Tuyển sinh 2015: Học sinh lo lắng trước thay đổi từ Bộ Giáo dục

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã họp công bố phương án kỳ thi chung quốc gia được thông qua. Theo đó, cả nước chỉ còn 1 kỳ thi chung, kỳ thi này cũng là cơ sở để xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, và Bộ cũng khuyến khích các trường Đại học, Cao đẳng tận dụng kết quả này để xét tuyển sinh.

Tưởng như, phương án này đã được chốt, và được tuyên truyền tới các cơ sở giáo dục để phụ huynh, học sinh có thể chuẩn bị kĩ càng hơn cho kỳ thi sắp tới.

Tuy vậy, vừa qua, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại Hà Nội, sự kiện này có sự tham gia của các Sở GD-ĐT, đại diện của các trường ĐH, CĐ phía Bắc tham dự, chủ trì là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận; Bộ lại tiếp tục thay đổi, cũng như kéo theo nhiều tranh cãi từ phụ huynh, học sinh và các nhà làm giáo dục.

Tiếp tục thay đổi: Xét tuyển đại học theo khối

Bên cạnh những thông tin liên quan về công tác tổ chức kỳ thi, Bộ GD-ĐT đề nghị các đại học, học viện, trường cao đẳng có sử dụng kết quả Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh, phải xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường.

Theo đó, các trường cần xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm trước để xét tuyển, tránh lộn xộn trong tuyển sinh, gây lo lắng cho thí sinh bởi các em đã học, ôn thi theo khối ngay từ khi bước vào lớp 10.

Phụ huynh, học sinh mong muốn Bộ GD-ĐT “chốt” sớm các vấn đề liên quan đến đổi mới thi cử

Phụ huynh, học sinh mong muốn Bộ GD-ĐT “chốt” sớm các vấn đề liên quan đến đổi mới thi cử

Như vậy, chỉ trong cùng 1 tháng, Bộ GD-ĐT đưa ra 2 quyết định về đổi mới thi cử năm 2015. Quyết định đầu tiên là sự đổi mới về số lượng kỳ thi khi giảm từ 2 xuống 1, song song là các môn thi bắt buộc và số lượng các môn thi tối thiểu, quyết định tiếp theo là sự bổ trợ, dựa trên cơ sở thực tế của việc dạy và học ở khối THPT trên cả nước

Băn khoăn cụm thi

Một kỳ thi quốc gia chung được quyết định thông qua, Bộ GD-ĐT đã lên phương án tổ chức các cụm thi ở các địa phương, do các trường ĐH chủ trì hoặc địa phương chủ trì.

Ở điểm này, sự nghi ngại dấy lên xung quanh liệu các cụm thi do địa phương chủ trì có nghiêm túc, kết quả thi có phản ánh đúng thực lực học tập của học sinh hay không. Sự nghi ngại này hoàn toàn có cơ sở, bởi từ trước đến nay, những trường ĐH chủ trì các kỳ thi, thì thường diễn ra rất nghiêm túc, bởi kỳ thi này quyết định kết quả đầu vào ĐH.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Đại học – ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng: “Những năm trước, nếu tổ chức cụm thi không nằm ở Hà Nội, chúng tôi đều cử giáo viên, cán bộ coi thi nhiều kinh nghiệm từ trường xuống các cụm thi đó để đảm bảo sự nghiêm túc. Còn tới đây, những thí sinh muốn xét tuyển vào ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng tham gia kì thi ở các nơi địa phương chủ trì cụm thi, chúng tôi thấy thực sự nghi ngại chất lượng”.

Tương tự, Trưởng phòng Đào tạo - Đại học Hà Nội cũng cho rằng: “Ở cụm thi Vinh, dù được ĐH Vinh hỗ trợ tổ chức cụm thi nhưng năm nào chúng tôi cũng điều cán bộ của trường vào nhằm theo sát các bước của kỳ thi. Có thể, nhiều đơn vị ĐH, CĐ khác trong cả nước cũng có chung hồ nghi về việc kết quả của các địa phương tự chủ trì các cụm thi”.

Ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi giải trình về kỳ thi THPT quốc gia với Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Nhiều đại biểu băn khoăn về tính nghiêm túc, công bằng giữa các cụm thi. Đại biểu Phùng Văn Hùng hồ nghi, liệu các cụm thi ở địa phương có diễn ra nghiêm túc không khi hàng năm, nhiều địa phương có điểm thi ĐH thấp, nhưng điểm tốt nghiệp và tỉ lệ tốt nghiệp lại thuộc hạng “top”.

Giải pháp cho vấn đề này được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra là, Bộ định hướng tổ chức thi đảm bảo công bằng bằng cách Thanh tra Bộ trực tiếp kiểm tra tổ chức thi ở cả cụm thi trường đại học và ở Sở. Riêng những học sinh chỉ có mục tiêu tốt nghiệp, Bộ sẽ tạo điều kiện để thi tại cụm thi ở tỉnh, tránh việc đi lại tốn kém. Cơ hội của thí sinh thi ở cụm địa phương sẽ không đóng lại vì có trường ĐH xét tuyển dựa trên kết quả THPT.

Liệu có chốt được sớm?

Đó là câu hỏi mà nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm nhất hiện nay, bởi lẽ, phương án kỳ thi chung quốc gia mà Bộ GD-ĐT đưa ra vẫn chưa thống nhất ở nhiều điểm. Trước mắt, Bộ GD-ĐT có thể sớm thống nhất về những vấn đề: Kỳ thi chung quốc gia có những cụm thi nào? Những địa phương nào được tổ chức cụm thi? Liệu các học sinh chỉ có nguyện vọng đậu tốt nghiệp, có phải thi chung với những thí sinh tham dự kỳ thi chung quốc gia, nhằm lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay không?

Song song, nhiều giáo viên cũng thắc mắc, khi năm trước, môn Ngoại ngữ là môn không bắt buộc, nhưng đến năm nay, những vấn đề xoay quanh môn Ngoại ngữ lại có sự điều chỉnh thành môn thi bắt buộc.

Các trường THPT và ĐH, CĐ cũng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm quyết định, những tiêu chí nào được Bộ xem là học Ngoại ngữ trong điều kiện không đủ chất lượng để các trường THPT còn lên kế hoạch ôn tập Ngoại ngữ hay môn thay thế. Bên cạnh đó, các trường ĐH-CĐ cũng quan tâm, danh sách các chứng chỉ Ngoại ngữ được miễn thi Ngoại ngữ là những chứng chỉ gì? Liệu những chứng chỉ đó có thể áp dụng thay thế xét tuyển môn Ngoại ngữ vào các trường ĐH-CĐ hay không?

Khi những vấn đề của kỳ thi chung quốc gia đang được mổ xẻ và bộc lộ nhiều bất cập, cần có thêm thời gian để chuẩn bị thì nhiều phụ huynh và học sinh đang ngồi “trên lửa”, bởi từ thời điểm này đến kết thúc năm học 2014-2015 không còn nhiều.

Phụ huynh Nguyễn Tăng Đức (có con đang học lớp 12 trường THPT Thăng Long, Hà Nội) cho rằng: “Có thể phương án kỳ thi chung quốc gia có nhiều điểm ưu việt, nhưng để vận hành và thực hiện trơn tru, chúng ta cần có thêm thời gian và nhiều chuyên gia nghiên cứu kĩ.

Còn bây giờ, nếu trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT vẫn chưa thể giải quyết những vấn đề mà các nhà giáo dục, dư luận đóng góp, cũng như giải quyết những nghi ngại về kỳ thi này, tôi nghĩ, Bộ nên “chốt” phương án sớm, có thể quay về kỳ thi “3 chung” như các năm trước, trả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các Sở GĐ-ĐT chủ trì. Như vậy, sẽ khiến học sinh yên tâm ôn tập hơn, vì thời điểm này đã sắp hết học kì 1 năm học này rồi”.

V.Khang, nongnghiep: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/132095/giao-duc/tranh-cai-doi-moi-thi-cu.html