>> Tuyển sinh, tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014

Vài ngày gần đây, nhiều trường đại học đã công bố môn thi chính trong kỳ tuyển sinh năm 2014. Nhìn chung dư luận cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự xác định môn thi chính là một bước tiến trong đổi mới tuyển sinh. Tuy nhiên, có vẻ quy định này chỉ có tác động tới một lượng nhỏ thí sinh và nhà trường.

Đa số môn thi chính là ngoại ngữ, môn năng khiếu

Ghi nhận chung cho thấy, môn thi chính được nhân hệ số 2 hầu như là các môn ngoại ngữ cho khối D hay môn năng khiếu cho khối năng khiếu - những môn vốn trước đây đã được nhân hệ số 2. Chẳng hạn, Trường CĐSP Hà Nội xác định 4 ngành đào tạo có môn thi chính được nhân hệ số 2: Giáo dục mầm non (khối M) với môn năng khiếu mầm non; giáo dục thể chất (khối T) thi môn chính là năng khiếu TDTT; với Sư phạm tiếng Anh và tiếng Anh (khối D1) là môn tiếng Anh.

Môn thi chính được coi là "đặc trưng" của ngành, của khối thi, như Trường ĐH Thành Tây quy định ngành dược (khối A, B) có môn thi chính là hóa, ngành điều dưỡng (khối B) là sinh. Cùng ngành, nhưng khác khối thi thì môn chính cũng khác nhau. Với các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng: Khối A là môn lý, khối D1 là môn văn. Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội quy định môn thi chính cho cả A1 và D1 là môn tiếng Anh.

Quy định nhân hệ số môn thi: Thêm cơ hội cho các thí sinh

Quy định nhân hệ số môn thi: Thêm cơ hội cho các thí sinh

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc xác định môn thi chính có vẻ thuận lợi hơn đối với các ngành công nghệ, khoa học tự nhiên và năng khiếu, còn với khối xã hội nhân văn thì không đơn giản. Trao đổi với báo chí, Chủ tịch HĐQT lâm thời Trường ĐH Đông Đô, ông Nguyễn Thanh Tĩnh cho biết: "Đây là vấn đề nhạy cảm cho các ngành tuyển khối C. Những năm gần đây, điểm tuyển sinh khối C môn địa lý có kết quả cao nhất, tiếp đến là môn văn và sau cùng là môn lịch sử. Theo tôi, việc chọn môn nào là môn được nhân hệ số 2 của khối C không đơn thuần là biện pháp cơ học".

Đối với các trường, ngành đã công bố môn thi chính, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi xét tuyển, các trường xác định và công bố công khai mức điểm xét tuyển cơ bản và điểm chuẩn xét tuyển có tính đến hệ số của môn. Giá trị trung bình của điểm chuẩn xét tuyển này (tổng điểm đã nhân hệ số chia cho 4) không được thấp hơn giá trị trung bình của mức điểm xét tuyển cơ bản vào học ĐH hoặc CĐ mà Bộ GD-ĐT công bố (tổng điểm 3 môn thi chia cho 3). Còn với các trường, ngành không quy định môn thi chính thì điểm chuẩn xét tuyển không được thấp hơn mức điểm xét tuyển cơ bản mà Bộ công bố.

Thêm cơ hội cân nhắc

Không kể các ngành ngoại ngữ, năng khiếu, số ngành, trường xác định môn thi chính trong kỳ tuyển sinh năm nay còn khá ít. Song các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, quy định này đã phần nào giúp các trường thực hiện tuyển sinh theo năng lực thí sinh và nhu cầu đào tạo của nhà trường. Mỗi ngành có thể chỉ cần tuyển các thí sinh có năng lực cao nhất ở một môn thi chính và điều đó giúp khắc phục tình trạng thí sinh có điểm cao trong môn thi quan trọng của khối, của ngành nhưng lại không trúng tuyển vì những môn khác bị điểm thấp; hoặc ngược lại, thí sinh có môn phụ được điểm cao lại trúng tuyển dù môn chính bị điểm kém. Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, trên thực tế, mỗi học sinh đều có sở thích hay năng lực khác nhau. Nếu thí sinh xác định đúng năng lực, sở trường của mình, các em sẽ tự tin hơn, có động lực hơn, có nhiều lợi thế khi làm bài môn thi chính. Từ đó, nhà trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù đào tạo. Nhờ vậy, chất lượng đầu ra có thể được cải thiện.

Thoạt nhìn, quy định nói trên cũng chỉ là cho phép nhân hệ số với một môn thi của khối thi như trước kia. Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, sự khác biệt, cũng chính là khía cạnh được đánh giá mang tính nhân văn của quy định này ở chỗ: Trước đây, việc nhân hệ số chỉ áp dụng đối với những thí sinh có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, tức là chỉ sau khi vượt qua điểm sàn thì thí sinh mới được tính tới sở trường, năng lực. Còn theo quy định mới, các trường được xác định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số của môn chính, theo đó, thí sinh có điểm môn chính cao nhưng có tổng điểm 3 môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản vẫn có khả năng trúng tuyển.

Trước ý kiến lo ngại rằng việc công bố các môn thi chính diễn ra ngay trước kỳ thi có thể khiến thí sinh bị động, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Quy định này có tác động lớn đến thí sinh có kết quả thi gần mức điểm xét tuyển tối thiểu và chủ yếu là đăng ký ở các nguyện vọng bổ sung. Việc này sẽ thực hiện sau ngày 20-8-2014. Tuy nhiên, sau khi các trường công bố môn thi chính, các thí sinh có thể cân nhắc thêm để quyết định ngành dự thi và nếu thấy cần thiết, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng ở buổi làm thủ tục dự thi.

Theo Quỳnh Phạm, Hà Nội mới