Chọn nội dung ưu tiên
Đề thi môn toán năm trước có toàn bộ các nội dung chương trình giáo dục lớp 12. Các nội dung thuộc chương trình lớp 10 và 11 như giải tích tổ hợp, lượng giác cũng xuất hiện. Bài toán lượng giác không chỉ cho giải phương trình mà có thể cho cả phần tính toán, rút gọn một biểu thức. Bài toán khảo sát hàm số trong các đề thi tuyển sinh trước đây phần yêu cầu vẽ đồ thị và bài toán liên quan thường được đặt ra với cùng một hàm số, nay chia thành 2 câu, trong đó hàm số ở câu 2 có thể không phải là hàm số đã được yêu cầu vẽ đồ thị ở câu 1.
Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 thường dễ hoặc trung bình như số phức, phương trình, bất phương trình mũ, log, khảo sát và vẽ đồ thị hàm số. Câu hỏi có độ khó trung bình liên quan đến việc tính thể tích hình chóp hoặc hình lăng trụ, bài toán liên quan đến khảo sát hàm số… Câu hỏi hơi khó liên quan đến bài toán khoảng cách trong hình học không gian. Câu hỏi khó liên quan đến việc giải hệ phương trình hoặc giải phương trình, bất phương trình chứa căn, bài toán hình học phẳng. Câu hỏi rất khó là bài toán tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của một biểu thức hoặc chứng minh một bất đẳng thức.
Căn cứ vào nội dung và độ khó của từng dạng toán đã nêu ở trên và tùy theo năng lực của bản thân, học sinh (HS) cần chọn cho mình các nội dung cần được ưu tiên dành nhiều thời gian để ôn tập và rèn luyện. HS có sức học từ trung bình trở xuống nên cố gắng tập khảo sát và vẽ đồ thị thật hoàn hảo 3 dạng hàm số: bậc ba, trùng phương và nhất biến. Rèn luyện việc tính toán số phức và việc giải phương trình mũ, log (khi giải cần chú ý đặt đầy đủ các điều kiện), tập tính tích phân bằng phương pháp đổi biến và từng phần với những bài đơn giản, ôn cách vẽ các dạng hình chóp và cách tính thể tích một khối chóp, luyện một số dạng toán cơ bản thuộc môn hình học giải tích trong không gian. HS trung bình khá nên dành thời gian ôn lại lượng giác và giải tích tổ hợp của lớp 11. HS khá luyện thêm cách tính các loại khoảng cách trong bài toán hình học không gian (nếu việc giải bằng phương pháp sơ cấp quá khó thì có thể gắn hệ trục tọa độ vào để giải). HS khá giỏi phải nắm vững các cách giải một hệ phương trình có dạng thường hoặc dạng đặc biệt, cách giải một phương trình, bất phương trình chứa căn, bài toán hình học phẳng. Chỉ HS thật sự xuất sắc mới nên dành nhiều thời gian cho việc giải bài toán bất đẳng thức.
Thạc sĩ Hoàng Hữu Vinh (Trường CĐ Kinh tế TP.HCM)
Nắm chắc công cụ tiếng Việt
Phần đọc hiểu trong môn văn đòi hỏi thí sinh phải nắm cho chắc những công cụ tiếng Việt để soi chiếu nhận dạng câu hỏi. Những công cụ đó là: phong cách ngôn ngữ tiếng Việt; các phương thức biểu đạt trong tiếng Việt; các biện pháp tu từ từ vựng, tu từ cú pháp… Phần làm văn, với nghị luận xã hội, điều quan trọng là phải lập được dàn ý rõ ràng các khái niệm, luận điểm, luận cứ. Phải biết đưa ra vài luận điểm phản đề (mặt trái của vấn đề) để có cái nhìn đa chiều. Khi dẫn chứng nhất thiết phải lấy từ con người lịch sử, con người xã hội cụ thể, nhưng tránh liệt kê, mà phải mô tả việc làm, phẩm chất của họ phù hợp với yêu cầu của đề. Với văn nghị luận văn học, thông thường về văn bản phần lớn đề thi lấy dữ liệu ở chương trình lớp 12, nhưng không loại trừ có cả tác phẩm của chương trình lớp 11. Vì vậy khi ôn tập, HS cũng cần lưu ý để xem lại. Hai chủ đề thường gặp trong đề thi là yêu nước anh hùng và hiện thực nhân đạo, cảm hứng thế sự…
Nguyễn Đức Hùng (Trung tâm bồi dưỡng văn hóa luyện thi Vĩnh Viễn, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Chuẩn bị kỹ năng viết luận môn ngoại ngữ
HS nên ôn từ vựng theo chủ đề từng bài trong sách giáo khoa, bên cạnh đó là hệ thống ngữ pháp theo từng chuyên đề từ thấp đến nâng cao. Chú ý các phần chuyển đổi câu, viết tiếp câu (phần này mấy năm qua cấu trúc đề thường bỏ qua).
Trên đây chỉ là gợi ý chủ đề trọng tâm, dĩ nhiên trong mỗi chủ đề cần phải hệ thống kỹ các mối liên quan giữa các chuyên đề. Ví dụ với phần câu bị động và câu gián tiếp phải ôn kỹ phần thì và verb forms… Ngoài ra, phải ôn các cấu trúc có trong chương trình lớp 11 và lớp 10. Phần đọc hiểu, HS cố gắng nắm lại các kỹ năng và phương pháp làm bài như tìm ý chính, các dạng câu hỏi hay ra trong bài... Sau mỗi chủ đề, tranh thủ đọc thêm những bài đọc có đề tài liên quan.
Phần viết, ôn tập những bài tập chuyển đổi và viết câu nối tiếp. Riêng phần viết luận, ngoài chuẩn bị kỹ năng viết luận như cách làm dàn bài (outline) thì tốt nhất là chuẩn bị trước dàn bài mẫu các chủ đề trong sách giáo khoa.
Phạm Tấn Hoàng (Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Bích Thanh
(tổng hợp)
Theo http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-chien-thuat-on-thi-theo-suc-hoc-669122.html