>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm sàn đại học 2013, điểm chuẩn đại học
Ngày 31-7, thủ khoa ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến (ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhận được yêu cầu phải thường xuyên có mặt ở nhà để nhận lệnh nhập ngũ.
Sự kiện này đã dấy lên nhiều tranh luận trên báo chí và các trang mạng.
Một luồng ý kiến cho rằng chúng ta không thiếu người nhập ngũ, còn bao nhiêu thanh niên có sức khỏe, trí tuệ, đủ tiêu chuẩn lên đường gia nhập quân đội, sao cứ phải gọi thủ khoa? Theo những ý kiến này, việc nhập ngũ có thể gián đoạn đà học hành của Nguyễn Hữu Tiến. Để Tiến đi học thì sẽ đóng góp được nhiều hơn cho xã hội. Một bác sĩ giỏi sẽ giúp ích được nhiều người, trong khi đó, rất nhiều những thanh niên khác có thể thay Tiến thực hiện nghĩa vụ của một quân nhân bình thường.
Cạnh đó là sự sẻ chia vì Tiến và gia đình khó khăn của mình đã vượt qua rất nhiều trở lực để có kết quả học hành như hôm nay. Trong quan niệm của nhiều người, sự thành đạt bằng học vấn của một người còn là niềm hy vọng, niềm tự hào của cả dòng tộc, xóm làng. Việc gọi Tiến nhập ngũ là đánh đồng Tiến với những thanh niên khác, là làm mất đi niềm tự hào, hy vọng ấy.
Những ý kiến này cho rằng việc gọi Nguyễn Hữu Tiến vào bộ đội có thể làm mất đi động lực học hành của nhiều thanh niên khác.
Tiến trước tiên là một công dân.
Về pháp lý lẫn giá trị xã hội, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là vinh dự, là quyền lợi của công dân, đã được quy định tại Luật Nghĩa vụ quân sự. Hiện chưa có một biệt lệ nào dành cho thủ khoa, á khoa các trường ĐH. Theo Thông tư số 13 của Chính phủ, trường hợp học sinh đỗ thủ khoa ĐH nếu chưa làm xong thủ tục nhập học trước thời gian nhận được lệnh gọi nhập ngũ thì vẫn phải bảo lưu kết quả để tham gia nghĩa vụ quân sự. Việc bảo vệ việc học hành liên tục của một thủ khoa cụ thể, so với việc bảo vệ tính kỷ cương, nghiêm minh của pháp luật, thì việc giữ kỷ cương mang lại lợi ích xã hội lớn hơn.
Thứ hai, việc nhập ngũ không làm mất đi cơ hội học hành và giấc mơ bác sĩ của Tiến. Có thể ngày nhận bằng bác sĩ sẽ chậm lại vài năm nhưng môi trường quân ngũ cũng sẽ “nâng chất” cho bác sĩ tương lai Nguyễn Hữu Tiến rất nhiều về ý chí, sức khỏe, tính kỷ luật, bản lĩnh của một thanh niên và niềm tự hào của một công dân đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Nhìn rộng ra, ngay hoàng tử Anh, người thừa kế ngai vàng của một đất nước vẫn nhập ngũ trong cương vị một phi công trực thăng chiến đấu. Những sinh viên giỏi lẫn những ngôi sao xứ Hàn vẫn phải nhập ngũ.
Gia đình, chính quyền nên động viên và Tiến nên chấp hành việc gia nhập quân đội khi có giấy gọi nhập ngũ. Không nên nhìn việc gia nhập quân đội như việc mất đi cơ hội thành bác sĩ. Đã có ý chí, có kết quả học tập và tư duy tốt, sau khi được quân đội đào luyện và có thêm trong hành trang của mình niềm vinh dự, tự hào của một quân nhân, Nguyễn Hữu Tiến sẽ càng đĩnh đạc, tự hào và có thêm động lực để trở thành bác sĩ giỏi
Theo Đức Hiền, phapluattp