Theo cách thức tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sẽ có 2 loại cụm thi: cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh.

Sẽ có những thí sinh  đăng ký thi tại cụm thi tỉnh mặc dù số lượng này chiếm một tỷ lệ không nhiều lắm. Đa số những thí sinh này đều là những học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn và sức học không mấy khả quan.

Thi cụm tại tỉnh: gánh nặng cho học sinh nghèo

Học sinh khối 12 Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM thực hiện một khảo sát về các phương án của kỳ thi quốc gia do nhà trường tổ chức - Ảnh: B.H.

Chính vì vậy các em chọn con đường thi tại cụm thi tỉnh để có tấm bằng tốt nghiệp rồi sau này học nghề hay xin việc làm.

Mỗi tỉnh (thành phố) chắc chắn chỉ có một cụm thi tỉnh. Và cụm thi tỉnh cũng chắc chắn đặt tại trung tâm của tỉnh (thành phố) đó. Như vậy những thí sinh nào muốn thi tại cụm thi tỉnh tất yếu phải về trung tâm tỉnh (thành phố) để dự thi. Khó khăn cũng bắt đầu từ đây.

Xin lấy hai địa phương là tỉnh Nghệ An và tỉnh Kiên Giang để dẫn chứng cho những khó khăn mà thí sinh gặp phải.

Cụm thi tỉnh của tỉnh Nghệ An có thể đặt tại thành phố Vinh. Như vậy học sinh của 3 thị xã và 17 huyện của tỉnh muốn thi tại cụm thi tỉnh phải khăn gói về thành Vinh, trong đó có những học sinh của các huyện miền núi xa xôi của tỉnh như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu...

kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, học sinh nghèo của các huyện này dự thi tại địa phương mình. Nay để có được tấm bằng tốt nghiệp, các em phải bắt xe xuyên rừng, vượt núi để về Vinh dự thi. Bởi lẽ không khi nào cụm thi tỉnh tổ chức tại các huyện miền núi!

Hay tỉnh Kiên Giang cũng vậy. Học sinh của các huyện xa xôi như Kiên Lương, Hòn Đất phải đổ về thành phố Rạch Giá.

Hay như học sinh của Trường THPT Phú Quốc - huyện Phú Quốc cũng phải ngồi tàu vượt biển để về Rạch Giá dự thi. Tương tự như thế, học sinh lớp 12 của Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu - huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu)  muốn thi tại cụm địa phương cũng phải... “vượt biển” về thành phố Bà Rịa dự thi!

Học sinh nghèo thì phải ngồi tàu thôi chứ tiền đâu mà đi máy bay?

Chỉ nêu ví dụ về một vài  địa phương thôi chứ thực ra cả nước ta có rất nhiều địa phương như vậy.

Trong cả nước sẽ có hàng ngàn học sinh nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn ở các địa phương miền núi, miền biển, vùng sâu, vùng xa phải về trung tâm của tỉnh để dự thi.

Các em phải tốn kém nào tiền tàu xe, nào tiền ăn, tiền trọ cho những ngày dự thi. Chưa kể đến việc các em “chân ướt chân ráo” đến các đô thị còn bị bọn cò mồi nhà trọ dụ dỗ, lường gạt, bị “chặt, chém”, bị móc túi, giựt dọc...

Vậy xin hỏi: việc tổ chức thi tại cụm thi tỉnh của Bộ có giảm bớt khó khăn cho học sinh nghèo hay chỉ làm cho gia đình học sinh và bản thân các em tốn kém và mệt nhọc nhiều hơn?

Theo báo Tuổi Trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150124/thi-cum-tai-tinh-ganh-nang-cho-hoc-sinh-ngheo/702927.html

Cụm thi, kỳ thi THPT quốc gia 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT2015