Giáo dục, đáp án đề thi đại học, điểm thi đại học 2013, điểm chuẩn đại học
Số thí sinh bị xử lý kỷ luật thi tăng so với năm 2012 đang khiến dư luận băn khoăn về giải pháp chống gian lận, tiêu cực của Bộ GD-ĐT.
Hai đợt thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 được tổ chức vào ngày 4-5/7 (thi khối A, A1 và V) và ngày 9-10/7 (thi khối B, C, D và các khối Năng khiếu) vừa kết thúc.
Tổng kết 2 đợt thi đại học năm 2013
Kỳ thi tiếp tục được giữ ổn định và thực hiện theo giải pháp “3 chung” (chung đề, chung đợt thi và chung kết quả xét tuyển).
Thí sinh xem lại đề sau khi kết thúc môn thi tại hội đồng thi Học viện Ngoại giao
Trước hết, có thể khẳng định, việc tiếp tục phát huy hiệu quả của thực hiện giải pháp “3 chung” đã có từ hơn 10 năm nay vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 là một chủ trương đúng đắn của Bộ GD-ĐT. Việc thực hiện giải pháp “3 chung” góp phần nhằm giảm kinh phí tổ chức thi, đỡ tốn kém cho các gia đình ở các vùng, miền đưa con em lên các thành phố lớn dự thi, cũng như giúp cho các trường dễ dàng chấm thi, xét tuyển hơn.
Tra cứu điểm thi đại học 2013 tại đây: https://kenhtuyensinh.vn/tra-cuu-diem-thi-thpt-quoc-gia
Trong kỳ thi ĐH năm nay, theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các thầy cô giáo, dư luận xã hội cũng như thí sinh, đề thi của tất cả các môn thi không có sai sót, nội dung đều nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12. Đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp với thời gian làm bài, kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức, đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển chọn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi ĐH của cả 2 đợt thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển.
Đề thi các môn tự luận ra theo hướng “mở”, khuyến khích thí sinh có cách giải độc đáo, trình bày ý kiến một cách sáng tạo. Việc ra đề thi theo hướng “mở” góp phần giảm hiện tượng “học tủ-học lệch”, “học vẹt”, yêu cầu thí sinh phải biết phát hiện vấn đề, có kiến thức xã hội rộng hơn.
Đặc biệt, nội dung đề thi môn Địa lý gắn với thực tiễn và tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, đề cập đến vấn đề biển đảo, khái quát về Biển Đông, vấn đề an ninh và tài nguyên biển của Việt Nam, góp phần xác định cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo, về sử dụng, khai thác tài nguyên cũng như giá trị của đảo và biển đảo trong vai trò bảo vệ đất nước.
Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: Điều 28 trong Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đưa ra quy định, những bài thi có cách giải độc đáo, bài thi tự luận mang tính sáng tạo, không giống như đáp án nhưng vẫn đúng thì sẽ được thưởng điểm. Mức điểm thưởng do cán bộ chấm thi đề xuất với trưởng bộ môn và báo cáo với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh. Trưởng ban chấm thi sẽ quyết định mức điểm thưởng cho thí sinh có cách giải độc đáo. Theo đó, mức điểm thưởng tối đa sẽ là 1 điểm.
Với quy định trên, trong kỳ thi năm nay, thí sinh nào sẽ có cơ hội cộng điểm và có cơ hội nhiều hơn bước vào cánh cửa đại học.
Thí sinh bị xử lý kỷ luật cao hơn năm 2012
Bên cạnh những mặt tích cực kể trên thì 2 đợt thi ĐH năm nay cũng đã bộc lộ những hạn chế điển hình. Đó là số lượng thí sinh và cán bộ tham gia công tác coi thi bị xử lý kỷ luật vẫn còn ở mức cao.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong cả 2 đợt thi ĐH năm 2013, cả nước có 333 thí sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó, khiển trách 62; cảnh cáo 17; đình chỉ thi 254; đến muộn không được thi là 6. Tổng số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh bị xử lý kỷ luật là 10 người. Trong đó, khiển trách 7 và đình chỉ 3.
Mặc dù trong vài kỳ thi gần đây, Bộ GD-ĐT đưa ra quy chế cho thí sinh được phép mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để phát hiện gian lận trong thi cử và năm nay, các trường đã huy động hơn 141.000 lượt cán bộ tham gia làm công tác coi thi nhưng tại nhiều hội đồng thi trong cả nước, sau khi thí sinh thi xong vẫn có nhiều “phao” thi rơi vãi ở sân trường, ngăn bàn trường học...
So với năm 2012, số thí sinh bị xử lý kỷ luật thi tăng 23 trường hợp. Con số trên khiến dư luận xã hội vẫn còn đang băn khoăn về giải pháp bảo đảm kỷ cương trong phòng thi, chống gian lận, tiêu cực trong thi cử mà Bộ GD-ĐT đưa ra chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa giảm được tình trạng thí sinh mang tài liệu, thiết bị không được phép vào phòng thi với mục đích “quay cóp”.
Đặc biệt là, trong 2 đợt thi ĐH, Bộ GD-ĐT phát hiện 2 trường hợp thi hộ tại Học viện An ninh nhân dân và ĐH Phòng cháy chữa cháy. Mặc dù vụ việc đang được Bộ GD-ĐT phối hợp với cơ quan công an tiếp tục điều tra, mở rộng xem có được dây thi hộ hay không nhưng qua đây cũng khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về việc quản lý thi ĐH tại các trường công an, quân đội
Theo Chu Miên, VOV