Bạn đang là sinh viên đại học? Bạn chuẩn bị thi vào đại học? Vậy thì đừng quên tìm hiểu về 12 ngành bậc đại học đang có nhu cầu cao về nhân lực này!
1. Ngành ĐH nào có nhu cầu cao về nhân lực?
Theo đó, danh sách những ngành ĐH có nhu cầu cao về nhân lực được Bộ GD-ĐT đưa ra thuộc 2 lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin; du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân.
Lĩnh vực máy tính gồm có 6 ngành: khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính.
Lĩnh vực công nghệ thông tin gồm 2 ngành: công nghệ thông tin và an toàn thông tin.
TOP 12 ngành bậc đại học đang có nhu cầu cao về nhân lực
Ở lĩnh vực du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân có 4 ngành được đưa vào danh sách các ngành đào tạo trình độ ĐH có nhu cầu cao về nhân lực. Cụ thể gồm: du lịch, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Danh sách 12 ngành này chưa kể các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH khác thuộc các lĩnh vực này đã được phê duyệt cho phép đào tạo.
Danh sách được Bộ GD-ĐT đưa ra cùng với thông tư quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022.
Quy định nêu rõ, các ngành đào tạo đặc thù có nhu cầu cao về nhân lực trình độ ĐH đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các ngành này được Bộ GD-ĐT công bố trong từng giai đoạn và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở căn cứ nhu cầu nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo chủ trương, định hướng của nhà nước.
2. Mời cả chuyên gia, cán bộ kỹ thuật làm giảng viên thỉnh giảng
Theo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2022, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành, nhóm ngành và phải đảm bảo quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, CĐ giáo dục mầm non và các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành nhưng không vượt quá năng lực đào tạo ngành đó.
Chỉ tiêu này được xác định trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu sử dụng nhân lực, tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp và kết quả tuyển sinh của năm trước liền kề.
Riêng với các ngành trình độ ĐH có nhu cầu cao về nhân lực, giảng viên thỉnh giảng được xác định bao gồm cả các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý. Đây là những người lao động có bằng tốt nghiệp ĐH cùng ngành hoặc nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo; đồng thời có từ 5 năm trở lên kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp tại doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp gắn với ngành và lĩnh vực đào tạo.
Theo đó, số lượng giảng viên thỉnh giảng quy đổi để xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành có nhu cầu cao về nhân lực được tính tối đa bằng 40% tổng số giảng viên toàn thời gian quy đổi của cơ sở đào tạo lĩnh vực này. Về điểm này, các ngành đào tạo có nhu cầu nhân lực cao được ưu tiên hơn các ngành khác. Chẳng hạn, với các ngành đào tạo giáo viên, giảng viên thỉnh giảng không được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh.
Trước đó, từ năm 2017, Bộ GD-ĐT có văn bản hướng dẫn áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch. Theo đó, khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Song song với du lịch, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở ĐH khẩn trương triển khai xây dựng đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực công nghệ thông tin trình độ ĐH, cụ thể cho phép sinh viên ngành khác chuyển sang học các ngành thuộc lĩnh vực này.
> Chỉ tiêu của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội năm 2022
> Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải sẽ giảm chỉ tiêu tốt nghiệp
Theo Báo Thanh Niên