Cân nhắc giữ thang điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2015: Chiều 22/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Công bố quy chế tuyển sinh chính thức đầu tháng 2/2015

PGS-TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM đề xuất: Bộ nên sớm công bố cấu trúc đề thi, bởi kết quả phục vụ cho hai việc vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét vào các trường ĐH, CĐ. Đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai cho rằng kỳ thi nên duy trì thang điểm 10 thay vì thang điểm 20, bởi chương trình học ở trường THPT vẫn đang áp dụng thang điểm 10, nếu áp dụng thang điểm 20 vào kỳ thi quốc gia dễ gây sự bỡ ngỡ cho người học.

Thang điểm 10 có thể được giữ nguyên trong kỳ tuyển sinh 2015

Tiếp thu ý kiến đóng góp, GS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia nằm trong hai lộ trình đổi mới thi và kiểm tra, nhằm thay đổi cách dạy cách học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Kỳ thi tổ chức theo nguyên tắc lấy lợi ích lâu dài của học sinh làm mục tiêu chính. Quy chế thi được giữ ổn định đến khi lớp học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thi tốt nghiệp THPT. Năm 2016 có thể sẽ có thay đổi một vài chi tiết nhưng tổng thể sẽ giữ ổn định. Đối với thang điểm 20, bản chất không thay đổi, Bộ sẽ tiếp thu cân nhắc sử dụng thang điểm 10 trong kỳ thi này.

Theo GS Luận, cấu trúc đề thi vừa đảm bảo yếu tố để xét tốt nghiệp vừa phục vụ mục tiêu xét tuyển sinh đại học nên sẽ có câu trung bình làm được, câu để phân loại học sinh khá, giỏi. Bộ trưởng Luận cho biết sẽ công bố quy chế chính thức trong 10 ngày đầu của tháng 2/2015

Kỳ thi tuyển sinh 2015: Thang điểm 10 có thể giữ nguyên

Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đều tuân theo một nguyên tắc: Lấy quyền lợi, lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh (HS) làm trung tâm, làm tiêu chí căn bản của tuyển sinh…” - đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tại tọa đàm góp ý Dự thảo Quy chế Thi và Tuyển sinh 2015, tổ chức tại TPHCM chiều 22.1.
Băn khoăn và đề xuất…

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh: “Khó khăn năm nay về quy chế là ban tổ chức có hai vai - các trường tổ chức thi và các trường không tổ chức thi”. Về vấn đề kỹ thuật, ông Nghĩa cho rằng, đối với cụm thi, TP.Hồ Chí Minh có đến 8 cụm, trưởng ban chỉ đạo có thể là Phó Chủ tịch UBND thành phố, các phó ban là sở giáo dục, các trường. Liệu với quy chế này, ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có quá to hay không. Đề nghị ban chỉ đạo trung ương xem xét lại. Ở Điều 8 của quy chế, vấn đề tổ chức phòng thi, lấy số báo danh như thế nào cho hợp lý, làm sao có thể dồn thí sinh vào các phòng thi như thế nào để tiện cho khâu tổ chức. Rồi việc cấp thẻ dự thi thế nào? Một vấn đề nữa là thí sinh tự do đăng ký và dự thi ở đâu? Dự thảo quy định thí sinh tự do đăng ký thi ở địa phương, nơi cư trú. Ở Điều 3 của dự thảo nên làm rõ hơn về câu chữ kẻo thí sinh không hiểu” - ông Nghĩa nói. Đại diện Đại học Giao thông Vận tải TP.Hồ Chí Minh cho rằng, các quy định trong dự thảo còn khá “cứng” về các ban tuyển sinh. Về dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, thời gian để xét tuyển 20 ngày là khá ngắn, sợ rằng các trường làm không kịp.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh: Việc 1 phiếu đăng ký 4 ngành học khác nhau trong 1 trường thì tạo ra thí sinh ảo, gây khó khăn trong tuyển sinh. Ví dụ 1 thí sinh đăng ký từng ấy ngành thì các trường biết gọi họ vào học như thế nào nếu họ trúng tuyển?

Ông Trần Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp - cho rằng, dự thảo quy chế thi còn gây một số băn khoăn về cấu trúc đề thi. Thông tin trên trang web các trường cần cụ thể hơn để phụ huynh nắm rõ. Thông tin nguyện vọng ở các trường công bố, nhưng bộ cũng nên công khai để mọi người theo dõi thông tin chính thức.

Nhiều đại biểu đề xuất Bộ GDĐT nên giữ thang điểm 10, thay vì dự kiến sử dụng thang điểm 20: “Tôi đề xuất nên giữ thang điểm 10. Về bản chất thì thang điểm 10 hay 20 đều giống nhau. Thang điểm 20 thì chính xác hơn, nhưng mệt hơn cho thầy cô chấm thi, chi phí chấm thi nhiều hơn” - ông Trần Đình Lý (Đại học Nông Lâm) nói. Chương trình học sẽ kết thúc vào tháng 5, trong khi đầu tháng 7, kỳ thi THPT mới diễn ra. Khoảng thời gian hơn 1 tháng là quá dài và để cho thí sinh tự do ôn luyện thì không tốt, các đại biểu đề xuất bộ cho phép các trường được phép tổ chức ôn luyện kiến thức cho thí sinh trước thời gian kỳ thi THPT quốc gia được diễn ra…

Cố gắng tạo một kỳ thi thanh thản

Sự đổi mới thi cử năm nay nằm trong hai lộ trình - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói - lộ trình thứ nhất nằm trong thay đổi, đổi mới việc thi cử, kiểm tra, đánh giá thực hiện trong 3 - 4 năm nay rồi”.

Theo Bộ trưởng Luận thì, việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh là nhằm thay đổi cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Lần thay đổi trong kỳ thi này cũng trong những bước thay đổi mà chúng ta đã tính toán, triển khai. Những thay đổi tiếp tục tới đây lấy một nguyên tắc: Lấy quyền lợi, lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh để làm trung tâm, tiêu chí căn bản của tuyển sinh. Đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, chúng ta - thầy cô giáo, nhà trường, cơ quan quản lý - nhận phần khó khăn về mình để giúp việc dạy và học được tốt hơn.

Phương án thi năm nay sẽ là hình hài phương án thi cho đến khi có lứa học sinh sẽ học theo chương trình và bộ sách giáo khoa mới, cho tới năm 2021. Về cơ bản, phương án này sẽ phải ổn định chứ không thay đổi theo từng năm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, từ thực tiễn cuộc sống, có thể có chi tiết mới, giải pháp hay hơn, chúng ta sẽ bổ sung, nhưng về tổng thể giữ nguyên. Cho nên năm nay, Bộ GDĐT phải làm kỹ để tới đây ít phải bổ sung hơn. “Làm gì thì làm, chúng ta phải tạo cho học sinh một kỳ thi thật thanh thản…” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Tổng hợp từ Báo Phụ Nữ, Báo Lao Động ngày 23/01/2015, tin gốc:

http://laodong.com.vn/xa-hoi/ky-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia-2015-thang-diem-10-co-the-giu-nguyen-290819.bld

http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/can-nhac-giu-thang-diem-10-trong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015/a136608.html

Tag: Thang điểm 10, tuyển sinh 2015, thông tin tuyển sinh