Đà Nẵng chủ động với phương án thi tốt nghiệp THPT Quốc gia mới

Trước sự thay đổi phương án thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, các trường THPT ở TP Đà Nẵng sẽ tổ chức cuộc thi thử lớn cho học sinh lớp 12.

Bước vào kỳ thi học kì sắp tới, các trường THPT ở thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12, giúp học sinh thích nghi, vững vàng tâm lý trước sự thay đổi phương án của kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Cuộc thi dựa trên phương thức và cấu trúc ma trận đề giống như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Kết quả sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng chấm và gửi về các trường kèm theo bảng phân tích chỉ ra những lỗi sai, nhầm lẫn, giúp học sinh nắm bắt, rút kinh nghiệm.

Hình thức thi này có những khó khăn nhất định nhưng có thể khắc phục được bởi việc dạy và học từ trước đến nay luôn bám sát chương trình. Học sinh nắm chắc kiến thức sẽ đảm bảo hoàn thành bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia đúng chất lượng.

Thi theo hình thức đánh giá năng lực là tiệm cận với thế giới

Kiểm tra được kiến thức trong sách vở và hiểu biết thực tế của học sinh, thi theo hình thức đánh giá năng lực được đánh giá là tiệm cận với nhiều quốc gia trên thế giới.

Dù vẫn còn nhiều băn khoăn nhưng việc nhiều trường, nhiều kỳ thi đi theo hình thức thi khá mới mẻ này cho thấy nhu cầu của xã hội về việc đánh giá đúng và toàn diện học sinh ngày càng trở nên bức thiết.

Bắt đầu từ kỳ tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, sau đó lan rộng ra kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia và giờ là đến trường phổ thông chuyên Ngoại ngữ, thuộc Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lựa chọn hình thức thi đánh giá năng lực. Theo đó, môn Ngữ văn sẽ chuyển sang thi đánh giá kiến thức Văn học và Khoa học xã hội; môn Toán chuyển sang đánh giá kiến thức Toán học và Khoa học tự nhiên. Với hai môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, ngoài phần trắc nghiệm sẽ có thêm câu hỏi tự luận.

Kiểm tra được cả kiến thức trong sách vở và hiểu biết thực tế của học sinh, hình thức thi mới này được đánh giá là tiệm cận với nhiều quốc gia trên thế giới. Hiệu quả của hình thức thi đánh giá năng lực ở Việt Nam như thế nào đến nay vẫn còn là một dấu hỏi. Tuy nhiên, để thí sinh có định hướng ôn tập, nhà trường cũng đã công bố khung cấu trúc đề thi và hướng dẫn ôn tập cho học sinh.

Quảng Ngãi ban hành quy định tuyển sinh vào lớp 10 THPT

Sở GD&ĐT Quãng Ngãi công bố quy định tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Theo đó, việc tuyển sinh THPT trên địa bàn được tổ chức theo một trong ba phương thức sau:

Xét tuyển: Dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó;

Thi tuyển; kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

Tuyển thẳng vào THPT các đối tượng sau đây: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; học sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định; học sinh khuyết tật; học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học.

Sở GD&ĐT cũng quy định chế độ ưu tiên (không áp dụng cho tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên) với các mức ưu tiên, khuyến khích: Cộng 3 điểm, 2 điểm, 1,5 điểm, 1 điểm, 0,5 điểm tương ứng với đối tượng cụ thể.

Về thi tuyển vào lớp 10 trường THPT DTNT: Thi viết 2 môn Toán và Ngữ văn; thi vào lớp 10 trường THPT 3 môn Toán, Ngữ văn và môn thứ 3; thi vào lớp 10 trường THPT chuyên với 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn chuyên; thi vào lớp 10 chuyên Tin học, thí sinh thi môn Toán (bài thi chuyên).

Học sinh đăng kí nguyện vọng và nộp hồ sơ tuyển sinh tại trường THPT có nguyện vọng 1. Mỗi học sinh được quyền chọn 2 nguyện vọng khi dự tuyển vào lớp 10 theo quy định của Sở GD&ĐT: Nguyện vọng 1 dự tuyển vào 1 trường THPT công lập; nguyện vọng 2 dự tuyển vào 1 trường THPT công lập thứ hai theo quy định hoặc trường THPT ngoài công lập…

Lưu ý môn lần đầu kiểm tra học kỳ theo hình thức trắc nghiệm

Ngày 8/12, Sở GD&ĐT Ninh Thuận ban hành văn bản số 2299/SGDĐT-KTKĐ về tổ chức kiểm tra học kỳ I lớp 12 THPT năm học 2016 - 2017.
Văn bản lưu ý một số vấn đề có liên quan đến việc tổ chức kiểm tra các môn lần đầu tổ chức kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan (Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Cụ thể, cấu trúc đề kiểm tra gồm 2 phần: Câu hỏi trắc nghiệm khách quan và câu hỏi tự luận ở mức độ phù hợp với quá trình dạy học.

Học sinh làm bài theo hai phần độc lập. Tùy thuộc vào điều kiện, cách thức chấm thi sẽ thực hiện, các đơn vị lựa chọn phương án để tổ chức việc làm bài kiểm tra cho phù hợp (phiếu trả lời trắc nghiêm và bài làm tự luận độc lập nhau hoặc kết hợp).

Khi phát đề, các giáo viên lưu ý phát cùng lúc cả đề của phần câu hỏi trắc nghiệm khách quan và phần câu hỏi tự luận; đồng thời, nhắc nhở học sinh không làm các câu hỏi trắc nghiệm đã hướng dẫn cụ thể cho từng mã đề (tránh mất thời gian và không được tính trong kết quả điểm toàn bài kiểm tra).

Sở G D&ĐT yêu cầu thủ trưởng các đơn vị khẩn trương phổ biến công khai nội dung công văn này đến các thành phần có liên quan để biết, thực hiện nhằm chủ động trong quá trình ôn luyện, chuẩn bị kiến thức cho kiểm tra học kỳ I.

Bắc Giang hướng dẫn kiểm tra chất lượng học kỳ I

Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa có văn bản hướng dẫn kiểm tra chất lượng học kỳ I năm học 2016 - 2017.

Theo văn bản này, Sở ra đề 7 môn(Toán, Lý, Hoá, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa). Các đơn vị tự ra đề và kiểm tra các môn còn lại theo đúng chương trình. Nội dung đề kiểm tra kiến thức từ tuần 1 đến hết tuần 17 của học kì I.

Hình thức ra đề, với khối 12: Các môn Toán, Sử, Địa, ra đề kết hợp tự luận và trắc nghiệm; các môn Lý, Hoá Sinh, ra đề trắc nghiệm; môn Ngữ văn ra đề tự luận.

Khối 10, 11: Môn Ngữ văn ra đề tự luận; các môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa ra đề kết hợp trắc nghiệm và tự luận.

Thời gian làm bài: Môn Toán, Ngữ văn    làm trong 90 phút; các môn Sử, Địa, Lý, Hoá, Sinh làm trong 45 phút.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tổ chức coi và chấm kiểm tra chất lượng học kì I của đơn vị mình. Các môn do đơn vị tự xếp lịch kiểm tra không kéo dài quá ngày 26/12/2016.

Sách giáo khoa riêng của TP.HCM có gì khác biệt?

Để chuẩn bị áp dụng sách giáo khoa riêng, TP.HCM đã có hơn 2 năm nghiên cứu biên soạn và đã áp dụng thí điểm ở một số trường THCS.

Theo ghi nhận tại một tiết học Toán của học sinh lớp 6, ở chủ đề viết các số tự nhiên, thay vì chỉ có lý thuyết và luyện tập như trước, tài liệu này vận dụng kiến thức lịch sử là Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu vào lúc nào và nhiệm vụ của các em sẽ là đi tìm các số năm đó. Như vậy, trong một bài học, các em vừa nắm vững kiến thức Toán vừa học về Lịch Sử.

Còn tại tiết học môn Lý, cùng học về đo thể tích nước, nhưng sách giáo khoa cũ chỉ có những hình ảnh đơn giản. Sách mới có cả minh họa vòi nước trong nhà, đến nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long. Bài đo khối lượng, sẽ được bắt đầu bằng việc đo cân nặng một con voi.

"Chương trình mới rất dễ ở chỗ phần lý thuyết đã ghi rất đầy đủ trong sách rồi, nên mình không bắt các em ghi lại mà chỉ yêu cầu đọc trong sách, phần thời gian còn lại sẽ cho các em hoạt động nhóm và thực hành nhiều hơn" - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM cho biết.

Tổng hợp