1. Thông tin cần biết về bảo hiểm du học Mỹ
Thật là không dễ dàng gì khi phải sống xa nhà và tự lo cho bản thân nhưng nếu biết cách chuẩn bị đầy đủ kiến thức và tinh thần thì bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều trong vấn đề tự bảo vệ sức khỏe đấy.
Hệ thống sức khỏe tại Mỹ: Ở Mỹ, tiền hỗ trợ cho quỹ chăm sóc sức khỏe khá là thấp nên hầu hết mọi người đều tìm đến các công ty tư nhân. Vì thế, nhiều người không thể xoay xở cho những chi phí sức khỏe, đặc biệt là khi chi phí nằm viện mỗi ngày ở bệnh viện có khi lên tới hàng ngàn đô la. Những bạn có ý định sống, học tập hay du lịch tại Mỹ cần có bảo hiểm sức khỏe để yên tâm về vấn đề từ chụp X quang đến tiêm chủng hay phẫu thuật.
Bảo hiểm sức khỏe thường được chi trả theo tháng với mức phí tương đương với những mức độ mà bạn muốn được bảo hiểm.
Thông tin cần biết về bảo hiểm du học Mỹ
Bảo hiểm sức khỏe: Những du học sinh đi theo diện thị thực F1 không nhất thiết phải có bảo hiểm sức khỏe, tuy nhiên hầu hết các trường Đại học, Cao đẳng đều yêu cầu sinh viên phải đóng bảo hiểm để được phép đăng ký.
Những thông tin này sẽ được thông báo trước khi bắt đầu khóa học và bạn có thể tìm thấy chúng ở website của trường hay tại trang dữ liệu International Student Insurance.
Một khi đã biết được mức bảo hiểm du học Mỹ phù hợp với bản thân, bạn hãy tìm, so sánh chi phí để đưa ra những quyết định được ISO hay InternationalStudent Insurance chỉ định. Ngoài ra, bạn cũng có thể so sánh các gói bảo hiểm sức khỏe khác nhau tại American Visitor Insurance. Điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu được toàn bộ nội dung mà bảo hiểm đó bao gồm để biết được quyền lợi của mình trong các tình huống khẩn cấp. Lưu ý là những bạn đã tham gia điều trị y tế trước khi mua bảo hiểm thường phải trả mức bảo hiểm với chi phí cao hơn.
Một khi đã có bảo hiểm trong tay, bạn nhớ lưu giữ các giấy tờ thật cẩn thận để không chịu cảnh thất lạc phải làm lại từ đầu với các quy trình phức tạp.
Bảo hiểm vật dụng và nhà ở: Có thể bạn sẽ không cần đến bảo hiểm sức khỏe nhưng hãy nghĩ đến việc mua bảo hiểm nhà ở và vật dụng trong nhà, đặc biệt là khi bạn đi du học. Liệu bạn sẽ làm gì khi bị mất cắp điện thoại hay máy tính? Không phải ai cũng có điều kiện để sắm lại toàn bộ những thứ bị mất mát, thất lạc, hư hỏng trong quá trình sử dụng nên đây cũng là một dạng bảo hiểm được nhiều du học sinh lựa chọn.
Nếu bạn sống trong khu ký túc xá thì cũng nên lưu ý các điều khoản trong hợp đồng thuê nhà với trường Đại học. Nhiều trường thường bao gồm bảo hiểm ngay trong phí thuê nhà. Một số công ty bảo hiểm cũng thường cho phép cha mẹ bảo hiểm luôn cho nhà ở và vật dụng của con mình nên đây cũng là một phương án hay (nếu chi phí thấp hơn so với việc đăng ký bảo hiểm riêng).
Cuối cùng, nếu bạn chia nhà với nhiều người bạn khác thì cũng nên tính đến việc mua bảo hiểm riêng để bảo đảm tài sản của mình.
2. Điều khoản mới về bảo hiểm cho du học sinh Mỹ
Một số điều khoản mới về sức khỏe của sinh viên quốc tế vừa được đưa ra tại Mỹ, theo đó những sinh viên quốc tế muốn du học sẽ phải cung cấp một số giấy tờ xác mình về tình trạng sức khỏe cũng như về việc tiêm các loại vắc xin chủng ngừa. Bạn có thể vào trang y tế dành cho sinh viên UI Student Health Service để tìm hiểu thêm về các yêu cầu cũng như các mẫu đơn y tế, thông tin du học mỹ.
Thông thường bạn sẽ được yêu cầu cung cấp một số thông tin chính như:
- Thông tin sức khỏe của sinh viên quốc tế: trong mục này bạn sẽ cung cấp thông tin chung về tình trạng sức khỏe, tiêm chủng ngừa và các thông tin trong bảo hiểm y tế.
- Lược sử về sức khỏe: Bạn cần hoàn thành mẫu đơn này (tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế trong nước) và nộp lại cho UI Student Health Service trước khi bạn đến Mỹ ít nhất một tháng. Mẫu đơn này được dịch trên 9 ngôn ngữ (hiện vẫn chưa có tiếng Việt)
- Lịch sử Tiêm chủng ngừa: Bạn có thể xin những chứng nhận về tiêm chủng ngừa tại các cơ sở y tế, bệnh viên trong nước và nộp lại cho UI Student Health Service ít nhất là một tháng trước khi đến Mỹ.
Chú ý: Sinh viên ghi danh trong các chương trình học về khoa học sức khỏe được yêu cầu phải tiêm một số loại chủng ngừa khác hơn so với các sinh viên thông thường và những loại chủng ngừa này sẽ được thông báo chi tiết tùy theo các khóa học mà bạn theo học.
Tất cả các mẫu đơn bạn nộp điều phải được viết bằng tiếng Anh và nộp cho UI Student Health Service theo số fax 319-335-7247 hoặc email [email protected]. Bạn cũng có thể kiểm tra sức khỏe chung về mắt, nha khoa trước khi bạn đến Mỹ bởi chi phí kiểm tra ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với ở Mỹ. Nếu bạn bị cận bạn nên mang theo cặp kính dự phòng cho trường hợp bị mất hay hỏng.
Tại Hoa Kỳ không có chương trình bảo hiểm quốc gia. Chính vì thế bạn cần có bảo hiểm y tế cho mình trước khi điến Mỹ.
3. Vì sao bạn nên trang bị bảo hiểm y tế cho mình trước khi đi học tập tại Mỹ
Ở các nước phát triển như Mỹ bảo hiểm xe hơi, nhà ở, y tế, nhân thọ gần như bắt buộc để giảm thiểu rủi ro và tiết kiệm chi phí cho người sử dụng. Do đó, đối với những người dù tới Mỹ du lịch/công tác ngắn ngày, hay tới Mỹ du học/ làm việc lâu dài, thậm chí định cư tại đây thì bạn nên tự trang bị bảo hiểm cho chính mình. Nó sẽ là “khiên bảo vệ” giúp bạn thích nghi và chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc sống mới.
Bảo hiểm dành cho người mới sang Mỹ: Nước Mỹ có nền y tế hiện đại nhất thế giới nhưng không có hệ thống y tế quốc gia tức là các công dân, thường trú nhân Mỹ hoặc người sống tại Mỹ bằng các loại visa du học mỹ khác đều tự trả chi phí y tế của mình nếu không có bảo hiểm sức khoẻ. Các cơ sở phòng khám tại Mỹ có chất lượng dịch vụ tốt do đó chi phí của mỗi lần đi khám bệnh bạn có thể phải trả hàng trăm USD, tiền mua thuốc còn đắt hơn. Nếu không may gặp tai nạn hay bị bệnh nghiêm trọng, bạn có thể tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn USD để điều trị. Để khỏi phải tốn kém như vậy, bạn nên mua bảo hiểm sức khoẻ cá nhân khi sinh sống lâu dài tại Mỹ.
Thực tế, những người mới nhập cư sang Mỹ, nếu là người trên 65 tuổi, thanh thiếu niên dưới 21 tuổi hoặc gia đình có con dưới 21 tuổi, thì sẽ được hưởng chương trình y tế Medicaid của chính phủ. Đây là một chương trình bảo hiểm y tế rất tốt, và gần như không có một chi phí đáng kể nào.
Tuy nhiên, khi thu nhập của người mới sang Mỹ lọt vào khoảng thu nhập “hết nghèo nhưng chưa trung lưu”, thì đó là thời điểm sẽ nhìn thấy “mặt trái” của đồng tiền. Chúng ta không còn được hưởng các chương trình bảo hiểm y tế cho người có thu nhập thấp nữa, nhưng lương thì lại không đủ để mua bảo hiểm y tế cho gia đình. Vì vậy để tránh nằm trong vùng lưng chừng tử địa, hãy cố gắng tìm và đi làm cho một công ty nào chịu mua bảo hiểm y tế cho nhân viên và gia đình.
Người có visa J-1 (theo các chương trình giao lưu văn hoá) được yêu cầu phải có bảo hiểm sức khoẻ trong suốt thời gian ở Mỹ. Đối với các loại visa khác (như visa F1 cho sinh viên du học bậc Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ hay visa M cho sinh viên học nghề), Chính phủ Mỹ yêu cầu các trường phải có chính sách bảo hiểm sức khoẻ cho sinh viên. Vì vậy, hầu như trường đại học và cao đẳng nào ở Mỹ cũng yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm sức khoẻ khi nhập học chính quy. Một số trường yêu cầu sinh viên mua bảo hiểm do trường cấp, nhưng hầu hết chấp nhận cho sinh viên tự mua, miễn là mức bảo hiểm đáp ứng yêu cầu của nhà trường.
Nhiều trường đại học và cao đẳng Mỹ cung cấp bảo hiểm sức khoẻ cho sinh viên quốc tế qua các đối tác. Song nhiều khi giá bảo hiểm của trường rất đắt, lên đến trên 1.000 – 2.000 USD/năm.
Sự lựa chọn và đảm bảo tối ưu từ gói bảo hiểm của các công ty độc lập: Các hãng bảo hiểm chuyên phục vụ sinh viên quốc tế thường cung cấp gói bảo hiểm vừa đáp ứng yêu cầu nhà trường, vừa có giá cạnh tranh so với bảo hiểm của trường. Nếu không có những công ty bảo hiểm độc lập thì các trường sẽ trở nên độc quyền, và khi đó sinh viên sẽ ít có sự lựa chọn. Nếu tự mua, bạn có thể được hưởng bảo hiểm với giá hợp lý hơn, có thể tiết kiệm được 100 – 800 USD, tuỳ giá bảo hiểm ở trường, tuổi và tình trạng sức khoẻ.
Lý do bạn nên trang bị bảo hiểm khi tới Mỹ: Chính sách bảo hiểm cho du học sinh Mỹ kéo dài từ năm ngày (thường dành cho những người đi thăm người thân hay dự hội thảo, tập huấn) đến sáu tháng hay một năm, và được gia hạn hàng năm. Giá tính theo ngày và theo tháng, nên bạn có thể trả bảo hiểm hàng tháng nếu muốn.
Đặc biệt, sinh viên có thể mua bảo hiểm ngay từ khi còn ở trong nước. Bạn cần có thẻ tín dụng hoặc một hình thức thanh toán điện tử nào đó. Lợi ích của việc mua trước là bạn bắt đầu được bảo hiểm ngay từ ngày đăng ký và không phải lo nếu có chuyện gì xảy ra khi đang trên đường đến Mỹ.
Lời khuyên khi mua bảo hiểm y tế: Riêng trường hợp gia đình sang sống hoặc thăm người nhà tại Mỹ, nếu mua tại trường thì giá cao và mức bảo hiểm rất thấp. Vậy các bạn nên tìm hiểu các gói bảo hiểm của một số công ty độc lập, vì sự lựa chọn và mức bảo hiểm đa dạng và phù hợp với nhu cầu của gia đình hơn
Để chủ động cho các trường hợp có thể xảy ra với sức khỏe của bạn, hãy nghiên cứu kỹ và tự mua bảo hiểm sức khoẻ, ví dụ đối với các du học sinh:
Tìm hiểu xem trường bạn có cho phép sinh viên tự mua bảo hiểm y tế hay không. Nếu nhà trường cho phép, mức bảo hiểm là bao nhiêu, điều khoản yêu cầu gồm những gì.
Xác định nhu cầu của bản thân về mặt y tế: Bạn có chơi thể thao? Bạn có đi cùng gia đình? Bạn có cần bảo hiểm cho người mang thai? Hiện bạn có bệnh cần điều trị?
Liên hệ với các công ty bảo hiểm để tìm hiểu thông tin về các gói bảo hiểm hiện có. Đọc kỹ các chế độ bảo hiểm, mức bảo hiểm và những gì công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm. Bảo hiểm sức khỏe thường được chi trả theo tháng với mức phí tương đương với những mức độ mà bạn muốn được bảo hiểm. Thông thường sinh viên mua bảo hiểm có những lựa chọn mỗi gói bảo hiểm với đặc thù riêng, nhưng hầu hết bao gồm phí khám sức khoẻ, nằm viện, tiền thuốc, cấp cứu, và phí hồi hương trong trường hợp hiểm nghèo.
So sánh điều khoản, mức bảo hiểm, giá cả và chọn gói phù hợp nhất cho mình. Chẳng hạn một gói công bố mức bảo hiểm tối đa là 250.000 USD nhưng chỉ trả tối đa 1.300 USD một ngày khi nằm viện. Như vậy nếu phí nằm viện mỗi ngày cao hơn mức đó, bạn phải bỏ thêm tiền túi.
4. Cách khám bệnh và các hiệu thuốc tại Mỹ
Cách khám chữa bệnh tại Mỹ: Đối với hầu hết sinh viên quốc tế tại Mỹ, thì Trung Tâm Y Tế Sinh Viên (Student Health Center) là nơi tốt nhất để khám bệnh. Các nhân viên tại đây đều được huấn luyện một cách bài bản, nhằm hỗ trợ và điều trị cho tất cả sinh viên. Trong trường hợp bạn cần khám chuyên khoa, trung tâm sẽ tiến hành kiểm tra những bước đầu cho bạn, và sau đó giới thiệu bạn tới những nơi thích hợp để làm các xét nghiệm.
Ngoài ra, việc khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Sinh viên cũng có nhiều ưu điểm, đặc biệt là về tài chính. Chi phí khám chữa bệnh ở đây rẻ hơn rất nhiều so với các phòng khám ngoài hay bệnh viện. Nhưng điều này không có nghĩa là chất lượng ở đây không tốt. Họ đều là những người có trình độ và được đào tạo bài bản. Thực tế, khi bạn đóng học phí thì trong đó đã bao gồm một khoản dành cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Và thêm một điểm cộng là mức phí của nó không quá cao, vì phần còn lại đã được hỗ trợ bởi những chính sách của nhà trường.
Nếu trường bạn không có một trung tâm y tế nào, bạn có thể xin ý kiến của cố vấn sinh viên quốc tế và đề nghị họ giới thiệu tới bác sĩ. Bạn nên chú ý xem liệu bảo hiểm y tế của bạn có chi trả phần nào khi bạn đi khám bác sỹ ở ngoài không. Vì có một số loại bảo hiểm cho phép bạn khám ở bất kỳ bác sỹ nào.
Hơn nữa, có một điều bạn nên biết, các phòng cấp cứu của bệnh viện là “nơi xa xỉ của túi tiền sinh viên”, và có nhiều chương trình bảo hiểm hạn chế chi trả cho khoản này. Có một lỗi mà sinh viên quốc tế hay mắc phải, họ thường xuyên vào phòng cấp cứu cho dù bị những chấn thương rất nhỏ hay ốm sốt. Hành động này vừa không cần thiết, vừa “tốn tiền”.
Video giới thiệu Khóa học lập kế hoạch du học - Academy.vn
Hiệu thuốc tại Mỹ: Hầu hết các hiệu thuốc tại Mỹ đều lớn. Bên cạnh việc bày bán thuốc, họ còn bán một số đồ khác như báo, tạp chí, tem, kẹo hay kể cả kem đánh răng… Và bạn sẽ không mua được thuốc nếu không có đơn kê thuốc và bắt buộc đó phải là đơn thuốc do chính tay bác sỹ kê cho bạn, không có dấu hiệu của việc sao y.
Thông thường, họ sẽ không đưa thuốc cho bạn ngay, mà họ thường bảo bạn chờ (khoảng 15 – 30 phút) hoặc dặn bạn quay lại sau. Sau đó, họ sẽ ghi lại những thông tin như tên và số liên lạc của hiệu thuốc, tên của bệnh nhân, tên bác sỹ, đơn thuốc và hướng dẫn bạn cách sử dụng thuốc. Qua đó, bạn có thể biết được chi tiết những lợi ích cũng như tác dụng phụ trong quá trình bạn dùng thuốc hoặc những thứ khác mà bạn nên biết. Không chỉ vậy, dược sỹ sẽ thỉnh thoảng sẽ giới thiệu cho bạn một số “nhãn hiệu thuốc quê hương” với tác dụng tương tự mà giá cả lại rẻ hơn. Ngoài ra, họ thường xuyên tư vấn cho bạn những loại thuốc bạn nên dùng để phù hợp với thể trạng của bạn.
Đa số các hiệu thuốc tại Mỹ sẽ mở cửa 24/24 và 07 ngày/tuần. Vì vậy, bạn không nên quá lo lắng khi có vấn đề sức khỏe trong những ngày nghỉ lễ hay trong lúc nửa đêm.
Tuy phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ khá cao và cách thức mua thuốc cũng không dễ dàng như ở Việt Nam, nhưng chắc chắn nếu đang du học ở trời Mỹ xa xôi, một mình bạn sẽ vẫn không phải lo lắng quá mức khi bị ốm hoặc gặp bất kỳ sự cố gì. Hãy lập một kế hoạch rõ ràng và cụ thể để bạn có thể hoàn thành thật tốt chặng đường du học và tận hưởng quãng thời gian đáng nhớ này.
Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các trung tâm dịch vụ tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.