Đó là nhận định chung tại hội nghị giao ban GD-ĐT ba tháng đầu năm 2015 của UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, ngày 9-4. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm cuối nhiệm kỳ 2010-2015, trong đó có việc tổ chức các kỳ thi và tuyển sinh 2015 (TS), Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu đáp ứng đủ chỗ học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HS.

Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. 	Ảnh: Viết Thành

Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Ảnh: Viết Thành


Tuyển sinh lớp 6: Cần sớm có phương án cho trường đặc thù

Báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết công tác TS vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6) năm học 2015-2016 cơ bản ổn định về phương thức và đã sớm công bố cho các nhà trường, phụ huynh. Chủ trương trong TS năm nay là "ba tăng, ba giảm" nhằm tăng cường các điều kiện nâng cao chất lượng dạy học, giảm quy mô HS/lớp và giảm số HS trái tuyến. Phương thức TS được quy định thống nhất là xét tuyển, thời gian TS từ ngày 1 đến 15-7-2015, các nhà trường tuyệt đối không được TS trước thời gian này. Theo chỉ tiêu đã được UBND thành phố phê duyệt, số lượng dự kiến tuyển vào mầm non là gần 600 nghìn trẻ; vào lớp 1 là 135 nghìn HS và lớp 6 là 102 nghìn HS.

Trước quy định của Bộ GD-ĐT về việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6, trong khi thực tế tại Hà Nội có một số trường có số lượng HS đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu TS, ý kiến của nhiều quận, huyện đề nghị thành phố sớm có hướng dẫn, quy định cụ thể và công bố công khai, minh bạch. Đây vừa là căn cứ để cơ sở triển khai, vừa tránh được áp lực đối với HS và phụ huynh.

Theo chỉ đạo của Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, công tác TS đầu cấp thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã. Đơn vị nào để xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo thành phố. Ngay từ thời điểm này, các đơn vị phải chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… bảo đảm đáp ứng chỗ học cho tất cả HS có nhu cầu trên địa bàn. Riêng về việc TS lớp 6 tại những trường đặc thù, Sở GD-ĐT nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai thống nhất trên toàn thành phố, bảo đảm đúng quy định của Bộ GD-ĐT.

Tổ chức thi THPT quốc gia: Bảo đảm chu đáo, nghiêm túc

Trong kỳ thi THPT quốc gia, Hà Nội có 8 cụm thi do trường ĐH chủ trì và 1 cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì. Số lượng thí sinh (TS) là hơn 200 nghìn em, gồm HS của Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Bắc Ninh. Theo thống kê sơ bộ, Hà Nội có hơn 13 nghìn TS có nguyện vọng dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Hơn 3.600 TS trong số này sẽ được ghép vào các điểm thi do các trường ĐH chủ trì, bởi trường của các TS này ở gần điểm thi của các trường ĐH. Số TS còn lại sẽ dự thi tại hơn 20 điểm thi thuộc cụm thi do Sở GD-ĐT chủ trì, chủ yếu nằm tại các huyện. Phương án này nhằm giảm bớt tốn kém trong khâu tổ chức thi, tạo thuận lợi cho TS ở các địa bàn xa trung tâm. Số lượng TS và các điểm thi chính xác sẽ được công bố sau ngày 30-4, thời điểm TS hoàn thành việc đăng ký dự thi.

Báo cáo của Sở GD-ĐT cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên để tham gia phục vụ kỳ thi. Vấn đề nhận được sự quan tâm của các quận, huyện, thị xã tại hội nghị là trách nhiệm cụ thể của chính quyền địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia như thế nào? Liệu có thể phục vụ chỗ ăn, chỗ ở cho số lượng lớn TS các tỉnh về dự thi tại Hà Nội trong 4 ngày thi hay không? Vấn đề kinh phí phục vụ thi ra sao cũng là nội dung được đề cập, bởi chưa có hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính. Riêng về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi, hầu hết quận, huyện đều thống nhất với ý kiến quận Hoàng Mai, đề nghị UBND thành phố ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thi các quận, huyện. Bởi nếu như mọi năm, các quận, huyện khó có thể triệu tập các trường THPT và trường ĐH để cùng phối hợp tổ chức thi, trong khi các cụm thi trên địa bàn hầu hết do các trường ĐH chủ trì.

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của kỳ thi "hai trong một" lần đầu tiên tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: Tâm lý của TS sẽ khá căng thẳng, bởi vậy việc tổ chức kỳ thi phải được chuẩn bị chu đáo, an toàn, nghiêm túc và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho TS. Chính quyền địa phương có thể thông báo, hướng dẫn cho phụ huynh, HS những địa điểm ở trọ, ăn uống an toàn, giá rẻ để phục vụ TS về Hà Nội dự thi. Yêu cầu Sở GD-ĐT sớm cụ thể hóa các điểm mới của kỳ thi, lưu ý những đặc điểm riêng của Hà Nội để phổ biến rộng rãi cho các nhà trường, phụ huynh HS với yêu cầu làm tốt hơn ở các khâu chứ không chỉ rập khuôn theo quy định; tham mưu thành phố về vai trò của UBND các cấp trong kỳ thi này, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị bằng văn bản, chậm nhất vào đầu tháng 5.

Tuần tới, bàn xây dựng phương thức chung trong tuyển sinh lớp 6

Ngoài căn cứ xét tuyển hồ sơ, Sở GD-ĐT đang nghiên cứu phương án tổ chức khảo sát đánh giá năng lực HS để áp dụng trong công tác tuyển sinh lớp 6 tại những trường có quá đông HS có nhu cầu học. Tuần tới, Sở sẽ họp với các phòng GD-ĐT và một số trường THCS để nghe đề xuất của các đơn vị, từ đó bàn để xây dựng phương thức chung trong việc tuyển sinh lớp 6.

Theo Hà Nội Mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Tuyen-sinh/748574/to-chuc-thi-tuyen-sinh-nam-hoc-2015-ha-noi-tao-nhung-dieu-kien-toi-da

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, tra điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia