Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa lưu ý trước kỳ thi quốc gia 2015
Bộ GD ĐT đã ban hành các quy chế chính thức bao gồm Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển ĐH- CĐ hệ chính quy. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM lưu ý với các thí sinh những nội dung chính như sau:
1. Về công tác tổ chức thi: Sẽ có hai cụm thi: Cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì và cụm thi tại địa phương do Sở GD – ĐT chủ trì. Cụm thi liên tỉnh dành cho các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT, sau đó dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ. Cụm thi tỉnh chỉ dành cho các thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT. Năm nay, thời gian hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia là 30-4-2015.
2. Đề thi và công tác chấm thi: Quy chế đã thống nhất sử dụng thang điểm 10 chứ không sử dụng thang điểm 20 như dự thảo. Và trong quy chế cũng quy định rất cụ thể là HS được mang Atlat Địa lý vào phòng thi.
3. Việc xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ:
Đây là điểm thay đổi lớn nhất so với các năm trước đây. Việc xét tuyển thoáng hơn so với các quy chế trước đây. Cụ thể, sau khi có kết quả thi, thí sinh có đăng ký mới xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ. Thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đó, có một giấy chứng nhận dùng để xét tuyển NV1 và 3 giấy chứng nhận dùng để xét tuyển NV bổ sung.
Trong thời gian quy định, TS sẽ dùng giấy chứng nhận kết quả thi dành cho đăng ký kết quả NV1 để nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ. Như vậy, việc đăng ký xét tuyển NV1 hết sức quan trọng đối với thí sinh. Vì mỗi thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển NV1 vào một trường ĐH – CĐ kèm theo đó là 4 NV nhỏ cùng trường đó ở 4 ngành khác nhau.
Điều đặc biệt ở đây là chỉ TS nào không trúng tuyển NV1 mới tiếp tục dùng giấy chứng nhận kết quả thi khác để đăng ký nguyện vọng bổ sung. Vì vậy, TS phải hết sức thận trọng và cân nhắc khi đăng ký xét tuyển theo NV1. Việc đăng ký xét tuyển NV1 tương đương với việc các em làm hồ sơ đăng ký dự thi các trường ĐH – CĐ trước đây. Trước đây các em phải đăng ký cụ thể vào một trường ĐH – CĐ để dự thi. Nay, các em chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi chung để xét tuyển nhưng các em chỉ được đăng ký một NV1 vào 1 trường ĐH – CĐ.
Tuy nhiên, so với dự thảo ban đầu, quy định xét tuyển NV bổ sung đã thoáng hơn, tạo cơ hội nhiều hơn cho TS vì TS có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi để nộp HS xét tuyển. Như vậy, trên thực tế, các em có đến 12 nguyện vọng vào các trường trong các đợt xét tuyển khác nhau. Thời gian xét tuyển vào các trường ĐH – CĐ sau khi xét tuyển NV1 xong thì kéo dài đến ngày 30-10 cho các trường ĐH và ngày 15-11 cho các trường Cao đẳng.
Theo Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015, ngoài các đối tượng tuyển thẳng vào ĐH, CĐ như năm trước, năm nay có thêm:TS có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo quy định của Chính phủ và TS 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam bộ. Những TS này phải học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức. Người có bằng trung cấp loại giỏi trở lên và người có bằng trung cấp loại khá có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo (nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ), được tuyển thẳng vào cùng chuyên ngành trình độ CĐ. Người có bằng tốt nghiệp trung cấp đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, (nếu chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ) được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đoạt giải. |
Theo Báo Pháp Luật TPHCM, tin gốc: http://phapluattp.vn/giao-duc/tien-si-nguyen-duc-nghia-luu-y-truoc-ky-thi-quoc-gia-2015-534080.html