Ngay sau khi công bố các môn thi, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2011 gửi các Sở GD-ĐT. Nhằm giúp HS chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng, tâm lý… cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ GD Trung học, Bộ GD-ĐT.  

PV: 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011 đã được công bố. Liệu có xảy ra tình trạng chỉ tập trung học các môn thi tốt nghiệp, cắt xén chương trình của những môn học còn lại không, thưa ông?


Thi tốt nghiệp THPT cần chuẩn bị tốt kỹ năng làm bài - Ảnh 1

TS. Vũ Đình Chuẩn: Trong công văn hướng dẫn tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2011 gửi các Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 THPT theo đúng kế hoạch của các Sở GD-ĐT, phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2010-2011 của Bộ GD-ĐT.

Bộ cũng đặc biệt lưu ý các trường không được cắt xén chương trình đã qui định.


PV: Năm nào cũng vậy, trước mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, tình trạng học tủ, học lệch luôn tồn tại trong một bộ phận HS. Bộ GD-ĐT đã có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

TS Vũ Đình Chuẩn: Trong việc tổ chức dạy học, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo rất rõ: Các nhà trường phải dạy học đầy đủ tất cả các môn trong Chương trình giáo dục cấp THPT nhằm đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện. Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và THPT của Bộ GD-ĐT cũng không có kẽ hở cho việc học tủ, học lệch.

Bên cạnh đó, trong việc tổ chức dạy học cũng như trong ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ luôn chỉ đạo các Sở GD-ĐT hướng dẫn GV dạy học theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Riêng với các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, GV cần phải hướng dẫn HS ôn tập đầy đủ, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chú trọng việc giúp HS thông hiểu và vận dụng kiến thức. Cần lưu ý rằng, nếu chọn cách học tủ, học lệch thì kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT của HS sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may rủi. Điều này cũng tạo cho HS tâm lý lo lắng, không yên tâm khi ôn tập cũng như làm bài thi, bởi không có nền tảng kiến thức vững vàng.


PV: Thực tế, nhiều HS, CMHS và ngay cả một số GV cũng chưa thực sự cảm thấy yên tâm khi tiến hành ôn tập thi tốt nghiệp THPT chỉ dựa vào sách giáo khoa. Theo ông, việc sử dụng sách tham khảo trong ôn thi tốt nghiệp THPT có cần thiết không?  

TS Vũ Đình Chuẩn: Như đã nói ở trên, trong quá trình dạy và học cũng như ôn tập, chủ trương chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là GV và HS dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT. Bên cạnh đó, Bộ không có giới hạn chương trình ôn tập mà nói rõ, nội dung đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12.

Như vậy, khi HS đã học đầy đủ chương trình theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học, thì theo tôi, tài liệu để ôn thi tốt nghiệp THPT tốt nhất vẫn là sách giáo khoa, kết hợp sử dụng sách bài tập theo qui định của Bộ GD-ĐT và vở ghi của HS. Ngoài sách giáo khoa, GV và HS có thể sử dụng các tài liệu tham khảo phù hợp với khả năng nhận thức của từng đối tượng HS, tuy nhiên, việc tham khảo này cần được cân nhắc thật cẩn thận.

Điều quan trọng nhất là, GV cần phải hướng dẫn HS cách thức sử dụng sách giáo khoa để học tập thế nào cho phù hợp, để có thể thông hiểu và biết vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức trong sách giáo khoa khi làm bài thi.  


PV: Trong hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, một trong những nội dung được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là trong việc tổ chức ôn tập, cần hướng dẫn HS vận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp. Việc làm này có ý nghĩa như thế nào đối với kết quả ôn thi của HS, thưa ông?

TS Vũ Đình Chuẩn: Vận dụng kết hợp các phương pháp ôn tập phù hợp là rất cần thiết để giúp HS có thể đạt được hiệu quả cao nhất trong việc ôn tập. Bộ GD-ĐT lưu ý các nhà trường và GV cần kết hợp hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và ôn tập chung cả lớp. Kết hợp nhiều phương thức ôn tập như vậy không những có tác dụng giúp HS tự kiểm tra đánh giá được kết quả ôn tập của mình, mà còn nhận được sự kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và kiểm tra, đánh giá chung của toàn lớp, toàn trường. Từ đó, HS sẽ phát hiện được những phần kiến thức còn thiếu hụt để có điều chỉnh hợp lý, kịp thời; đồng thời, HS cũng có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hay.

Bên cạnh đó, GV chủ nhiệm lớp cần phối hợp với GV dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm HS lớp mình theo khả năng nhận thức; tập trung ôn tập nhiều hơn cho những HS học lực yếu; cử GV có khả năng và kinh nghiệm và vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những HS này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Ngoài ra, các trường THPT và GV chủ nhiệm, GV bộ môn phải thống nhất với HS và cha mẹ HS để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, có hiệu quả nhất, nhưng không quá tải..


PV: Ông có lưu ý gì đối với các Sở GD-ĐT, các trường THPT và với mỗi GV trong việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp THPT cho HS?

TS Vũ Đình Chuẩn: Để giúp HS có kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, về phía các Sở GD-ĐT, cần sớm triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011; trong đó chú trọng rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn tập cho HS ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010; chỉ đạo các trường THPT triển khai thực hiện các giải pháp phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS nhằm tổ chức tốt việc ôn tập cho HS lớp 12, nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011.

Về phía các trường THPT, cần chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV dạy môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập; biên soạn hệ thống câu hỏi và bài tập phù hợp; có hướng dẫn, gợi ý trả lời. Bên cạnh việc ôn tập trong quá trình dạy học, thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của Bộ, nhà trường và GV cần tổ chức tốt việc ôn tập cho HS theo từng chủ đề: nội dung trong mỗi chủ đề có thể bao gồm kiến thức, kỹ năng của các chương, bài khác nhau; đồng thời ôn tập tổng hợp kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12: nội dung tổng hợp của tất cả các chủ đề đã được ôn tập.

Bên cạnh đó, GV bộ môn cần chú trọng hướng dẫn HS biết cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi; chuẩn bị cho các em tâm lý tự tin trước khi bước vào kỳ thi.

Một vấn đề cũng rất quan trọng là các nhà trường, GV chủ nhiệm, GV bộ môn cần hết sức chú trọng khâu thu nhận thông tin phản hồi về những thuận lợi, khó khăn và kết quả ôn tập của từng HS, từng lớp, từ đó có sự điều chỉnh hợp lý trong việc chỉ đạo và tổ chức ôn tập cho HS, nhằm nâng cao hiệu quả của việc ôn tập.


PV: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, theo ông, HS cần trang bị cho mình “hành trang” như thế nào?

TS Vũ Đình Chuẩn: Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, HS cần chuẩn bị thật tốt về kiến thức, kỹ năng và tâm lý. Ngoài việc nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và biết vận dụng những kiến thức đó khi làm bài thi, các em HS cần chuẩn bị một số kỹ năng quan trọng như: Biết tổng hợp kiến thức của các phần, các chương và của toàn bộ chương trình THPT đặc biệt là chương trình lớp 12; biết tự tổ chức thảo luận theo nhóm, trao đổi, tranh luận để hiểu sâu hơn về kiến thức, tự trau dồi kiến thức một cách chủ động; có các kĩ năng phân tích để hiểu đề thi, trình bày bài thi.

Một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua đối với mỗi HS trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT là các em cần nắm được quy chế thi và thực hiện đúng quy chế để tránh những điều sơ xuất hoặc vi phạm trong khi thi, ảnh hưởng đến kết quả thi.

Bên cạnh đó, các em cần tự tin vào kiến thức của mình, chuẩn bị tâm thế chủ động, vững vàng khi bước vào kỳ thi bởi yếu tố tâm lý đóng một vai trò không nhỏ trong kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT nói riêng và các kỳ thi quan trọng nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông!