Trước tình hình dịch Covid-19, các trường nghề được tổ chức thi trực tiếp và đảm bảo tuân thủ phòng dịch nhưng phải chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về lây lan dịch bệnh xảy ra.

hình thức tuyển sinh

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong trường hợp cấp bách, trường nghề có thể tổ chức thi các môn thực hành trực tiếp nhưng không quá 8 người trong một phòng thi

Tổ chức thi không quá 8 người/phòng

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM vừa có văn bản gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ các chức hoạt động bao gồm dạy và học, thi kết thúc môn học/mô-đun với hình thức trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, đối với các môn học, mô-đun không thể tổ chức thi với hình thức trực tuyến và trong trường hợp cấp bách, người đứng đầu đơn vị lập kế hoạch tổ chức thi trực tiếp, tập trung không quá 8 người trong một phòng thi (bao gồm sinh viên và cán bộ coi thi), đảm bảo đầy đủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch như khử khuẩn tay, khai báo y tế, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh khử trùng các thiết bị, dụng cụ sau khi tiếp xúc trong thời gian trước trong và sau khi thi.

Đồng thời trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp để phát sinh, lây lan dịch Covid-19.

Sở LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên tục cập nhật các thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh. Đặc biệt thường xuyên theo dõi các thông báo khẩn cấp liên quan đến việc truy vết F1, F2, F3 do Trung tâm kiểm soát dịch bệnh thành phố công bố, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp liên quan đến dịch bệnh xảy ra tại đơn vị nếu có.

Đợi hết dịch mới thi

Đại diện các trường CĐ, trung cấp đều cho rằng dù cấp bách đến đâu và dù được cho phép tổ chức thi trực tiếp với điều kiện như trên, thì các trường cũng không "mạo hiểm" trong tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng này.

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Vào thời điểm thành phố quyết định giãn cách xã hội thì chỉ còn một tuần nữa là sinh viên của trường hoàn thành chương trình học kỳ 2. Vì vậy, các em hiện đang ở nhà chờ đợi dịch bớt căng thẳng và thành phố hết giãn cách để quay lại trường thi. Nếu hết tháng 6 tình hình dịch vẫn chưa ổn, trường sẽ thay đổi kế hoạch bằng cách tập trung sinh viên trước thời điểm diễn ra năm học mới khoảng 2-3 tuần. Các em sẽ học một tuần, sau đó thi học kỳ và bước vào năm học mới luôn".

Trường CĐ Công thương TP.HCM đã triển khai thi trắc nghiệm và vấn đáp trực tuyến ở một số môn. "Trong tuần tới trường tiếp tục tổ chức thi vấn đáp trực tuyến ở một số môn lý thuyết. Các môn thực hành sinh viên đã hoàn thành trước khi dịch quay trở lại nên không cần thi nữa. Chỉ còn một số môn không thể thi trực tuyến, bắt buộc phải làm bài trực tiếp thì trường đợi TP.HCM hết giãn cách xã hội sẽ tổ chức thi", thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM chia sẻ.

Trong khi đó, học sinh Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương đã thi xong các môn lý thuyết bằng hình thức trực tuyến. Thạc sĩ Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo, thông tin: "Các môn thực hành kỹ năng nghề dự kiến sẽ tổ chức thi vào đầu tháng 7. Nếu dịch chưa giảm thì trường sẽ lùi thời gian chứ không tổ chức thi dù Sở LĐ-TB-XH cho phép. Vì công tác phòng chống dịch thời điểm này vẫn quan trọng hàng đầu và ngay cả phụ huynh cũng không đồng ý cho con em quay trở lại trường khi dịch vẫn căng thẳng".

Vào thời điểm trước giãn cách xã hội, học sinh Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist cũng đã thi học kỳ một số môn, với hình thức thi trực tiếp 5 người/phòng, đồng thời thi trực tuyến một số nội dung. "Các môn lý thuyết nghiệp vụ lễ tân, nhà hàng, ngoại ngữ... hiện các em đang được học trực tuyến để kịp thời gian thi vào cuối tháng 7 như kế hoạch dự kiến, trong trường hợp dịch được kiểm soát", bà Võ Thị Mỹ Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist cho hay.

Thi tốt nghiệp THPT 2 đợt: Xây dựng đề thi tương đồng về độ khó

Lý do nhiều ngành chất lượng cao có điểm chuẩn cao hơn hệ đại trà

Theo Thanh Niên