>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

- Bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn, có hai lý do cơ bản gây ra thất nghiệp: chỗ làm ít, người tìm việc nhiều và có việc làm nhưng người cần việc không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm, ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM, phân tích.

Nghịch lý là TP.HCM đang rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển, nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển” - ông Tuấn nói.

Nhu cầu tuyển dụng giảm

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc sinh viên khó tìm việc trong thời gian gần đây phần lớn là do người tốt nghiệp nhiều hơn nhu cầu tuyển dụng lao động.

cử nhân thất nghiệp

Do đâu cử nhân thất nghiệp?

Cùng nhận định với TS Mai, bà Phan Thị Cúc, quản lý nhân sự Mango Bay Resort, cho biết từ năm 2009 trở lại đây nhu cầu nhân sự của nhiều doanh nghiệp bắt đầu giảm. Trong tình hình đó, yêu cầu tuyển dụng lại gắt gao hơn, lương tăng không đáng kể do khó khăn kinh tế. “Lao động phổ thông là nhóm dễ tìm việc làm nhất nhưng lương không cao - bà Cúc cho hay - Người tốt nghiệp ĐH, đặc biệt là người từ nước ngoài về hay nhân sự cấp cao thì nhu cầu tuyển dụng giảm đáng kể. Điều này khiến sinh viên tốt nghiệp gặp khó khăn hơn rất nhiều, số người tìm được việc làm ít hơn”.

Từ góc độ nhà trường, ông Hoàng Đức Bình, giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, thông tin tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp năm 2012 giảm so với các năm trước. Trong đó, ảnh hưởng nặng nhất là sinh viên nhóm ngành tài chính - ngân hàng do những khó khăn về kinh tế, nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp giảm. “Theo khảo sát, nhu cầu nhân lực của nhiều doanh nghiệp hiện nay là con số 0, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn sa thải nhân viên để giảm chi phí” - ông Bình nói.

Theo TS Lê Anh Duy, Trường ĐH Sài Gòn, thất nghiệp có nhiều dạng như không có việc làm ổn định, làm ngành không đúng chuyên môn... “Doanh nghiệp hiện nay tuyển dụng chú trọng vào năng lực của ứng viên chứ không chú trọng bằng cấp. Việc làm giống như một chiếc bánh mà nhiều người cùng tranh. Người nào có năng lực, có kỹ năng sẽ chiếm được chiếc bánh đó” - ông Duy ví von.

**Nan giải thiếu-thừa nhân lực

Cần quy hoạch nhân lực

Trong hội thảo về Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH, do ĐHQG TP.HCM tổ chức mới đây, ThS Lương Thị Hoài Phương, Ngân hàng Á Châu, đưa ra kết quả khảo sát của Hội Sinh viên VN cho thấy khoảng 50% sinh viên ra trường không có việc làm trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Bà Phương cho rằng sở dĩ khoảng cách giữa nhu cầu xã hội và cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp còn lớn là do nhà trường và xã hội chưa có tiếng nói chung. “Việc đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhiều trường chưa thiết lập được quan hệ với các doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động. Trong khi đó, do sự mất cân đối cung - cầu quá lớn trên thị trường lao động, việc làm nên các doanh nghiệp ít chủ động tham gia quá trình đào tạo của trường” - bà Phương kết luận.

Tương tự, ThS Nguyễn Văn Chiến, Trung tâm Phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học và giáo dục VN, nhận định cần có sự gắn kết, tham gia đào tạo giữa trường và doanh nghiệp. “Trường cần coi doanh nghiệp là những khách hàng đặc biệt, vừa tham gia tiêu dùng vừa tham gia sản xuất. Các trường cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp nhằm đổi mới chương trình, tiếp cận thực tiễn, tiếp nhận sản phẩm đào tạo. Cơ sở sử dụng lao động cung cấp giảng viên đào tạo thực tế, tham gia góp ý xây dựng chương trình đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận thực tế, hỗ trợ thực hành, cùng với trường xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp...” - ông Chiến đề xuất.

TS Lê Anh Duy cũng cho rằng để tránh tình trạng cử nhân ra trường không có việc làm, cần có chiến lược quy hoạch nhân lực theo từng giai đoạn cụ thể. “Có thể sẽ quy hoạch nguồn nhân lực của từng địa phương, từng khối ngành nghề theo thời gian năm năm một lần - ông Duy nói - Từ đó đưa ra kế hoạch đào tạo nhân lực theo từng nhóm ngành nghề. Nội dung chương trình đào tạo cũng cần phải tăng thời gian thực hành và thực hành, thực tiễn phải thực chất chứ không nên làm theo hình thức”.

Theo tác giả Minh Giảng, Quang Phương - tuổi trẻ