>>Giáo dục, điểm thi đại học 2013, điểm chuẩn đại học

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, kỳ thi “3 chung” đã thể hiện rất nhiều ưu điểm, tuy nhiên, áp lực từ kỳ thi đối với xã hội vẫn còn, thí sinh và người nhà phải đi lại vất vả; lượng thí sinh đông gây áp lực lớn lên các thành phố... Vì vậy, Bộ GD&ĐT hiện đang nghiên cứu các phương án tuyển sinh mới nhằm giảm nhẹ sự căng thẳng của kỳ tuyển sinh này.

7 kinh nghiệm từ kỳ thi “3 chung” 2013

Kết thúc 2 đợt thi ĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga  đã rút ra 7 kinh nghiệm cũng là 7 thành công của kỳ thi này.

Trước hết, Bộ GD&ĐT đã ban hành sớm và đầy đủ văn bản chỉ đạo kỳ thi, các hội đồng thi không lúng túng trong thi hành nhiệm vụ. Một số văn bản chậm liên quan thu lệ phí tuyển sinh, bổ sung các đối tượng ưu tiên, các địa phương được bổ sung vào quy chế ưu tiên tuyển sinh là do Bộ GD&ĐT không hoàn toàn chủ động được vì phải phối hợp với các bộ, ngành khác.

Thứ hai, trong chỉ đạo tuyển sinh năm nay, thứ tự một số môn thi được thay đổi cho phù hợp với thời gian làm bài của học sinh, không bắt học sinh phải làm 2 môn tự luận trong một ngày thi. Cùng với đó, yêu cầu các Hội đồng thi phải tự chấm kiểm tra 5% các bài tự luận để đảm bảo sự công bằng của tất cả các thí sinh

điểm thi đại học 2013



Sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trung ương, các địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng là một dấu ấn của kỳ thi năm nay. Nhờ đó, thí sinh và người nhà đã được hưởng lợi từ hàng ngàn suất ăn miễn phí, hàng chục ngàn nhà trọ miễn phí và giá rẻ...

Các đội tiếp sức mùa thi của thanh niên và sinh viên hoạt động tích cực, giúp thí sinh an tâm hơn. Các bộ ngành cũng giúp đỡ rất tích cực cho công tác tuyển sinh. “Tiêu biểu, tại Thái Nguyên, bộ đội sử dụng xe chuyên dụng chở thí sinh đến điểm thi, đảm bảo các em đến đúng giờ” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kinh nghiệm thứ ba là công tác tổ chức thi ở các hội đồng thi. Các hội đồng đã cố gắng thuê địa điểm thi đại học phù hợp nhất. Một số hội đồng do số thí sinh quá đông nên vẫn phải sử dụng địa điểm thi trường tiểu học, nhưng đã chú ý bố trí lượng thí sinh phù hợp để đảm bảo không gian thoải mái.

Các hội đồng thi cũng đã quán triệt tới giám thị về chức năng, nhiệm vụ của mình, như dặn dò thí sinh những dụng cụ được, không được mang vào phòng thi, tránh cho thí sinh vi phạm quy chế.

Chủ trương cho phép thí sinh mang các vật dụng máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác đã góp phần làm tăng tính nghiêm túc của kỳ thi, mang cơ chế tự giám sát, từ đó, giám thị làm việc tích cực hơn, nghiêm túc hơn.

Kinh nghiệm thứ tư, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, là ý thức trách nhiệm của cán bộ coi thi. Đa số cán bộ coi thi đã làm hết chức năng nhiệm vụ của mình và xem công tác tuyển sinh là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đào tạo.

Trong quá trình tác nghiệp, các giám thị đã làm việc hết sức công tâm, tạo không khí thoải mái trong các phòng thi nhưng cũng rất nghiêm khắc đối với thí sinh vi phạm quy chế. Do vậy, tất cả trường hợp mang tài liệu hoặc điện thoại di động vào phòng thi đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Kinh nghiệm thứ năm là công tác thanh tra trong tuyển sinh. Trong 2 đợt tuyển sinh ĐH vừa qua, Bộ GD&ĐT đã cử 11 đoàn thanh tra lưu động không báo trước, quán xuyến từ Bắc tới Nam và phối hợp với đoàn thanh của các bộ ngành, các địa phương để tổ chức kiểm tra, thanh tra các điểm thi trong cả nước. Ngoài ra, mỗi Hội đồng thi cũng lập ra Ban thanh tra, thanh tra các hoạt động từ tổ chức thi, chấm thi, công tác vận chuyển đề thi...

Đặc biệt năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã giữ đường dây nóng qua email và số điện thoại. Tất cả các phản ảnh của nhân dân về tổ chức thi qua đường dây nóng này đều được Bộ trưởng chỉ đạo các bộ phận chức năng xử lý kịp thời.

điểm thi đại học 2013


Kinh nghiệm thứ sáu là công tác đề thi. Ban đề thi của Bộ GD&ĐT năm nay tăng cường thêm các cán bộ ra đề từ trường phổ thông trên các vùng miền khác nhau; đặt ra yêu cầu là đề thi phải có tính phân loại cao, nằm trong chương trình phổ thông và không được đánh đố học sinh.

Trên thực tế, các đề thi đã thể hiện đúng được yêu cầu của Bộ GD&ĐT, không có sai sót về nội dung và hình thức, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Đề thi năm nay được thí sinh và xã hội đánh giá vừa sức, đề thi các môn xã hội được ra dưới dạng mở với thang điểm và đáp án phù hợp, kích thích tính sáng tạo cũng như khả năng ứng dụng kiến thức học sinh học được ở phổ thông vào thực tế cuộc sống.

Kinh nghiệm thứ bảy là xử lý vi phạm quy chế của thí sinh và giám thị. Trong đợt 1 có 111 thí sinh bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang điện thoại di động; đợt 2 là 143 thí sinh bị đình chỉ, phần lớn do mang tài liệu vào phòng thi.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, tỷ lệ thí sinh ảo vẫn còn cao. Năm nay, trong 2 đợt có 1.298.522 thí sinh dự thi trên tổng số đăng ký là 1.673.628, chiếm 77,06%. Số thực tế dự thi năm nay thấp hơn năm ngoái, có nghĩa là số thí sinh ảo đã không giảm. Đó là điều còn băn khoăn sau khi kết thúc 2/3 chặng đường của kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.

Đổi mới tuyển sinh sẽ theo từng bước thận trọng

Khẳng định Bộ GD&ĐT hiện đang nghiên cứu các phương án tuyển sinh mới, nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, việc đổi mới tuyển sinh sẽ được thực hiện theo từng bước rất thận trọng:

Các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp cũng đang nghiên cứu, thay đổi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và kỳ thi phổ thông, Chính phủ cũng đã bàn, đưa ra dư luận quần chúng tham khảo và cũng đã có lộ trình. Như Nhật Bản, lộ trình thay đổi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là 5 năm. Vì vậy chúng ta cũng phải làm từng bước chứ không thể làm ngay được. Ngoài ra, những vướng mắc trong quy chế hiện hành sẽ được Hội nghị tuyển sinh sắp tới bàn bạc, xử lý”.

Mặc dù Luật Giáo dục hiện nay cho phép các trường tuyển sinh riêng nhưng Thứ trưởng Bùi Văn Ga lưu ý, các trường phải có đề án phù hợp trình lên Bộ GD&ĐT xem xét.

điểm thi đại học 2013

Tại Hội nghị hiệu trưởng trường ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã công bố dự kiến lộ trình đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo giải pháp 3 chung.

Tuy nhiên, sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh. Cùng với tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, Bộ giao các trường đại học trọng điểm, các trường năng khiếu nghệ thuật, cá trường có kinh nghiệm quản lý, đủ điều kiện… xây dựng phương án tuyển sinh, trình Bộ xem xét phê duyệt.

Từ năm 2016 – 2019, chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn công cụ bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và các môn thi tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo (không thi theo khối).

Từ năm 2020 trở đi, sự phân tầng đại học đã được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường đại học tốp đầu, các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông. ..

Về nhiệm vụ còn lại của mùa tuyển sinh 2013, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Chúng ta sẽ tổ chức thi CĐ, hoàn tất công tác chấm thi, công bố kết quả thí sinh theo đúng lịch trình; họp hội đồng điểm sàn để tư vấn cho Bộ trưởng quyết định điểm sàn phù hợp, sau đó các trường công bố kết quả, tiếp tục xét tuyển để đạt chỉ tiêu.

Theo Hiếu Nguyễn, Giáo dục thời đại