Tại TP.HCM, nhiều trường đại học đã cho sinh viên trở lại trường để thực hành và giải quyết vấn đề liên quan đến việc học cùng với các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cho sinh viên đến trường từ ngày 21.10
Nhiều trường đại học đón sinh viên trở lại
Một số trường đại học (ĐH) bắt đầu mở cửa đón người học trở lại trường sau khoảng hơn 4 tháng dừng học tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời điểm này các trường đang mở cửa từng bước, chưa dạy học tập trung đại trà mà chỉ ưu tiên các hoạt động cần thiết trước mắt.
Bắt đầu từ ngày 21.10, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghệ thông tin được vào trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, thời điểm này SV vào trường chỉ lên thư viện học tập, liên hệ phòng ban chuyên môn giải quyết các vấn đề học vụ hoặc làm việc với giảng viên hướng dẫn tại phòng thí nghiệm. Các hoạt động học tập chính thức của trường vẫn đang diễn ra theo hình thức trực tuyến và dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng một tháng tới.
“Do vậy, dù mở cửa, nhưng số người học đến trường thời điểm này không nhiều. Trong ngày đầu tiên chỉ có khoảng 40 - 50 SV đến trường và chủ yếu để giải quyết giấy tờ cần thiết”, tiến sĩ Khang chia sẻ.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường, Trường ĐH Bách khoa đã có thông báo cho phép người học có nguyện vọng được đăng ký đến trường sử dụng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành thời gian tới. Theo thống kê của trường, hiện có hơn 2.000 SV đã đăng ký tham gia học tập trung tại trường trong các lớp thực hành, thí nghiệm, đồ án môn học và luận văn tốt nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cũng cho biết trường đã có thông báo tới các khoa chuyên môn về việc chủ động lựa chọn hình thức học tập phù hợp với các học phần thực hành, thực tập. Theo đó, trước mắt trường chủ trương cho người học năm cuối được lựa chọn, đăng ký hình thức thực hành, thực tập phù hợp với điều kiện người học. Đặc thù chung của hoạt động học tập này là SV phải tham gia các hoạt động bên ngoài, không thể giảng dạy ngay tại trường.
Một số trường khác cũng cho biết sẽ tổ chức học tập tại trường các học phần thí nghiệm, thực hành trong thời gian tới như: Công nghiệp thực phẩm, Sư phạm kỹ thuật…
Sinh viên phải đảm bảo các tiêu chí nào?
Các trường bắt đầu có thông báo về kế hoạch cho SV đến trường từ đầu tháng 10. Dù có những quy định cụ thể khác nhau, nhưng các trường đều triển khai dựa trên các điều kiện chung: người học có nhu cầu và đáp ứng đủ các tiêu chí di chuyển, làm việc và học tập theo quy định chung về phòng, chống dịch sau ngày 30.9
Hiện các trường quy định chặt chẽ các trường hợp SV được tới trường. Trường ĐH Công nghệ thông tin thực hiện quét mã QR ngay tại cổng trường, chỉ người học có xác nhận đã tiêm đủ vắc xin theo quy định hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 mới được vào trường. Khi vào trường, SV vẫn tuân thủ quy định 5K.
Ngoài điều kiện trên, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm phải đăng ký trước khi vào trường. Căn cứ trên đề cương học phần có liên quan đến các phòng thực hành và thí nghiệm, SV mới được vào trường, nhưng sẽ được giám sát nghiêm túc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, việc dạy học trực tiếp của trường thời gian tới sẽ căn cứ trên tình hình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 của SV. Để dạy học tập trung, cán bộ, giảng viên và người học cần đáp ứng đầy đủ quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Hiện nay, 100% cán bộ giảng viên của trường đã hoàn tất 2 mũi tiêm vắc xin. Tuy nhiên, tỷ lệ SV đã tiêm chủng của trường mới đạt gần 40%. Trường sẽ thực hiện khảo sát liên tục để có phương án học tập phù hợp trong thời gian tới.
Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, cũng cho biết SV đã tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K mới đủ điều kiện ra vào trường.
“Để tổ chức, sắp xếp các lớp học, trường còn phải căn cứ vào công bố của UBND TP.HCM về xác định cấp độ dịch Covid-19 theo địa bàn cụ thể. Từ đó, trường sẽ có phương án phù hợp về hình thức dạy học, số lượng người có thể tham gia cụ thể trong các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành để đảm bảo an toàn phòng dịch”, tiến sĩ Phúc nhấn mạnh.
Cũng theo phó hiệu trưởng này, Bộ GD-ĐT đã có văn bản gửi các UBND về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Trong đó, riêng bậc ĐH và CĐ sư phạm, UBND địa phương hướng dẫn các trường trên địa bàn xác định cấp độ dịch để tổ chức dạy học đảm bảo an toàn. Nếu dịch ở cấp độ 1 và 2, các trường có thể dạy trực tiếp. Nhưng nếu nằm trên địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 và 4, trường tiếp tục dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến theo phương án cụ thể được địa phương chấp thuận.
> Sinh viên một số trường Đại Học có thể đến trường làm khoá luận
> Cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Hà Nội được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất
Theo Thanh Niên