UBND TP HCM ban hành 2 tiêu chí chọn sách giáo khoa, đại diện cha mẹ học sinh sẽ góp ý kiến trong quá trình chọn sách lớp 1, 2 và 6 cho năm học mới 2021-2022.

Theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa công bố ngày 13/1, sách được chọn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của TP HCM. Nội dung hướng đến việc giáo dục tư tưởng, truyền thống, lối sống cho học sinh, giúp các em tự hào với văn hoá, truyền thống năng động, sáng tạo của TP HCM; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Kiến thức sách giáo khoa cần hiện đại, hội nhập với khu vực, quốc tế, có giá trị thực tiễn. Sách giáo khoa cũng đáp ứng được định hướng TP HCM trở thành đô thị thông minh, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ngoài ra, TP HCM yêu cầu việc chọn sách cũng phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học, năng lực và trình độ của giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá.

sách giáo khoa mới

Những cuốn sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hằng.

Hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu Thông tư số 32/2018 về chương trình giáo dục phổ thông mới và các môn học. Các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các bản mẫu sách từ các nhà xuất bản cũng được phổ biến để lấy ý kiến.

Hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các trường phải làm theo trình tự ba bước.

Tổ chuyên môn ở các trường cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa môn học thuộc chuyên môn phụ trách; bỏ phiếu kín, lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn.

Các trường sau đó họp với thành phần gồm người đứng đầu, cấp phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất. Từ đó, trường chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn, báo về quận huyện.

Cuối cùng, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận huyện tổng hợp, báo về cho Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được lựa chọn theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa thuộc về các trường phổ thông.

Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1.

Riêng sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh". Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận để dư luận bức xúc về một số điểm chưa phù hợp trong sách Tiếng Việt lớp 1 có trách nhiệm của Bộ, Hội đồng thẩm định và tác giả. Bộ đã yêu cầu nhà xuất bản và tác giả chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp trong bộ sách.

Không chỉ bộ Cánh Diều, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng phải chỉnh sửa hàng loạt câu từ trong sách Tiếng Việt của bốn bộ.

Theo Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7 năm ngoái, UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa sử dụng cho các trường trên địa bàn. Thông tư 25/2020 ra đời, thay thế Thông tư 01/2020 quy định Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh thành lập với Chủ tịch hội đồng là Giám đốc hoặc Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

> Nhiều nỗi lo về sách giáo khoa tích hợp

> Bộ trưởng GD-ĐT: 'Từ điển còn hiệu đính, huống hồ sách giáo khoa'

Theo VnExpress