ với các bà mẹ khác về việc có nên cho con học trường quốc tế hay không, chị Hoàng Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Hai bé nhà tôi đều học trong trường quốc tế, trước khi cho con vào đó học, tôi rất kỳ vọng ở một số điểm sau: con sẽ độc lập, tự tin trong giao tiếp, dám nói lên chính kiến của mình, biết lắng nghe, chia sẻ, không o bế, lo lót cho cô giáo, không học quá nhiều mà vẫn tiếp thu đầy đủ kiến thức. Và sau hơn 4 năm các cháu học tại trường, gia đình tôi đang rất hài lòng vì các con dần đạt được những yêu cầu trên”.
Vợ chồng anh Nguyên (Minh Khai, Hà Nội) làm kinh doanh nên cũng có “của ăn của để”. Bởi vậy, ngay từ khi bé Thanh 3 tuổi, anh chị đã xác định cho con học trường quốc tế. Với anh chị, học phí vài trăm USD/tháng không đáng là bao. “Cái quan trọng là chúng tôi muốn con mình được chăm sóc tốt. Ở trường công lập, mỗi lớp 40-50 em, làm sao giáo viên quan tâm hết. Nhưng ở trường quốc tế thì khác, mỗi lớp chỉ có 10-15 học sinh kèm thêm một bảo mẫu nên con cái chúng tôi được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Áp lực học hành cũng không nặng nề như ở trường công lập, tuy nhiên, không biết trường quốc tế nào thật sự tốt, hay chỉ mang cái mác quốc tế thôi, vì có nhiều bạn bè tôi cho con học trường quốc tế nhưng họ than nên chọn trường cẩn thận vì có nhiều trường quốc tế chất lượng không xứng đáng với học phí”, anh Nguyên tâm sự.
Với cái tên “trường quốc tế”, không ít bậc phụ huynh còn băn khoăn trước yếu tố “quốc tế” của các trường và chương trình giảng dạy tại nhà trường. Có người lo lắng liệu các trường quốc tế có thực sự “xịn” như những gì họ giới thiệu hay không?
Cha mẹ “hụt hơi” lo học phí
Mong muốn con học trong môi trường tốt là suy nghĩ của nhiều người, tuy nhiên, tiền học phí cho trẻ học trường quốc tế không phải là chuyện nhỏ.
Có mặt tại một trường dân lập quốc tế tại Tây Hồ, chị Hoàng Anh (Tây Hồ, Hà Nội) băn khoăn: “Tôi đã đi xem cơ sở vật chất của trường, thấy cũng ổn, nhưng ngặt nỗi tiền học phí và tiền xe đưa đón khá cao. Mỗi tháng 7 triệu, tính ra bằng tiền lương một tháng của tôi. Nên dù rất muốn con học trường quốc tế tôi cũng phải cân nhắc lại. Không hiếm trường hợp bố mẹ cho con học trường quốc tế được một thời gian, sau đó lại phải xin chuyển trường vì không thể kham nổi khoản đầu tư học hành khổng lồ cho con học hết chương trình. Xác định nếu cho con học ở đây thì phải có vài tỷ đồng gửi sẵn.”
Trường tiểu học quốc tế: Đắt sắt ra miếng?
Cùng chung nỗi lo này, nhiều phụ huynh tính toán: Số tiền học phí tại các trường quốc tế gấp 10 lần mức mà họ phải chi cho đứa con đầu đang theo học tại một trường công gần nhà. Nếu cho con theo học đến lớp 12 thì số tiền này không hề nhỏ.
Cơ sở vật chất tại các trường quốc tế tương đối tốt, lại ít học sinh
Nỗi lo học phí trường quốc tế cũng đang là chủ đề được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn hiện nay. Ngoài ra, các phụ huynh có con đang theo học ở đây còn tỏ ra không mấy hài lòng về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, vệ sinh thực phẩm..., khác với những tiêu chuẩn nhà trường đã thông báo hồi đầu.
“Thật tình mình bối rối trong chuyện cho con học trường nào. Muốn cho học trường quốc tế nhưng học phí cao, sợ những năm lớn hơn, mình lo không nổi thì tội con. Có suất học trường công ở quận thì không muốn học. Ôi trời! Con còn nhỏ thì lo nó uống sữa, ăn ngủ đỡ khổ hơn lo chuyện học hành,” một phụ huynh than thở trên diễn đàn.
Chính vì thế, các phụ huynh phải xác định kỹ trước khi quyết định cho con học tại một trường tiểu học quốc tế. Không chỉ riêng vấn đề tiền bạc, bởi nếu chuyển các bé sang học môi trường học cũ, các bé học tại trường quốc tế sẽ khó kham nổi chương trình học tại đây, bé sẽ có cảm giác mất căn bản và rất chật vật để đuổi kịp bạn bè.
Nỗi lo con trở thành “người Tây”
Con gái của chị Hạnh (Linh Đàm, Hà Nội) từ nhỏ đã học tại trường mầm non quốc tế, từ lớp mẫu giáo bé đã được tiếp xúc với chương trình học tiếng Anh nên khi nhập học lớp 1, ngoại ngữ của bé khá tốt. Học tiểu học, bé cũng tiếp xúc với nhiều giáo viên và bạn học nước ngoài, chủ yếu sử dụng tiếng Anh, về nhà vợ chồng chị cũng khuyến khích con rèn luyện thêm ngôn ngữ này. Kết quả là, hiện tại, việc đọc và viết đúng tiếng Việt đối với bé còn khó hơn cả tiếng Anh.
>> Trường tiểu học & trung học quốc tế BVIS
>> Trường tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội
Chị Hạnh lo lắng: “Đáng lẽ tôi phải cho cháu học song song cả tiếng Việt và tiếng Anh thì chắc không đến nỗi nào. Bây giờ, gia đình phải cho cháu học tăng cường tiếng Việt để không bị mất gốc.”
Tương tự là trường hợp của gia đình anh Hưng (Long Biên, Hà Nội). Vì muốn con được tiếp xúc phương pháp học năng động, thoải mái của nước ngoài, cũng như tiếp cận văn hóa các nước, anh cho con gái học trường quốc tế từ lớp 1. Ban đầu, anh thấy tự hào vì con có suy nghĩ độc lập, sống tự giác và dạn dĩ trong cuộc sống. Tuy nhiên, càng lớn cô bé càng có biểu hiện “quá sòng phẳng” trong quan hệ bạn bè, họ hàng, thậm chí không nghe lời cha mẹ và thường xuyên tranh luận để bảo vệ ý muốn của mình.
Mong muốn con được học trong môi trường tốt, nhiều ông bố, bà mẹ không ngại
Đổ tiền tỷ cho con học trường quốc tế
“Đặc biệt, có những lúc cháu có lối sống... khá hiện đại hơn các bạn cùng trang lứa, học ở các trường khác. Cách suy nghĩ cũng già hơn, thậm chí có lần về quê, cháu nói chuyện bằng tiếng Việt, mà cách diễn đạt của cháu chẳng ai hiểu. Cuối cùng vợ chồng tôi đành phải giải thích cho mọi người. Trong nhiều câu nói, cháu không biết diễn đạt bằng từ gì của tiếng Việt thì đều chêm một vài từ tiếng Anh khiến ai cũng khó chịu. Bởi vậy, môn tập làm văn của con tôi rất… tệ.”
Rõ ràng, đến lúc các bậc phụ huynh nhận ra sự “lai hóa” của con thì đứa trẻ đã “mất” khá nhiều. Khi chuyển sang trường công lập, những học sinh “toàn cầu” không biết phải chuẩn bị bài cho ngày học mới như thế nào, chữ viết xấu, làm văn không hay và tiếng Anh cũng chẳng có gì đặc sắc. Chỉ vì sính ngoại, nhiều phụ huynh đã vô tình làm hại con mình. Chính vì thế, khi quyết định lựa chọn một trường quốc tế cho con, cha mẹ nên tìm hiểu những trường có chất lượng tốt, thật sự chứ không phải những ngôi trường tư thục chỉ gắn thêm hai chữ “quốc tế”.
Theo Afamily