Gần 85.000 học sinh trượt tốt nghiệp

Kỳ thi THPT quốc gia có 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Bộ GD&ĐT thông tin, tỉ lệ tốt nghiệp THPT khối THPT đạt 93,42% (giảm 6% so với năm ngoái), khối giáo dục Thường xuyên (GDTX) đạt 70,08%, bình quân chung  91,58%. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi địa phương do Sở GD&ĐT chủ trì là 84,45% và ở các cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%.

Theo nhận định của Bộ, năm nay đề thi được ra theo hướng mở, chuyển mạnh hướng đánh giá năng lực học sinh và có tính phân hóa cao. Vì thế, tỉ lệ tốt nghiệp THPT có giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Tỉ lệ tốt nghiệp của khối giáo dục THPT cao hơn GDTX, điều này cho thấy chất lượng giáo dục của 2 phương thức có chất lượng khác nhau. Ngoài ra, tỉ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn cụm thi do các Sở chủ trì cũng phản ánh đúng thực tế thí sinh đăng ký thi với hai mục đích có kết quả học tập cao hơn.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: “Điều này còn giải tỏa sự lo lắng về mất công bằng giữa các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do trường đại học chủ trì”.

Đánh giá chung về kết quả thi, Bộ cho rằng, kỳ thi đã đạt được yêu cầu đổi mới, phản ánh đúng chất lượng giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội. Đến thời điểm này không có sai phạm trong công tác chấm thi được phát hiện.

Tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả nước đạt 91,58%

Học sinh THPT “dôt” ngoại ngữ thể hiện khá rõ qua việc có gần 60% thí sinh chỉ đạt 2,5 điểm thi.

Nhiều thí sinh điểm liệt

Theo phổ điểm của Bộ GD&DT, môn Ngoại ngữ có mức điểm khá thấp với tỉ lệ 59,3% thí sinh đạt 2,5 điểm (74.151 thí sinh trong tổng số 80.000 thí sinh dự thi). Đặc biệt, với 12.081 thí sinh (chiếm 7,2%) bị điểm liệt, môn Toán trở thành môn có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất. Môn Hóa học trở thành môn có nhiều thí sinh đạt điểm 10 nhất với 130 thí sinh trên tổng số 25.000 thí sinh dự thi. Tiếp theo là môn Lịch sử có 1.168 thí sinh bị điểm liệt trong tổng số 10.000 thí sinh dự thi (chiếm 11,6%).

Cụ thể, năm nay có 60.000 thí sinh dự thi môn Toán, chỉ có 118 thí sinh đạt điểm 10. Phổ điểm tập trung chủ yếu khoảng 4-7 điểm, trong đó cao nhất là điểm 6,5 (32,9%), thấp nhất là 0,5 điểm với 5.410 thí sinh (chiếm 3,2%).

Môn Ngữ văn có 90.000 thí sinh dự thi thì có 615 thí sinh bị điểm liệt dưới (1 điểm trở xuống), 10 thí sinh đạt điểm 10, điểm 5 đạt tỉ lệ cao nhất với 81.891. Môn Lịch sử, điểm 5 cũng có tỉ lệ thí sinh nhiều nhất với 8.605 thí sinh/10.000 thí sinh dự thi, có 11 thí sinh đạt điểm 10.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, điểm thi đã đánh giá thực chất lượng dạy và học. Đặc biệt là môn Ngoại ngữ chưa đạt yêu cầu và cũng phù hợp với việc đổi mới 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết trong thời gian tới. “Phổ điểm cũng sẽ cho thí sinh biết vị trí của thí sinh đang đứng ở đâu, bao nhiêu thí sinh hơn điểm của mình, bao nhiêu thí sinh bằng điểm của mình, bao nhiêu thí sinh kém điểm của mình để lựa chọn trường phù hợp” - ông Hiển cho biết.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga:Điểm thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao

Phải chờ địa phương xét tốt nghiệp xong mới có kết quả chính thức vì quyền xét tốt nghiệp là của địa phương. Tuy điểm tốt nghiệp thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao vì kỳ thi có tới 40% câu hỏi khó để phân loại thí sinh. Phóng viên báo Tiền Phong trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga.

Nhận xét chung của các nhà tuyển sinh là với phổ điểm như hiện nay, các trường sẽ rất khó tuyển. Ông có chia sẻ gì?

Điểm thi năm nay cao hơn  điểm thi đại học (ĐH) năm ngoái vì có 60% là kiến thức cơ bản. Phổ điểm môn thi vì vậy nhích cao hơn. Tuy nhiên, thí sinh đạt điểm 9-10 ít hơn năm trước. Vì vậy điểm của thí sinh có đủ phân khúc cho các trường từ cao đến thấp và các trường thuận lợi  hơn trong công tác tuyển sinh.

Như vậy có phải 3 điểm cũng tốt nghiệp được như đã giải thích trước đây?

Bây giờ khó nói về điều này vì  thí sinh bị điểm liệt (1 điểm) sẽ trượt tốt nghiệp. Điểm thi còn cộng với điểm học trung bình ở phổ thông mới tính điểm tốt nghiệp nên còn phụ thuộc vào kết quả học phổ thông của thí sinh. Hội đồng xét tốt nghiệp ở địa phương mới quyết định được điều này.

Phải chờ địa phương xét tốt nghiệp xong mới có kết quả chính thức vì quyền xét tốt nghiệp là của địa phương. Tuy điểm tốt nghiệp thấp nhưng chất lượng thí sinh vẫn cao vì kỳ thi có tới 40% câu hỏi khó để phân loại thí sinh.

Thí sinh cho rằng mình đang được biết điểm và xét tuyển một cách tù mù vì chỉ biết điểm của mình mà không biết gì về điểm các thí sinh khác?

Thí sinh không nên bận tâm việc không biết được điểm của thí sinh khác nhưng thí sinh sẽ biết được bao nhiêu bạn trên điểm mình khi thông tin được công bố. Việc cần biết là phán đoán được trường nào ngành nào mình cần nộp cho phù hợp - thí sinh chỉ cần biết trên mình có bao nhiêu người cao điểm hơn ở trên mình.

Có rất ít trường ĐH như Bách khoa HN cho thí sinh đăng ký và thay đổi nguyện vọng trên mạng. Hầu hết các trường yêu cầu thí sinh xem thông tin và đến trường rút hồ sơ trực tiếp. Thí sinh ở Hà Nội có thể 3 ngày đến trường một lần, thí sinh tỉnh ngoài sao làm được?

Các thí sinh chỉ có 1 giấy chứng nhận kết quả tốt nghiệp số 1, nếu không đến rút trực tiếp tại trường ĐH, CĐ thì không thể nộp vào trường khác được. Bộ GD&ĐT đã tạo thuận lợi rất nhiều cho thí sinh và các em phải chấp nhận vài  khó khăn nào đo.

Để tránh rủi ro trượt ĐH và vất vả do rút ra nộp vào liên tục trong 20 ngày của một đợt xét tuyển, ông có lời khuyên hữu ích nào cho thí sinh?

Các em cần phải nghiên cứu kỹ khi chọn nguyện vọng. Cần phán đoán những năm trước trường tuyển ở khoảng điểm nào, năm nay trường công bố ngưỡng nào, cân nhắc điểm thi của mình có phù hợp không, mình có khả năng trúng tuyển không… Nếu lỡ nộp vào trường vượt quá khả năng của mình thì thí sinh phải theo dõi thông tin để kịp thời rút ra nộp trường khác. Nay xét tuyển, nếu không nắm được thông tin, thí sinh sẽ rất thiệt thòi, sẽ không biết được thông tin để phán đoán mình có khả năng đậu hay rớt mà kịp thời rút hồ sơ xét tuyển để nộp sang trường khác.

Cảm ơn ông.

 

Các trường “chia lửa” công bố điểm thi tốt nghiệp 2015

Ngày 23/7, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, ông Đỗ Văn Xê, đề nghị Bộ GD&ĐT sửa nội dung logo công bố điểm thi vùng ĐBSCL để thể hiện rõ phần mềm đang được vận hành trên máy chủ của Trường ĐH Cần Thơ. Ông Xê đề nghị Bộ GD&ĐT đưa thêm vào dưới dòng chữ “Bản quyền thuộc về Bộ GD&ĐT” một dòng chữ: “Hệ thống này đang vận hành trên máy chủ của Trường ĐH Cần Thơ”, để người sử dụng không nhầm là hệ thống vận hành trên mạng của Bộ GD&ĐT hoặc của Viettel. “Làm như vậy ngoài việc thể hiện sự minh bạch, công bằng còn giúp Bộ tránh được tai tiếng nếu có trục trặc xảy ra”, ông Xê nói

Các địa phương xử lý phúc khảo

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Nguyện, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT năm nay khoảng hơn 90%. Tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh không có gì biến đổi so với mọi năm. “Gần 10% trượt tốt nghiệp rơi vào những em bị điểm liệt. Với những trường hợp này, các em có thể ôn tập để sang năm thi lại hoặc đi học nghề ngay nếu muốn”, ông Nguyện cho biết.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương, với hơn 8.000 thí sinh đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp năm nay đạt tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 96,92%, thấp hơn năm 2014 chưa đến 3%. Ông Đồng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh thông tin, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh 85,89% thấp hơn không nhiều so với những năm trước. Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thí sinh của đơn vị này bị trượt tốt nghiệp cao là do có tới 19% thí sinh bị điểm liệt. Ông Lập thông tin, đa số thí sinh bị liệt điểm môn Toán.

Bắt đầu nhận đơn phúc khảo của thí sinh

Ghi nhận, tại Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM cuối giờ chiều ngày 23/7 có khoảng 100 thí sinh, phụ huynh đến tìm hiểu thông tin và nộp đơn phúc khảo.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT, thí sinh nộp hồ sơ ở đâu thì đến nơi đó nộp đơn phúc khảo. “Ví dụ, học sinh lớp 12 nộp tại trường THPT thì nộp đơn phúc khảo tại trường THPT, thí sinh tự do thi tại Cụm thi TPHCM thì nộp đơn phúc khảo tại Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM”, ông Cường nói.

Thời gian nộp đơn phúc khảo bắt đầu từ ngày 23/7 đến hết ngày 1/8. Lệ phí phúc khảo là 30.000 đồng/môn. Sau ngày 15/8 sẽ có kết quả phúc khảo.

Cũng theo ông Cường, sau ngày 27/7 thí sinh tự do nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT tại TPHCM đến đơn vị này để nhận Giấy chứng nhận kết quả điểm thi THPT Quốc gia. Khi đi, thí sinh cần mang theo phiếu số 2 hoặc thẻ dự thi (thí sinh nhờ người thân đến nhận cũng phải có 1 trong 2 loại giấy tờ này) để nhận giấy chứng nhận kết quả.

Theo đó, điểm trúng tuyển vào trường vẫn căn cứ vào kết quả 3 năm học THPT theo tổ hợp 3 môn thuộc các khối thi truyền thống (chiếm tỷ trọng 20%) và kết quả thi THPT Quốc gia do các trường đại học chủ trì (chiếm tỷ trọng 80%)

Theo:

  • Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/tot-nghiep-thpt-quoc-gia-truot-nhieu-hon-moi-nam-887666.tpo
  • Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/diem-thap-nhung-chat-luong-thi-sinh-van-cao-887669.tpo

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học 2015