Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay được xem là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành giáo dục đang có những chuyển biến đáng kể trong chất lượng dạy và học.

Tỷ lệ tốt nghiệp giảm

Bộ GD-ĐT vừa công bố  tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của hệ THPT là 97,52%, giảm 1,45% so với năm 2012. Hệ bổ túc THPT đỗ tốt nghiệp đạt 78,08%, giảm 7,39% so với năm 2012.

Với tỷ lệ đỗ này, hệ THPT có hơn 21.000 em trượt tốt nghiệp, trong tổng số hơn 850.000 em dự thi; hệ GDTX có hơn 20.000 em trượt, trong tổng số hơn 91.000 em dự thi.năm nay.

Theo đó, rất ít địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm trước, đa số giảm 2-4% ở hệ THPT và giảm mạnh ở hệ bổ túc THPT, có nơi giảm tới 20% ở hệ bổ túc THPT so với năm 2012, chưa có tỉnh nào công bố tỷ lệ tốt nghiệp 100%.

Chẳng hạn, Quảng Ngãi năm nay có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 97,6%, thấp hơn năm 2012 trên 2%. Sóc Trăng có tỷ lệ đạt 61,66% (giảm 15% so với năm 2012). Đặc biệt, tỉnh này có Trung tâm GDTX huyện Mỹ Xuyên chỉ đạt 18,18% số thí sinh dự thi đỗ tốt nghiệp.

Tỷ lệ giảm "khủng khiếp" nữa là Bắc Kạn. Hệ bổ túc tỉnh này năm nay đỗ 65,6%, giảm gần 30% so với năm 2012. Hệ bổ túc ở Điện Biên đỗ 63,47%, giảm khoảng 20% so với năm 2012. Quảng Trị hệ bổ túc đỗ 70,75%, giảm tới hơn 24% so với năm 2012.

Như vậy, chắc chắn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ phổ thông và Giáo dục thường xuyên của cả nước năm nay thấp hơn năm trước.

Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy ngành giáo dục đang nỗ lực đánh giá đúng hơn nữa chất lượng dạy và học của thầy và trò. Bệnh sính thành tích trong giới lãnh đạo, cán bộ quản lý giáo dục được đánh giá có sự chuyển biến.

>>Hơn 40.000 học sinh trượt tốt nghiệp THPT

Niềm tin vào ngành giáo dục

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, tôi có tham dự Hội nghị về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, trong phần chỉ đạo của Giám đốc Sở GD-ĐT, có đoạn:“ Chúng ta không trông mong tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2013 tỉnh mình đạt 100% làm gì, hãy cố gắng coi thi nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế, lấy việc ngăn ngừa, nhắc nhở thí sinh là chính.”

Ngồi ở dưới, lần đầu tiên, tôi rất tâm đắc với ý chỉ đạo, quán triệt của đồng chí Giám đốc về công tác thi tốt nghiệp năm 2013. Cấp trên có thay đổi, có nhận thức tốt về thi cử thì ắt hẳn ở cấp dưới, khi tổ chức coi thi cũng có những điều chỉnh tích cực.

Thầy Lê Văn Linh, chủ tịch công đoàn, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), làm công tác coi thi năm 2013, cho biết:” Qua quan sát tình hình coi thi của giám thị năm nay, nhìn chung là nghiêm túc hơn hẳn những năm trước, vì thầy cô chúng tôi biết “sợ” từ sự vụ Đồi Ngô năm ngoái. Điều quan trọng hơn cả, chúng tôi rất muốn vấn đề coi thi thật sự nghiêm túc, đồng bộ để hình thành cho các em tính trung thực, nghiêm túc cả trong thi cử lẫn trong học tập. Chúng tôi dễ dãi, thỏa hiệp, thiếu nghiêm túc, có nghĩa chúng tôi tự làm khổ mình, làm hại cho thế hệ học sinh.”

Thành thực mà nói, sau thời gian buông xuôi, dễ dãi, thương cảm, sính thành tích… trong thi cử khiến học sinh lớp 12 chây lười chuyện học. Trước thực tế này, nhiều thầy cô mới ngộ ra nhiều điều, họ thấy chán ngán cách làm cũ và bắt đầu thay đổi.

Đỗ thấp, đỗ cao không thành vấn đề mà quan trọng cái cốt lõi ở đây là qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, làm sao đánh giá, khảo sát được kết quả, chất lượng học tập của học sinh sau một quá trình dạy và học tại nhà trường.

Đây là dịp tốt để học sinh thử sức, tự ý thức rèn luyện, phấn đấu trong quá trình học tập và cũng là thước đo cần thiết để biết về chất lượng hoạt động giáo dục của giáo viên từng nhà trường.

Có luồng ý kiến cho rằng, đỗ tốt nghiệp cao thì cần gì tổ chức thi cho tốn kém công sức, tiền bạc; xét và cấp bằng là xong. Đúng là có đỡ tốn kém hơn. Nhưng mối nguy hiểm, mất mát sẽ lớn hơn rất nhiều nếu như không tổ chức thi, học sinh không học, học lệch hoặc chỉ học mấy môn thi đại học là đủ. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS lớp 9, bảy năm qua, thực tế đang cho thấy hệ lụy tiêu cực đó.

Tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT vẫn là khâu quan trọng. Và việc thi cử có diễn ra trong sạch, tốt đẹp hay không thực chất phụ thuộc gần như tất cả vào người lớn, vào ngành giáo dục.

Tất nhiên, mọi sự thay đổi, chuyển biến phải từ từ, từng bước một. Chúng tôi có niềm tin rằng, ngành giáo dục sẽ làm được điều mà cả xã hội đang chờ đợi trong thời gian đến.

Thông tin mùa thi:

Kênh tuyển sinh: Nguồn tin vtc