Tư vấn tuyển sinh 2013 tại Vũng Tàu và Đồng Nai

Không chỉ quan tâm đến việc lựa chọn ngành nghề, khối thi, trường thi, rất nhiều thí sinh băn khoăn việc làm hồ sơ đăng ký dự thi sao cho chính xác. Đây là bước quan trọng vì nếu sơ sót, thí sinh có thể mất cơ hội vào học trường đúng ý nguyện

Năm nay, hồ sơ đăng ký dự thi có một số điều chỉnh. Vì thế, nhiều HS thắc mắc về cách điền hồ sơ theo mẫu mới.

Việc xét tuyển như thế nào sau khi có kết quả thi tuyển cũng được HS đặc biệt quan tâm. HS Trần Văn Tuân (Trường THPT Vũng Tàu) hỏi: “Nếu em thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM không trúng tuyển, có được xét cùng lúc vào các trường khác hay không?”. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Trong trường hợp rớt nguyện vọng 1, trường sẽ cấp cho thí sinh 3 phiếu báo điểm để xét các nguyện vọng bổ sung. Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, năm nay các em phải nộp phiếu báo điểm bản chính, không được dùng bản sao nên em sẽ có 3 cơ hội xét tuyển vào các trường cùng khối thi và còn chỉ tiêu”.

>> Cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi thi đại học - cao đẳng 2013

Tại Trường THPT Nguyễn Du, sau khi nghe tư vấn chung về quy chế, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM đã bị HS trong lớp… giữ lại, không cho ra khỏi lớp vì còn quá nhiều thắc mắc mong được giải đáp, như số lượng hồ sơ được nộp, thời gian và cách thức xét tuyển… Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho biết: “Các em nộp bao nhiêu bộ hồ sơ đều được, tuy nhiên năm nay có khả năng lệ phí hồ sơ tăng lên 100.000 đồng/bộ, cho nên hãy tham khảo ý kiến bố mẹ và suy nghĩ kỹ quyết định thi vào trường nào, ngành nào. Thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung là từ ngày 20.8 đến 31.10, tuy nhiên cũng có trường kết thúc sớm hơn”.

Ngành nghề nào đang cấn nhiều nhân lực

Hiện nay phần lớn phụ huynh và HS đều quan niệm học các ngành kinh tế sẽ kiếm được nhiều tiền và có cơ hội phát triển nghề nghiệp cao hơn so với các ngành khác. Đó là lý do những năm qua, thí sinh dự thi khối ngành này rất đông dẫn đến hệ quả cung vượt quá nhu cầu thực tế.

Bên cạnh đó, không ít HS khá quan tâm tới các ngành mang tính đặc thù. Chẳng hạn HS Thúy Hằng, Trường THPT Bùi Thị Xuân mong muốn học ngành nào liên quan đến dự báo thời tiết để thường xuyên được tiếp xúc với gió, mây, mưa, nắng... Thạc sĩ Lê Văn Phùng, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Nếu em thích làm cô gái dự báo thời tiết, có thể đăng ký ngành khí tượng -  thủy văn. Hiện nay Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM có đào tạo ngành này. Khi tốt nghiệp, em có thể về làm việc tại trung tâm dự báo khí tượng thủy văn của tỉnh”.


Một số thí sinh băn khoăn học ở các trường ĐH địa phương cơ hội việc làm không cao như những trường ở thành phố lớn, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng khi thí sinh học ở Trường ĐH Phú Yên thì cơ hội việc làm không chỉ giới hạn ở Phú Yên mà còn ở các tỉnh miền Trung. “Nếu có đam mê học tập tốt thì cơ hội việc làm của các em không ít. Hiện Phú Yên chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu, hầm đường bộ đèo Cả... nên cần nhiều nhân lực ngành xây dựng” - ông Cường tư vấn.

Thí sinh miền Trung quan tâm thế nào về ngành nghề tương lai

Bạn Đào Tấn Danh - học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong - thắc mắc: “Em rất quan tâm và mong muốn được theo ngành kỹ thuật xây dựng, nhưng nhiều ý kiến cho rằng sau bốn năm nữa cơ hội việc làm của ngành này sẽ rất khó khăn...”. TS Nguyễn Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng miền Trung - cho rằng để VN cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đòi hỏi việc xây dựng cơ bản ở tất cả các lĩnh vực kinh tế là cấp thiết. “Đó là hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp, các khu đô thị trên khắp đất nước. Xây dựng cơ bản bao giờ cũng phải đi trước phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng đều rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển này” - ông Cường chia sẻ.

Theo: báo Thanh Niên - Tuổi Trẻ