Vấn đề được đông đảo thí  sinh quan tâm là làm sao chọn được một ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và khả năng tìm kiếm việc làm trong tương lai.

* Chọn nghề: theo sở thích hay khả năng?

Theo TS. Phạm Tấn Hạ, Phó phòng đào tạo Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh), để xác định được ngành nghề phù hợp, mỗi học sinh phải biết năng lực của bản thân. "Chọn nghề theo sở thích sẽ rất dễ thành công. Tuy nhiên, sở thích là một việc, còn năng lực lại là vấn đề khác. Có rất nhiều con đường để đi đến con đường mà mình yêu thích, không nhất thiết phải là đường thẳng mà có thể là đường vòng. Điều các em cần chú ý là chọn ngành nào cho phù hợp để phát huy hết nhiệt huyết, năng lực của mình" - TS. Tấn Hạ chia sẻ.

Trước kỳ thi tuyển sinh năm 2018: Làm sao chọn ngành nghề phù hợp? - Ảnh 1 
Một thí sinh đặt câu hỏi cho hội đồng tư vấn tuyển sinh.

Trong khi đó, Ths. Lâm Tường Toại, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học kinh tế - luật (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết: "Đôi khi chúng ta bị ngộ nhận về sở thích do ảnh hưởng từ bạn bè, người thân hay chính từ sự hào nhoáng của ngành nghề. Chọn nghề phải tính đến chuyện gắn bó lâu dài với ngành đó. Trước khi đi đến quyết định, các em có thể tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng thời xác định rõ năng lực bản thân để có sự lựa chọn phù hợp". Cũng theo Ths. Tường Thoại, khi đã xác định được ngành mình yêu thích cùng với sự tìm hiểu về điểm chuẩn của từng trường, thì việc chọn ngành, chọn trường và lập kế hoạch học tập sẽ hợp lý hơn.

Em Vũ Đình Thụy (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) đưa ra một băn khoăn mà rất nhiều học sinh gặp phải: "Việc chọn ngành nghề giữa cha mẹ và bản thân có khác nhau, em phải làm sao?". TS. Nguyễn Văn Thư, Phó hiệu trưởng Trường đại học giao thông - vận tải TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là sự xung khắc thường gặp. Cha mẹ  và con cái nên có sự trao đổi, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. TS. Thư cho rằng: "Phải biết được đó là sở thích thật sự hay chỉ là sở thích nhất thời và xem kinh nghiệm của cha mẹ có tốt hơn cho em hay không. Điều quan trọng ở đây là thảo luận để thống nhất về chọn ngành nghề".

Em Vũ Thị Thu Thủy, học sinh Trường THPT Ngô Quyền nêu câu hỏi: "Em giao tiếp kém, hay hồi hộp trước đám đông, vậy muốn thi vào ngành tài chính - ngân hàng hay quản trị kinh doanh có được không?". Ths. Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh giải tỏa lo lắng: "Không phải ai cũng có khả năng nói chuyện lưu loát trước đám đông và không phải ở lĩnh vực kinh tế, ngành nào cũng đòi hỏi phải có kỹ năng giao tiếp. Dĩ nhiên, khi chọn ngành, các em nên chọn vị trí phù hợp với khả năng của mình".

Liên quan đến vấn đề này, Ths.Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường đại học tài chính - maketing cho rằng có thể bây giờ các em giao tiếp chưa tốt nhưng với việc được rèn luyện thêm kỹ năng (ngoại ngữ, tin học, làm việc theo nhóm...) ở trong trường học thì khi ra trường, khả năng giao tiếp sẽ tốt.

* Thí sinh cần chuẩn bị gì?

Về câu hỏi: "Chỉ có học sinh có học lực khá, giỏi mới được học liên thông có đúng không?", Ths. Hứa Minh Tuấn nói rằng, tất cả học sinh đều được học liên thông nếu ngành nghề mình học có đào tạo liên thông. Nếu tốt nghiệp cao đẳng loại khá trở lên thì được miễn thâm niên công tác, học ngay đại học, còn sinh viên có học lực trung bình thì đòi hỏi phải có thâm niên công tác một năm mới được liên thông lên đại học.

Các thí sinh tìm hiểu thông tin từ cẩm nang tuyển sinh.

Em Lê Thị Hiền, Trường THPT Lê Hồng Phong lại muốn được tư vấn: "Cần chuẩn bị gì khi bước chân vào các trường đại học, cao đẳng?". Ths.Trần Thế Hoàng cho rằng, điều cần thiết là phải chuẩn bị tốt kiến thức cùng kỹ năng ngoại ngữ, tin học.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường đại học sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thì khuyên thí sinh không nên quá lo lắng khi lựa chọn ngành nghề. "Trên thế giới chỉ có khoảng 40% người tốt nghiệp đại học ra trường làm đúng ngành nghề. Cơ cấu ngành nghề phụ thuộc rất lớn vào cơ cấu xã hội. Vì vậy, có thể ngày nay chúng ta học ngành này nhưng ngày mai chúng ta lại thành công ở một ngành khác. Điều quan trọng với thí sinh là phải chọn nghề dựa trên năng lực và niềm đam mê" - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.

Trong chương trình tư vấn, Ths.Bs. Trương Tấn Trung, Trường đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, để bớt căng thẳng, mệt mỏi trong kỳ thi, thí sinh nên chuẩn bị kỹ về kiến thức của mình, từ đó đánh giá được khả năng, so sánh khả năng của mình với bạn bè để trau dồi thêm. Nếu chuẩn bị tốt được điều này, khi bước vào kỳ thi, thí sinh sẽ bớt lo lắng. Bên cạnh đó, các em cũng cần quan tâm đến sức khỏe, chế độ dinh dưỡng...

Theo: báo Đồng Nai