>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Thống kê 83% số trường ĐH trong cả nước, trong số trên 700.000 sinh viên chính quy tốt nghiệp từ năm 2008 – 2012, có đến 32,3% là khối ngành Tài chính - Ngân hàng - Thương mại. Dự kiến trong 5 năm tiếp theo, đến 2017, số sinh viên khối ngành này tốt nghiệp tăng lên chiếm 33,1%. Đây chỉ là một con số cho thấy, vẫn cần thêm rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng để tạo cán cân ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra

Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo, nhưng con số sinh viên vào các ngành Tài chính - Ngân hàng - Thương mại chưa có xu hướng giảm. Trong khi đó, nhiều lĩnh vực nhu cầu lao động rất cao như Nông - Lâm - Thủy sản, Phát triển nông thôn và Khuyến nông, Kinh doanh nông nghiệp, Cơ khí nông lâm, Cơ khí chế biến bảo quản nông sản thực phẩm... thì năm nào các trường có đào tạo cũng đau đầu vì tuyển không đủ chỉ tiêu.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc - Viện Khoa học Lao động Xã hội đưa ra kết quả phân tích cung lao động trình độ cao (từ CĐ trở lên) trong 10 năm gần đây: Từ gần 1,9 triệu người năm 2002 đã tăng lên gần 4,24 triệu người năm 2011 với tốc độ tăng bình quân 8,3%.

hiện trạng thất nghiệp hiện nay

Khuyến khích mở các ngành thuộc khối Công nghệ, Kỹ thuật, Nông - Lâm, Thủy sản, Xây dựng

Đặc biệt nhóm lao động có trình độ đại học trở lên có tốc độ tăng bình quân lên tới 9,8% trên năm. Lao động trình độ cao đang chiếm khoảng 8,8% tổng việc làm nhưng chủ yếu tập trung vào khu vực dịch vụ (gần 80%), đặc biệt là vào nhóm ngành GD&ĐT (30%) tổng số việc làm lao động trình độ cao của cả nước.

Phân tích cơ cấu việc làm theo ngành nghề cho thấy: Tỷ lệ lao động trình độ cao so với tổng việc làm lao động ở trình độ này trong các ngành công nghiệp chế biến, thông tin truyền thông, hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ, y tế, hoạt động trợ giúp xã hội, quản lý nhà nước và bảo đảm xã hội bắt buộc còn rất thấp. Và, đặc biệt thấp với các ngành chế biến chế tạo, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật, vui chơi giải trí.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, hiện thành phố vẫn đang trăn trở với nghịch lý rất thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển nhưng lại quá thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành cần thiết cho sự phát triển.

“Giai đoạn 2013 - 2015, xu hướng đến năm 2025, TPHCM ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực. Đó là ngành Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; Điện tử và công nghệ thông tin; Chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; Hóa chất - Hóa dược và mỹ phẩm” - Ông Trần Anh Tuấn cho hay.

Chưa có hồi kết

Có thể nói, tình trạng thừa thiếu, thiếu thừa giữa các ngành nghề vẫn chưa có hồi kết trên thị thường lao động. Nguyên nhân từ hạn chế trong công tác dự báo, hạn chế về hướng nghiệp, từ chủ quan người học chưa định hướng đúng ngành nghề và từ chính công tác đào tạo tại các nhà trường.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, một trong những bất cập hiện nay là nhiều trường chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, không phải thí nghiệm, thực hành, do đó có sự mất cân đối giữa cung - cầu nhân lực của các ngành, lĩnh vực.

Đưa ra lời giải, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, việc thống kê khả năng đáp ứng của các lĩnh vực, cân đối thừa thiếu như thế nào là yếu tố vô cùng quan trọng giúp các cơ sở giáo dục rà soát lại quá trình cung ứng lao động. Hơn ai hết, chính người lao động, người sử dụng lao động phải biết thông tin rất quan trọng này.

Nhiều chuyên gia quản lý giáo dục từng có ý kiến chỉ tiêu ngành đào tạo của trường ĐH, CĐ nên dựa vào nhu cầu lao động. Cơ quan quản lý vi mô liên bộ, liên ngành tăng cường những cuộc khảo sát, điều tra, dự báo xu hướng biến động về nhu cầu của từng lĩnh vực ngành nghề và công bố rộng rãi. Chỉ có như vậy mới có thể góp phần điều chỉnh sự mất cân đối cung - cầu lao động.

Thông tin từ ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT): Là cơ quan thực hiện chức năng quản lí nhà nước về giáo dục, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT bên cạnh liên tục cảnh báo nguy cơ thừa nhân lực của một số khối ngành đã thông báo dừng mở mới các ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán - Kiểm toán.

Đồng thời, có những giải pháp cụ thể trong việc mở ngành các trường ĐH, CĐ; Có định hướng trong mở ngành mới; Khuyến khích mở các ngành thuộc khối Công nghệ, Kỹ thuật, Nông - Lâm, Thủy sản, Xây dựng... Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho một số ngành nghề đặc thù, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai hoặc đáp ứng  nhu cầu của xã hội.

Tuy nhiên, theo như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giải quyết vấn đề cung - cầu lao động thực ra là giải quyết bài toán nhân lực cho cả nền kinh tế, nên cần có một giải pháp thực sự mang tính chiến lược.

Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, cơ cấu lao động qua đào tạo của Việt Nam hiện nay là 1: 3, tức là cứ một sinh viên tốt nghiệp ĐH thì có 3 học viên tốt nghiệp trường nghề. Trong khi đó, cơ cấu ở các nước tiên tiến trong khu vực, tỷ lệ này là 1: 10; cho thấy một sinh viên tốt nghiệp ĐH có 10 học viên tốt nghiệp trường nghề. Như vậy, để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, lực lượng thợ kỹ thuật còn thiếu nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)

Theo tác giả Đan Thảo, GDTĐ