Trong kỳ xếp hạng của Times Higher Education (THE) ở lĩnh vực sức khoẻ và lâm sàng năm 2022, có 10 trường đại học nổi bật nhất trên thế giới được điểm tên.
Một góc khuôn viên của trường đại học Oxford
Đại học Oxford của Vương quốc Anh đứng đầu thế giới về lĩnh vực sức khoẻ và lâm sàng, Trung Quốc có một trường trong top 10, theo xếp hạng của THE. Đại học Oxford có 11 lần liên tiếp giữ vị trí này. Xếp ngay sau lần lượt là Đại học Harvard của Mỹ, Imperial College London và Đại học Cambridge của Vương quốc Anh.
Y học là một lĩnh vực đào tạo lớn của Đại học Oxford. Khối ngành này được trường chia thành 16 khoa nhỏ hơn như Hóa sinh, Tâm lý học thực nghiệm, Dược học, Giải phẫu học, Y học sản khoa... Học phí khối ngành y học, sức khỏe cũng vào loại cao nhất ở Đại học Oxford, khoảng trên 48.000 bảng Anh mỗi năm đối với sinh viên quốc tế, theo thông tin từ trang web của trường.
Vương quốc Anh còn một trường khác góp mặt trong top 10 là UCL (hạng 8), trong khi Mỹ có 3 đại diện nữa ngoài Harvard, gồm Đại học Stanford (hạng 6), John Hopkins và Yale (đồng hạng 9).
Trung Quốc có một trường trong top 10 là Đại học Thanh Hoa. Cơ sở giáo dục đại học này đã có bước nhảy vọt từ vị trí thứ 32 trong năm ngoái lên thứ 7 trong năm nay, giúp Trung Quốc lần đầu tiên có trường vào top 10. Trường còn lại trong danh sách là Đại học Toronto của Canada, xếp hạng 5.
Số sinh viên, số sinh viên trên giảng viên, tỷ lệ sinh viên quốc tế và tỷ lệ nữ - nam của các trường trong top 10 được thể hiện ở bảng dưới đây:
Xếp hạng đại học thế giới THE là cuộc bình chọn các trường cao đẳng và đại học trên toàn cầu bởi tạp chí Times Higher Education (Anh). Cùng với Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU) và Quacquarelli Symonds (QS), THE được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới.
THE bắt đầu thực hiện Bảng xếp hạng các đại học thế giới THE-QS vào 2004, hợp tác với QS. Từ năm 2010, THE ngừng hợp tác với QS và tạo ra một bảng xếp hạng các đại học mới, hợp tác với hãng cung cấp dữ liệu Thomson Reuters.
THE xếp hạng các trường trong lĩnh vực sức khoẻ và lâm sàng dựa vào những ngành nhỏ hơn như y học và nha khoa cũng như các ngành sức khoẻ khác.
Tương tự bảng xếp hạng đại học thế giới, các trường được xếp hạng dựa trên 13 chỉ số riêng biệt, chia thành 5 nhóm. Trong đó, nhóm tiêu chí về giảng dạy (môi trường học tập) có trọng số tính điểm xếp hạng là 27,5%; nghiên cứu (khối lượng, thu nhập, danh tiếng) 27,5%; các trích dẫn khoa học (tầm ảnh hưởng của nghiên cứu) 35%; triển vọng quốc tế (của nhân viên, sinh viên và nghiên cứu) 7,5% và thu nhập ngành (chuyển giao kiến thức) 2,5%.
Việt Nam có Đại học Duy Tân được xếp hạng ở lĩnh vực này, đứng trong nhóm 176-200 trong số 925 trường tham gia.
> Tổng hợp 10 trường đại học kinh tế mới nổi 2022
> Điểm danh 10 trường đại học có chi phí đắt nhất ở Mỹ
Theo Vnexpress